Trung Quốc khởi đóng tàu ngầm AIP 'tốt nhất Đông Nam Á' cho Hải quân Thái Lan

Hôm 4/9 tại Nhà máy đóng tàu Vũ Xương, Trung Quốc đã diễn ra lễ cắt thép khởi đóng cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan chiếc tàu ngầm AIP đầu tiên.

 Ngày 2/7/2015, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã chính thức lựa chọn nền tảng Type 041 của Trung Quốc làm nguyên mẫu để yêu cầu Bắc Kinh chế tạo một phiên bản tàu ngầm phù hợp với tình hình thực tế của họ, biến thể này nhận định danh S26T

Ngày 2/7/2015, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã chính thức lựa chọn nền tảng Type 041 của Trung Quốc làm nguyên mẫu để yêu cầu Bắc Kinh chế tạo một phiên bản tàu ngầm phù hợp với tình hình thực tế của họ, biến thể này nhận định danh S26T

Tàu ngầm Type 041 của Trung Quốc là sản phẩm kế thừa những thành tựu thu được từ tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, kết hợp với tiềm lực khoa học công nghệ trong nước.

Tàu ngầm Type 041 nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia quân sự thế giới như rất yên tĩnh, hỏa lực cực mạnh, mức độ tự động hóa cao, thời gian hoạt động dưới nước dài.

Tháng 5/2017, hợp đồng thi công đóng mới chiếc S26T đầu tiên đã được ký, dự kiến con tàu sẽ đi vào phục vụ sau năm 2020. Sau nhiều lần trì hoãn thì phải tới hôm qua lễ cắt thép mới được tiến hành.

Theo kế hoạch, chiếc S26T thứ hai và thứ ba sẽ được Thái Lan mua sắm trong vòng 11 năm tiếp theo, giá trị mỗi tàu ngầm khoảng 13,5 tỷ Bath (tương đương 390 triệu USD).

Dựa trên những thông tin ban đầu, S26T có kích thước nhỏ hơn Type 041 với chiều dài 66 m; chiều rộng 8 m; mớn nước khi nổi 8,2 m; lượng giãn nước 1.850 tấn khi chạy nổi, 2.300 tấn khi di chuyển ngầm; thủy thủ đoàn 38 người.

Tàu có vận tốc tối đa 18 hải lý/h, lặn sâu 300 m, tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở tốc độ kinh tế 16 hải lý/h, thời gian bám biển 60 ngày, đặc biệt thời gian lặn liên tục lên tới 21 ngày (gấp 3 - 4 lần tàu ngầm không có AIP).

Điều khiến Hải quân Hoàng gia Thái Lan tự hào nhất về tàu ngầm của mình trước các "đối thủ" khác trong khu vực Đông Nam Á đó là nó được trang bị đầy đủ cả tên lửa hành trình chống hạm (ASM) lẫn hệ thống đẩy độc lập với không khí (AIP).

So sánh với Scorpene (Scorpion) của Malaysia, biến thể này bị cắt giảm AIP so với nguyên bản, chỉ có tên lửa MM39 Exocet Block II tầm bắn 40 km; DW1400T của Indonesia thì thiếu cả hai.

Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam có hỏa lực vượt trội nhưng lại chưa được trang bị động cơ AIP; trong khi tàu ngầm tương lai Type 218 SG của Singapore dự kiến vẫn chưa được tích hợp tên lửa diệt hạm.

Tàu ngầm AIP S26T của Hải quân Hoàng gia Thái Lan có thể sẽ được tích hợp phiên bản phóng từ dưới nước của tên lửa hành trình chống hạm, đối đất YJ-18 so Trung Quốc sao chép từ Kalibr của Nga.

Rõ ràng với những thông số lý thuyết nêu trên, chiếc S26T tỏ ra ưu việt hơn hẳn mọi lớp tàu ngầm đang phục vụ trong hải quân các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng xem độ ổn định của nó có tốt hay không, vì trong quá khứ Thái Lan đã khá nhiều lần "dính phốt" do mua phải vũ khí chất lượng kém từ Trung Quốc.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-trung-quoc-khoi-dong-tau-ngam-aip-tot-nhat-dong-nam-a-cho-hai-quan-thai-lan/780897.antd