Trung Quốc 'gồng mình' chống lũ lụt

Trung Quốc đang trải qua cuộc chiến khốc liệt với đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Mực nước tại các sông lớn dâng cao ngoài sức tưởng tượng đang khiến nhiều khu vực tại Trung Quốc 'gồng mình' chống lũ lụt.

Theo Tân Hoa Xã, ba cửa xả lũ của đập Tam Hiệp bắc qua sông Dương Tử đã được mở, khi mực nước dâng lên cao gần chạm mức tối đa 175m theo thiết kế. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực giành giật sự sống của người dân, trong bối cảnh mưa lũ đang tàn phá Trung Quốc chưa từng thấy. Cơ quan Tài nguyên nước của tỉnh Giang Tô phía Đông Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo mưa lũ lên mức cao nhất tại Nam Kinh, khu vực sông Dương Tử chảy qua sau khi mực nước cao kỷ lục được ghi nhận tại đây.

Các tòa nhà ngập trong nước lũ sau cơn mưa lớn ở huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

Từ giữa tháng 6 đến nay, các tỉnh miền trung và miền nam Trung Quốc hứng chịu một trong những đợt lũ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Mực nước tại hơn 430 con sông đạt mức nguy hiểm, trong đó 33 sông đạt mức kỷ lục. Ít nhất 150 người chết và mất tích, buộc gần 15 triệu người phải sơ tán chỉ tính trong tháng 7. Thiên tai ảnh hưởng đến 27 trong số 31 địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc, với hơn 38 triệu người, thiệt hại ước tính hơn 12 tỷ USD.

Để đối phó với mưa lũ, Trung Quốc đã huy động hơn 7.000 binh sĩ triển khai đến miền Đông Trung Quốc tham gia các chiến dịch cứu hộ khẩn cấp và kiểm soát lũ lụt. Trong số đó, hơn 3.800 người được cử đến các thành phố Cửu Giang và Bà Dương của tỉnh Giang Tây. Lực lượng này sẽ đảm nhận việc tuần tra, gia cố đê, sơ tán người dân vùng thiên tai tới nơi an toàn... Tại thành phố Đồng Lăng của tỉnh An Huy, Trung Quốc huy động hơn 1.000 binh sĩ đang cùng lực lượng cứu hộ tại chỗ chạy đua với thời gian để gia cố đê và sơ tán dân thường.

Tại nhiều sông nhánh thuộc hệ thống Trường Giang đã tràn bờ tại nhiều nơi, giới chức tỉnh Hồ Bắc phải điều trực thăng chở đá thả xuống khu vực đê vỡ để ngăn nước tràn vào. Các đội hộ đê được phái đi kiểm tra nhiều khu vực, hàng nghìn bao cát được chuẩn bị để đối phó sự cố vỡ đê. Tỉnh An Huy hôm 19/7 đã phải dùng thuốc nổ để phá một đập đất trên sông Trừ nhằm giảm áp lực từ mưa lũ. Sau vụ nổ phá đập, mực nước trên sông Trừ dự kiến giảm 70 cm.

Ngoài lực lượng quân đội, Bộ Tài nguyên nước đã điều động 47.000 người tham gia phòng chống lũ, cứu hộ và trợ giúp những vùng thiên tai. 76.000 người ở các khu vực bị ảnh hưởng đã được sơ tán hoặc giải cứu.

Theo Bộ Quản lý các vấn đề khẩn cấp và Bộ Tài chính Trung Quốc, Chính phủ nước này đã quyết định cấp 600 triệu Nhân dân tệ (khoảng 85,7 triệu USD) để khắc phục hậu quả thiên tai tại 5 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm các tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và thành phố Trùng Khánh. Đặc biệt tại tỉnh Giang Tây, một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi lũ lụt, các nhà chức trách đã ban hành các biện pháp về thời chiến. Sau khi hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, vượt mức cảnh báo lũ cao nhất 22,5 m - phá vỡ mức kỷ lục của trận lũ năm 1998, chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 400.000 người. Trong khi đó, tỉnh An Huy lân cận cũng bị lũ lụt nghiêm trọng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận, việc kiểm soát lũ lụt đang rất khó khăn và ở giai đoạn trọng yếu. Ông Tập Cận Bình yêu cầu các cơ quan chức trách từ trung ương tới địa phương phải nỗ lực hết sức nhằm ứng phó với thiên tai và cứu trợ cho những nơi bị ảnh hưởng, với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng ra lệnh cho quân đội và công an phối hợp tham gia các chiến dịch cứu hộ khẩn cấp và kiểm soát lũ lụt.

Bình Minh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/trung-quoc-gong-minh-chong-lu-lut-80953.html