Trung Quốc Hằng Nga 6 khám phá 'vùng tối Mặt trăng'

Hằng Nga 6 sẽ là bước tiến mới nhất của Trung Quốc ra không gian, có mục tiêu thu thập mẫu vật từ khu vực đầy bí ẩn của Mặt trăng.

Ngày 3/5, Trung Quốc sẽ thực hiện một bước tiến lớn ra không gian nhằm hiện thực hóa giấc mơ siêu cường vũ trụ của nước này. Cụ thể, tàu thăm dò Hằng Nga 6 sẽ được phóng tới "vùng tối" của Mặt trăng nhằm thu thập mẫu vật - nếu thành công, đây sẽ là sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử đạt được dấu mốc này.

Vụ phóng được thực hiện tại bãi phóng Văn Xương thuộc đảo Hải Nam. Các vụ phóng tàu vũ trụ đều diễn ra gần xích đạo để tận dụng lực quay của Trái đất. (Ảnh: Getty)

Tàu thăm dò dự kiến sẽ hạ cánh ở phía đông bắc của bồn địa Aitken-Nam Cực khổng lồ, miệng hố va chạm lâu đời nhất trong Hệ Mặt trời. Sau khi hạ cánh, nó sẽ thu thập các mẫu có thể mang về Trái đất. Trọng lượng vật liệu được thu thập ước tính là 2 kg và sứ mệnh sẽ kéo dài 53 ngày.

Đây là sứ mệnh đầu tiên trong 3 sứ mệnh sử dụng tàu vũ trụ không người lái trước khi Trung Quốc cố gắng gửi phi hành đoàn và xây dựng căn cứ trên cực nam Mặt trăng. Hằng Nga 6 được phóng bởi tên lửa Trường Chinh 5 từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam. Thời điểm phóng là khoảng 16h27 giờ Hà Nội.

Vì sao "vùng tối" của Mặt trăng lại quan trọng?

Từ Trái đất, chúng ta chỉ nhìn thấy một mặt của Mặt trăng vì thời gian quay quanh trục của nó bằng đúng thời gian nó quay quanh Trái đất - khoảng một tháng. Theo NASA, phía đối diện với Trái đất được gọi là Vùng tối và có rất nhiều miệng hố có kích thước khác nhau, hơn nữa lại có lớp vỏ dày hơn, cổ xưa hơn.

Điều đó trái ngược với vùng sáng của Mặt trăng, nơi có nhiều khu vực bằng phẳng dễ tiếp cận. Chưa kể, việc liên lạc từ khu vực Vùng tối sẽ gặp khó khăn vì nó hướng ra xa Trái đất. Để thực hiện liên lạc với Trái đất, Hằng Nga 6 phải thông qua vệ tinh liên lạc chuyển tiếp Thước Kiều 2, đã được phóng trước vào hôm 20/3.

Người dân tập trung đông đúc xem cảnh phóng tàu Hằng Nga 6. (Ảnh: Weibo)

Vấn đề mấu chốt của việc tiếp cận vùng tối Mặt trăng cho đến nay, theo các nhà khoa học, chính là nước. Kể từ khi Ấn Độ phát hiện ra có thể có băng ở các miệng hố ở cực nam Mặt trăng vào năm 2008, các nhà khoa học đã rất tò mò về việc thực ra vùng này có nước hay không.

Nếu có, các sứ mệnh tới Sao hỏa và việc duy trì các căn cứ lâu dài trên Mặt trăng sẽ trở nên khả thi hơn nhiều. Nước có sẵn trên căn cứ Mặt trăng sẽ cung cấp sức sống và oxy, cũng như nhiên liệu tên lửa cần thiết cho các sứ mệnh sau này của con người. Mặt trăng có trọng lực yếu hơn Trái đất nhiều, nên việc phóng tên lửa cũng dễ dàng hơn gấp bội.

Đó là chưa kể lượng lớn khí heli vốn hiếm trên Trái đất, cũng như khoáng vật cần thiết khác.

Trên thực tế, chính tàu tiền nhiệm Hằng Nga 4 của sứ mệnh này đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh thành công ở vùng tối của Mặt trăng.

Trung Quốc cho biết họ cam kết hợp tác với các quốc gia khác - và trong sứ mệnh này có các thiết bị từ Pháp, Italia và Thụy Điển, cũng như một vệ tinh hình khối nhỏ do Pakistan chế tạo.

Thạch Anh (Nguồn: Sky News)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-quoc-hang-nga-6-kham-pha-vung-toi-mat-trang-ar868798.html