Trung Quốc khẳng định sẽ mở cửa ngày càng nhiều thay vì co cụm

Phó thủ tướng Trung Quốc - Hồ Xuân Hoa khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để nắm bắt cuộc cách mạng 4.0, ứng phó với thách thức, xây dựng kinh tế toàn cầu liên kết với nhau.

Các đại biểu tham dự WEF 2018

Sáng tạo và đổi mới là động lực quan trọng nhất

Phát biểu tại phiên khai mạc WEF ASEAN 2018 sáng 12/9, Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho rằng, nền kinh tế thế giơi đang có những chuyển biến tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn những bất ổn tiềm ẩn trong kinh tế thế giới, nhất là tại các quốc gia vẫn ủng hộ tinh thần bảo hộ, đơn nhất.

"Đây có thể là nguy cơ nghiêm trọng với nền kinh tế thế giới", ông nêu quan điểm.

Tuy vậy, Phó thủ tướng Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để nắm bắt cuộc cách mạng 4.0, ứng phó với thách thức, xây dựng kinh tế toàn cầu liên kết với nhau.

"Bài học từ quá khứ cho thấy nếu co cụm lại sẽ không tốt. Vì thế, Trung Quốc sẽ không đóng cửa nền kinh tế, mà sẽ mở cửa ngày càng nhiều hơn bởi nó là con đường đúng đắn nhất để phát triển thành công", ông nói.

Theo ông Hồ Xuân Hoa, sáng tạo và đổi mới là động lực quan trọng nhất để các quốc gia phát triển, đạt được sự thịnh vượng lâu dài. Cần cải cách, đổi mới chính sách và các mô hình tăng trưởng mới, giải phóng tiềm năng con người, tăng trưởng toàn diện, dài hạn, đầu tư vào giáo dục và y tế...

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ Trung Quốc mong muốn tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác theo các hướng xây dựng chương trình phát triển đồng bộ với ASEAN, tầm nhìn đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN tới năm 2030, khai phá các lĩnh vực tăng trưởng thương mại, phát triển quan hệ đối tác toàn diện, thu hẹp khoảng cách trong phát triển...

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đề cập tới một thách thức khác của khu vực là chiến tranh thương mại bùng nổ mạnh mẽ. Ông ví tình hình toàn cầu như bộ phim “Cuộc chiến Vô cực”, và việc này là do nhận thức trong mỗi cá nhân, rằng thương mại là một cuộc chiến phải có kẻ thắng, người thua. Ông kêu gọi các nước cần xem lại bài học lịch sử. "Chỉ có hợp tác mới tạo ra được sự thịnh vượng bao trùm", ông nói.

Ông cũng khẳng định tài nguyên trên thế giới là vô hạn. Công nghệ phát triển đã giúp con người sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, tạo ra những công cụ hữu ích, nhẹ nhàng hơn, đồng thời giảm tác động đến môi trường và thậm chí giảm bất bình đẳng giàu nghèo.

Vị lãnh đạo này cho biết, Indonesia hồi tháng 4 đã công bố chương trình hướng tới Indonesia 4.0 để khẳng định quan điểm 4.0 sẽ tạo ra nhiều công việc hơn là phá hủy, không chỉ trong dài hạn mà ngắn hạn.

Đầu tư chính vào con người

Thủ tướng Campuchia - Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh tinh thần doanh nhân, cách mạng công nghệ 4.0 là nhân tố chủ chốt để xác định hướng đi tiếp theo cho các nền kinh tế; định hình lại các nhân tố sản xuất, hành vi tiêu dùng... "Sự tiến bộ về công nghệ dựa trên trí tuệ thông minh, sử dụng người máy; công nghệ sinh học... đã đem lại sự thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử", ông nói.

Tuy vậy, ông cũng lưu ý những lo lắng, khó khăn mà các nước khu vực có thể gặp phải. Đó là, cần có trình độ giáo dục cao hơn; phân phối lợi ích; thiếu khung pháp lý đủ mạnh bảo vệ sự an toàn của số liệu, dữ liệu...

Thủ tướng Lào cũng đồng tình với quan điểm rằng thế giới sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ tới và riêng với ASEAN, Cách mạng 4.0 sẽ là cơ hội chưa từng có để phát triển về khoa học – công nghệ. Nó sẽ giúp các quốc gia, doanh nghiệp tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh và hội nhập vào chuỗi giá trị trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy vậy, sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức, như khoảng cách phát triển hay an ninh mạng. Vì vậy, ông cho rằng ASEAN cần tiếp tục duy trì tính trung tâm, thống nhất, tăng nghiên cứu về 4.0 và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đưa ASEAN đi lên.

Tự nhận là nước đi sau với cuộc CMCN 4.0, Cố vấn nhà nước Myanmar - Daw Aung San Suu Kyi cho biết họ buộc phải "đi tắt".

Vì là nước đi sau, nên cách tiếp cận của Myanmar cũng khác biệt, khi chọn và đặt niềm tin vào yếu tố con người, phát triển hệ thống giáo dục và đưa những ý tưởng công nghệ, sáng tạo của người trẻ.

Vì vậy, chỉ sau 5 năm, Myanmar đã bước đầu đạt được một số thành công, mà như so sánh của bà San Suu Kyi là "nhảy vọt", như truy cập băng thông rộng tăng từ 1% lên 105%; từ chỗ người dân cho rằng "giữ tiền an toàn nhất là nhét dưới đệm" thì nay 30% đã gửi tiền vào ngân hàng và thực hiện các thao tác thông qua điện thoại di động kết nối mạng...Điều này giúp Myanmar không còn là người đi sau trong cách mạng 4.0.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/trung-quoc-khang-dinh-se-mo-cua-ngay-cang-nhieu-thay-vi-co-cum-1323145.tpo