Trung Quốc làm đường sắt Tây Tạng đắt hơn đập Tam Hiệp

Dự án đường sắt trị giá 49 tỷ USD được Trung Quốc đầu tư nhằm tăng cường kết nối với Tây Tạng.

Theo tờ Nikkei Asia (Nhật Bản), Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một tuyến đường sắt giúp cải thiện đáng kể việc tiếp cận Tây Tạng với chi phí 319,8 tỷ nhân dân tệ (49,4 tỷ USD), trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách siết chặt khu vực này và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Tuyến đường sắt dài 1.800 km sẽ nối thành phố Lhasa ở khu tự trị Tây Tạng với thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030.

Truyền thông Trung Quốc cho hay, tổng mức đầu tư cho dự án đường sắt này vượt cả đập Tam Hiệp - công trình thủy điện của Trung Quốc có công suất lớn nhất thế giới có tổng mức đầu tư 250 tỷ nhân dân tệ, trở thành dự án xây dựng lớn nhất Trung Quốc.

Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy du lịch, giao thương đến Tây Tạng, thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực này, đồng thời cũng mong muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên của khu vực, chẳng hạn như đồng và lithium.

Một đoạn đường sắt đã hoàn thành, nối giữa Thành Đô và Nhã An thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Nikkei

Một đoạn đường sắt đã hoàn thành, nối giữa Thành Đô và Nhã An thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Nikkei

Hiện tại, những người đi lại giữa Thành Đô và Lhasa bằng tàu hỏa cần phải đi vòng qua các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải, hành trình mất khoảng 40 giờ. Một khi kết nối trực tiếp được giữa Tứ Xuyên và Tây Tạng sẽ có các chuyến tàu chạy với tốc độ từ 120 đến 200 km/h, giảm thời gian di chuyển xuống còn hơn 10 giờ.

Hiện phần đầu tiên của tuyến đường sắt đã được hoàn thành, nối Thành Đô và Ya'an, vì đoạn này có độ cao tương đối đồng đều. Việc xây dựng một phân đoạn khác cũng đang được tiến hành bên trong Tây Tạng.

Nikkei Asia cho rằng, chính quyền Trung Quốc dường như đang tăng cường phát triển tài nguyên ở Tây Tạng theo chính sách "lưu thông kép", nhằm điều chỉnh sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung từ bên ngoài. Một tuyến đường sắt mới sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển nguyên liệu thô cùng hàng hóa chế biến đến các thành phố lớn.

Theo truyền thông địa phương, Tây Tạng đứng đầu trong số các địa phương về trữ lượng đồng. Khu tự trị này còn được biết đến là nơi sản xuất lớn của lithium, một thành phần quan trọng trong pin xe điện, kẽm, cromit và beri, một kim loại quý hiếm.

Một số doanh nghiệp đã đến Tây Tạng để phát triển tài nguyên. Tập đoàn thép Baowu, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đã quyết định mua khoảng 50% cổ phần Công ty Phát triển Khoáng sản Tây Tạng, một công ty chuyên điều hành các công trình phát triển cromit, đồng và liti. Tập đoàn khai thác Zijin cũng nắm cổ phần kiểm soát của tập đoàn khai thác đồng Tibet Julong Copper.

Trung Quốc đã đầu tư 313,6 tỷ nhân dân tệ vào Tây Tạng từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2020, nhiều hơn 17% so với ngân sách ban đầu. Các khoản đầu tư dường như đã đơm hoa kết trái.

Tổng sản phẩm quốc nội của khu tự trị này đã tăng 7,8% vào năm ngoái, tỷ lệ cao nhất ở Trung Quốc, với mức tăng trưởng ít nhất 9% trong năm nay.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-lam-duong-sat-tay-tang-dat-hon-dap-tam-hiep-3428510/