Trung Quốc khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên: Trọng tâm cuộc chiến thương mại với Mỹ

'Luật Đầu tư nước ngoài' mới được coi là để ứng phó với cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, thích ứng với hoàn cảnh mới và có tác động trực tiếp đến cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

“Luật Đầu tư nước ngoài” mới được coi là để ứng phó với cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, thích ứng với hoàn cảnh mới và có tác động trực tiếp đến cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Thủ tướng Lý Khắc Cường thay mặt Quốc Vụ viện trình bày “Báo cáo Công tác Chính phủ” trong ngày họp đầu tiên hôm 5-3. Ảnh: Reuters

Sáng 5-3, phiên họp Quốc hội khóa XIII của Trung Quốc đã chính thức khai mạc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là một cuộc họp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của quốc gia này vì giúp vạch ra định hướng kinh tế, quân sự hàng năm của nước này.

Theo Reuter, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính Hiệp Uông Dương và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của đảng, Nhà nước, cùng gần 3.000 đại biểu Quốc hội đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân Trung Quốc đã tham dự cuộc họp này. Theo lịch trình, kỳ họp Quốc hội năm nay kéo dài gần 11 ngày và sẽ bế mạc vào sáng 15-3 tới.

Tiêu điểm: “Luật đầu tư nước ngoài”

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa chấm dứt, một trong những trọng tâm tại kỳ họp lần này là chuẩn bị thông qua bộ luật mới về đầu tư nước ngoài có tên gọi “Luật Đầu tư nước ngoài”.

Luật mới này được coi là để ứng phó với cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, thích ứng với hoàn cảnh mới và có tác động trực tiếp đến cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, đã có những tranh cãi đặt ra khi trong dự luật này không có bất kỳ câu chữ nào đề cập đến các doanh nghiệp Hồng Kông, Macau, Đài Loan kinh doanh ở Trung Quốc đại lục. Việc này đã dẫn đến sự hoài nghi của các doanh nghiệp ở hai bờ eo biển Đài Loan: Liệu sau này khi các doanh nghiệp Hồng Kông, Macau, Đài Loan kinh doanh ở Đại lục có được hưởng ưu đãi đầu tư nước ngoài hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Trương Nghiệp Toại, người phát ngôn cuộc họp báo về kỳ họp, cho biết Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Khu hành chính đặc biệt Macau và khu vực Đài Loan đều là một phần của Trung Quốc, đồng thời đều là các khu vực có chính sách thuế quan riêng biệt. Đầu tư từ Hồng Kông, Macau và Đài Loan khác với đầu tư nước ngoài và cũng không hoàn toàn giống với đầu tư trong nước, có tính đặc thù nhất định.

Hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019

Tại lễ khai mạc, một trọng tâm khác gây chú ý là bản “Báo cáo Công tác Chính phủ” mà Thủ tướng Lý Khắc Cường thay mặt Quốc Vụ viện trình bày trước các đại biểu, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chính đã được hoàn thành.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa hẹn tất cả các Cty sẽ được “đối xử công bằng” trong một nỗ lực nhằm xoa dịu các khiếu nại thương mại của Mỹ và Châu Âu. Thủ tướng Trung Quốc khẳng định nước này sẽ tiếp tục ủng hộ việc mở cửa nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, trong bối cảnh Bắc Kinh phải vật lộn với kiểm soát nợ công, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong báo cáo, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 ước đạt từ 6 đến 6,5%. Con số này giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 6,6% hồi năm 2018, mức thấp trong 3 thập kỷ. Thông báo này đã phản ánh quyết tâm chính thức của Bắc Kinh nhằm tăng cường hoạt động kinh tế đang chậm lại để đối phó với mức thuế quan tăng cao từ Mỹ và nhu cầu toàn cầu suy giảm.

Chi tiêu quân sự hợp lý

Năm nay, không những có cách tiếp cận thận trọng hơn trong các chính sách kinh tế, Trung Quốc cũng thận trọng trong chính sách quốc phòng.

Trong cuộc họp báo đầu tiên sau ngày họp đầu tiên, vấn đề chi phí quân sự luôn là câu hỏi mà truyền thông nước ngoài đặt ra. Và năm nay, khi trả lời về chi phí quân sự của Trung Quốc và những lo ngại của bên ngoài về lực lượng quốc phòng nước này, người phát ngôn Quốc hội Trương Nghiệp Toại cho biết, việc duy trì mức tăng hợp lý trong chi tiêu quốc phòng là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, thích ứng với nhu cầu cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc. Ông Trương Nghiệp Toại bày tỏ việc một quốc gia có gây ra mối đe dọa quân sự cho các quốc gia khác hay không là phụ thuộc vào chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước đó, chứ không phải là do chi tiêu quốc phòng của nước đó tăng bao nhiêu. Theo ông Trương, Trung Quốc luôn kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình và thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng vệ.

Từ năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã giảm từ mức tăng trưởng 2 con số trong 5 năm liên tiếp xuống còn 1 con số. Chi tiêu quốc phòng Trung Quốc năm 2018 chiếm khoảng 1,3% GDP, trong khi tỷ lệ chi tiêu quốc phòng ở một số nước phát triển chủ chốt chiếm hơn 2% GDP.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_202987_trung-quoc-khai-mac-ky-hop-quoc-hoi-thuong-nien-trong-tam-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my.aspx