Trung Quốc gửi thông điệp cho nhóm của Hoàng Chi Phong sau sự kiện xuất hiện ở Quốc hội Mỹ

Việc một nhóm thanh niên Hồng Kông (được Mỹ gọi là các 'nhà hoạt động dân chủ' còn Trung Quốc là các 'đầu mục nổi loạn') xuất hiện trước Quốc hội Mỹ và có các bài phát biểu vào hôm thứ ba, ngày 17.9 đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có thông điệp gửi cho nhóm này.

Hoàng Chi Phong và Hà Vận Thi xuất hiện tại Quốc hội Mỹ - Ảnh: Internet

Hoàng Chi Phong và Hà Vận Thi xuất hiện tại Quốc hội Mỹ - Ảnh: Internet

Trong buổi họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua, ngày 18.9, phóng viên đặt câu hỏi: “Hôm thứ ba, một nhóm 'người biểu tình ủng hộ dân chủ' ở Hồng Kông đã kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ gây áp lực lên Bắc Kinh. Một trong số họ, Hà Vận Thi (Denise Ho), nói rằng đó không phải là một lời biện hộ cho sự can thiệp của nước ngoài hay sự độc lập của Hồng Kông, mà là một lời biện hộ cho nhân quyền và dân chủ. Bộ ngoại giao Trung Quốc có phản ứng gì với điều này?”

Ông Cảnh Sảng - phát ngôn viên Bộ ngoại giao trả lời: "Chúng tôi đã trả lời nhiều lần cho các câu hỏi tương tự. Tôi sẽ nhắc lại rằng Hồng Kông thuộc về Trung Quốc và các vấn đề của họ hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi nước Mỹ và các bên đáng chú ý khác không can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông và nội bộ của Trung Quốc. Đồng thời, chúng tôi cảnh báo tới một số cá nhân: bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống Trung Quốc, phá rối Hồng Kông bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ của nước ngoài là vô ích và cam chịu thất bại".

Trước đó, hôm thứ ba, ca sĩ Hà Vận Thi đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Sau khi kể về tình cảnh Hồng Kông thời gian qua, nữ ca sĩ này tuyên bố: “Do đó, tôi kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ sát cánh cùng Hồng Kông, và hơn hết, thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Đây không phải là một lời biện hộ cho cái gọi là sự can thiệp của nước ngoài, hay cũng như sự độc lập của Hồng Kông. Đây là một lời biện hộ cho nhân quyền phổ quát. Đây là một lời biện hộ cho nền dân chủ. Đây là một lời biện hộ cho sự lựa chọn tự do.

Và cuối cùng, tôi có thể trích dẫn lời của Eleanor Roosevelt, Đệ nhất phu nhân yêu quý nhất của các bạn: “Chúng ta trở nên mạnh mẽ, từng trải và tự tin nhờ mỗi trải nghiệm mà chúng ta thực sự dừng lại để nhìn trực diện vào nỗi sợ hãi. Ta có thể mang thứ tiếp theo đi cùng mình (còn câu cuối trong danh ngôn mà ca sĩ họ Hà bỏ lửng là: Chúng ta phải làm điều mà chúng ta nghĩ là mình không thể).

Đây là một cuộc chiến toàn cầu cho các giá trị phổ quát mà tất cả chúng ta đều trân trọng, và Hồng Kông đang ở trên tuyến đầu của cuộc chiến này. Chúng tôi đã từng lo sợ về những gì có thể xảy ra với sự im lặng của chúng tôi, và vì điều đó, giờ đây chúng tôi đã trở nên không sợ hãi”.

Trong buổi điều trần này, Hoàng Chi Phong cũng có bài phát biểu trong đó có lời kêu gọi khiến Bắc Kinh khó chịu: "Bắc Kinh không thể có cả hai, gặt hái tất cả những lợi ích kinh tế từ vị thế của Hồng Kông trên trường quốc tế trong khi xóa bỏ bản sắc xã hội chính trị của thành phố", đồng thời kêu gọi Mỹ can thiệp: “Tôi cũng hy vọng rằng các nhà sử học sẽ kỷ niệm Quốc hội Mỹ vì đã đứng về phía người Hồng Kông”.

Xem thêm:

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-gui-thong-diep-cho-nhom-cua-hoang-chi-phong-sau-su-kien-xuat-hien-o-quoc-hoi-my-121563.html