Trung Quốc khó 'giải cứu thế giới' lần nữa

Theo hãng tin Deutsche Welle, quá trình hồi phục hậu COVID-19 của Trung Quốc cùng nhiều vấn đề địa chính trị khiến nước này khó có thể ngăn cản suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chưa thể hồi phục hết sức sau khi đã từ bỏ tất cả hạn chế chống dịch nghiêm ngặt. Trung Quốc ghi nhận nhập khẩu tháng 4 giảm 7,9%, còn xuất khẩu chỉ tăng 8,5% – thấp hơn mức tăng 14,8% tháng 3. Giá tiêu dùng tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn 2 năm, giá xuất xưởng lại giảm sâu. Các khoản vay ngân hàng mới cũng giảm mạnh.

Số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc gây thất vọng - Ảnh: Getty Images

Số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc gây thất vọng - Ảnh: Getty Images

Thời hoàng kim đã qua

Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc (trường Đông phương và châu Phi học) Steve Tsang lưu ý: “Kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ nhưng cũng chẳng quay lại thời hoàng kim tăng trưởng 2 con số như những năm 2010”.

Sự hồi phục mạnh mẽ hậu COVID-19 của Trung Quốc có thể bù đắp sự suy giảm ở nhiều quốc gia khác do ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất thời gian qua.

Gói kích cầu khổng lồ mà Trung Quốc tung ra sau khủng hoảng tài chính 2008 từng giúp kinh tế toàn cầu phục hồi, một phần nhờ nhu cầu vật liệu cho loạt dự án cơ sở hạ tầng vô cùng lớn của quốc gia châu Á.

Nhưng gói kích cầu tạo nên “núi nợ” cho Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo chỉ tính riêng số nợ cấp địa phương cũng đã lên đến mức kỷ lục 66 nghìn tỷ Nhân dân tệ – tương đương một nửa GDP quốc gia.

Theo ông Tsang, giới hoạch định chính sách phương Tây đang mong Trung Quốc giúp giải cứu nền kinh tế nên nhìn rõ thực tế.

Vấn đề địa chính trị

Vấn đề Đài Loan, mối quan hệ Trung - Nga thân thiết, việc Bắc Kinh quyết giữ lập trường trung lập đối với cuộc chiến tại Ukraine khiến hợp tác kinh tế toàn cầu gặp rủi ro.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ thời cựu Tổng thống Donald Trump kéo dài sang thời Tổng thống Joe Biden. Thậm chí, Washington giờ đây còn hạn chế quyền tiếp cận của Bắc Kinh với sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Chính sách đối ngoại cứng rắn mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện khiến phương Tây bắt đầu chia tách kinh tế với Trung Quốc. Như vậy có nghĩa là liên kết kinh tế từng hỗ trợ Trung Quốc tăng trưởng nhanh đang suy yếu”, theo ông Tsang.

Ngoài ra, phương Tây ngày càng xem Vành đai và Con đường (BRI) là mối đe dọa đối với lợi ích của họ. Họ lo ngại sáng kiến này khiến nhiều quốc gia đang phát triển rơi vào “bẫy nợ”, làm suy yếu quan hệ giữa các nước này với phương Tây.

Tháng trước Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde bày tỏ lo ngại kinh tế toàn cầu bị phân chia thành hai khối đối đầu do Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu mỗi khối, gây hại cho tăng trưởng và khiến lạm phát gia tăng.

Trung Quốc ưu tiên “tăng trưởng chất lượng”

Một lý do khác khiến cho việc Trung Quốc hồi phục chậm là nước này chuyển sang ưu tiên tăng trưởng chất lượng, đưa đất nước lên mắc xích cao hơn trong chuỗi cung ứng. Loạt cải cách họ triển khai cần có thời gian mới đem lại hiệu quả.

Giáo sư Dutt cho biết: “Trung Quốc đang cố chuyển mình từ quốc gia gia công cấp thấp thành quốc gia thống trị các ngành công nghiệp tương lai (như trí tuệ nhân tạo, robot, bán dẫn,…)”.

Và vị giáo sư này nhận định rằng, khi từ bỏ công nghiệp nặng hướng ngành sáng tạo và tiêu dùng thì tăng trưởng chậm lại là điều tất yếu.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-kho-giai-cuu-the-gioi-lan-nua-197936.html