Trung Quốc khoe thử nghiệm thành công tàu lặn không người lái mô phỏng cá đuối

Trung Quốc cho biết đã thử nghiệm thành công tàu lặn phỏng sinh học do Đại học Bách khoa Tây Bắc tự nghiên cứu phát triển. Đây là tàu lặn phỏng sinh đầu tiên trên thế giới được đưa vào ứng dụng, gây chú ý.

 Hình ảnh thiết bị lặn phỏng sinh cá Đuối hoạt động dưới đáy biển (Ảnh: 163).

Hình ảnh thiết bị lặn phỏng sinh cá Đuối hoạt động dưới đáy biển (Ảnh: 163).

Theo tin của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 15/9, chiếc tàu lặn không người lái (AUV) thân mềm mô phỏng hình cá Đuối có sải cánh dài 3 mét do Đại học Công nghệ Tây Bắc Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển đã thực hiện thành công động tác vỗ cánh và bay lướt ở độ sâu 1.025 mét trong vùng biển của rạn san hô Đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Cuộc thử nghiệm trên biển này đã khiến chiếc tàu lặn này trở thành phương tiện phỏng sinh học đầu tiên trên thế giới có khả năng ứng dụng di chuyển ngầm dưới nước.

Mô hình thiết bị phỏng sinh theo hình dạng cá Đuối (Ảnh: 163).

Bản mẫu chiếc tàu lặn thân mềm cá Đuối Type IV có đôi cánh mô phỏng theo hình dạng cá Đuối được thử nghiệm thành công ở Hoàng Sa lần này có sải cánh dài 3 mét và trọng lượng 470 kg, có khả năng đẩy lướt đi và kết hợp vỗ cánh. Nó không chỉ có thể "lướt" hiệu quả với khoảng cách xa trong nước mà còn vỗ cánh "bay" với khả năng cơ động cực cao. Nó kết hợp giữa "thân" cứng cáp với "đôi cánh" mềm linh hoạt. Dù là về hình dạng hay động tác bơi trong nước, nó rất giống một con cá Đuối thật, không có khác biệt mấy.

Thiết bị lặn phỏng sinh cá Đuối đang hoạt động dưới đáy biển (Ảnh: 163).

“Sự giống nhau về động tác lướt và vỗ cánh giữa con tàu và cá Đuối là khoảng hơn 90%” - Trưởng dự án, Giáo sư Phan Quang cho biết, nhóm đã trải qua toàn bộ chuỗi nghiên cứu và phát triển độc lập từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng kỹ thuật, lần lượt đạt được những bước đột phá về công nghệ tiên tiến cốt lõi như phân tích dữ liệu chuyển động phỏng sinh của cá Đuối, nghiên cứu về nguyên lý cơ học chất lỏng, thiết kế cấu trúc cánh vỗ sinh học linh hoạt kết hợp cương nhu, mô phỏng thần kinh điều khiển sinh học bionic...

Ông cho biết: "Thiết bị mẫu này đã hoàn thành thử nghiệm hành trình vỗ cánh lướt ở mực nước sâu 1.025 mét, đồng thời thu thập những thông tin thủy văn về nhiệt độ và độ mặn dưới mực nước sâu, giành được đột phá lớn trong nghiên cứu khoa học".

AUV cá Đuối được thả xuống biển (Ảnh: CCTV).

Loại tàu lặn phỏng sinh học hình cá Đuối này với thời gian làm việc dài, tính di động cao, khả năng chịu tải lớn, tính che giấu mạnh và tính thân thiện sinh học tốt, đáp ứng nhu cầu giám sát thô trên diện rộng và thăm dò kỹ lưỡng tại chỗ, có thể được ứng dụng để giám sát môi trường dưới nước, thu thập dữ liệu lớn đại dương, trang trại chăn nuôi đại dương, kiểm tra cáp biển và các kịch bản khác.

Theo Phan Quang, thiết bị mô phỏng sinh học dưới nước không người lái (AUV) này có thể bơi cùng đàn cá dưới đại dương và theo dõi giám sát đàn cá trong khu chăn nuôi đại dương. Ngoài ra, có thể tăng thêm khả năng mang cảm biến âm thanh và từ tính để bảo vệ môi trường biển và các ứng dụng khác trong tương lai. Có ý kiến cho rằng không loại trừ nó được ứng dụng vào mục đích quân sự.

Sơ đồ mạng lưới điều khiển hoạt động của AUV cá Đuối (Ảnh: 163).

Trang tin 163.com phân tích, tàu lặn không người lái phỏng sinh học cá Đuối, có thể làm cho tàu ngầm được che giấu kỹ hơn và có thể mang theo nhiều máy dò hơn. Bản thân cá Đuối có đặc điểm là hoạt động theo đàn, có thể sử dụng nhiều cá Đuối phỏng sinh học và kết nối chúng với nhau thông qua mạng tạo thành một "cụm AUV", gia tăng phạm vi sử dụng rộng rãi hơn. Điều này gợi ý khả năng ứng dụng về mặt quân sự.

Trang tin này cho biết, nhóm nghiên cứu của Đại học Công nghệ Tây Bắc Trung Quốc đang tiếp tục nâng cao tính năng của thiết bị và liên tục gắn thêm các loại cảm biến để tận dụng hết những đặc điểm của thiết bị này.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-khoe-thu-nghiem-thanh-cong-tau-lan-khong-nguoi-lai-mo-phong-ca-duoi-post150480.html