Trung Quốc liên tục động đất, chuyên gia bảo vệ Tam Hiệp

Trận động đất xảy ra vào đầu buổi sáng ngày 23/7 đo được ở mức 6,6 độ richter.

Trung tâm Mạng lưới Địa chấn Trung Quốc thông báo, khoảng 4h 07 phút sáng 23/7, một trận động đất mạnh 6,6 độ richter đã xảy ra tại hạt Nyima, khu tự trị Tây Tạng. Tâm chấn trận động đất nằm ở độ sâu 10km.

Vị trí ghi nhận trận động đất 6,6 độ richter.

Vị trí ghi nhận trận động đất 6,6 độ richter.

Trận động đất xảy ra ở khu vực không có người ở trên Cao nguyên Tây Tạng. Tâm chấn cách Saga (Tây Tạng) 450km.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có thương vong nào được báo cáo. Hệ thống viễn thông, điện, nước vẫn hoạt động bình thường.

Trận động đất xảy ra vài ngày sau khi quận Bomi của thành phố Linzhi (Tây Tạng) hứng cơn địa chấn 4,1 độ richter và quận Yutian của Tân Cương hứng trận động đất nhẹ 3,6 độ richter hôm 21/7.

Trước đó, hôm 2/7, một trận động đất mạnh 3,2 độ làm rung chuyển quận Zoige, tỉnh Tứ Xuyên ở độ sâu 8 km. Quận Zoige nằm ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp. Mặc dù cường độ của trận động đất không quá lớn nhưng với độ sâu chấn tiêu nông, cộng với tình hình lũ lụt hiện nay - khiến đập Tam Hiệp phải xả cống, giới quan sát lo ngại sẽ xảy ra lở đất.

Ông Feng Tian Lao Wang - một nhà địa chấn học Trung Quốc cảnh báo trên YouTube từ hôm 26/6 rằng, lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử sẽ lên đến đỉnh điểm vào ngày 2/7 và một trận động đất cũng sẽ xảy ra vào ngày hôm đó.

Các thảm họa thiên nhiên ở Trung Quốc liên tục ghi nhận gây lo ngại thực sự cho tình hình ở địa phương.

Cảnh sát sơ tán trẻ em trong dòng nước lũ ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy hôm 20/7. Ảnh: China Daily

Tại tỉnh An Huy, nơi chịu thiệt hại nặng nề của lũ lụt đã ghi nhận tình trạng sụt lún nghiêm trọng dẫn tới vỡ đê.

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, vào khoảng 8h sáng ngày 22/7, một đoạn đê tại thị trấn Đại Vu, huyện Lư Giang, Hợp Phì, An Huy đã ghi nhận tình trạng vỡ đê.

Một tuyến đê tại tỉnh An Huy đã bị vỡ.

Do ảnh hưởng của sức nước, khoảng vỡ càng ngày càng lớn, thậm chí, nước lũ đã cuốn trôi 5 chiếc máy xúc khi chúng đang tham gia công tác vá đê.

Hình ảnh video có thể thấy, nhân viên cứu hộ tại hiện trường đã rất bất ngờ trước cảnh tượng dòng nước lũ chảy xiết cuốn trôi chiếc máy xúc to lớn ngay trước mắt.

Được biết, tất cả các nhân viên cứu hộ đã được sơ tán trước khi nguy hiểm xảy ra và không có nhân viên vận hành nào trên những chiếc máy xúc bị cuốn trôi.

Dòng nước lũ cuốn trôi cả chiếc máy xúc.

Tại tỉnh Hồ Bắc, chính quyền thành phố Ân Thi hôm 21/7 đã hối thúc người dân chuẩn bị sơ tán vì nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đất lở tại thượng nguồn sông Thanh, một phụ lưu của sông Dương Tử, đã khiến con sông bị chắn ngang và tạo thành một lòng hồ. Nhưng dòng nước có thể làm cuốn phăng bờ hồ bất cứ lúc nào và tạo ra lũ, đe dọa nhiều ngôi làng và thành phố Ân Thi.

Trước đó, chính quyền Ân Thi nâng mức ứng phó khẩn cấp nhằm kiểm soát lũ lên mức cao nhất từ ngày 17/7 sau khi thành phố bị chìm trong nước lũ do mưa lớn. Nhiều xe cộ bị cuốn trôi trong khi đường xá tắc nghẽn.

Trung Quốc đang trải qua một trong những mùa mưa lũ nghiêm trọng trong nhiều năm trở lại đây. Từ đầu tháng 6, mưa lũ đã khiến mực nước tại 433 con sông ở Trung Quốc vượt mức cảnh báo, trong số đó 33 sông đạt mức kỷ lục. Mùa lũ khiến hơn 37 triệu người ảnh hưởng, 141 người chết hoặc mất tích.

Clip máy xúc bị cuốn trôi bởi lũ lụt tại Trung Quốc:

Chuyên gia Trung Quốc khen ngợi đập Tam Hiệp

Trả lời báo Thời báo Hoàn Cầu, ông Vương Hạo - một chuyên gia tại Viện Công trình Trung Quốc, vốn là một chuyên gia về công trình thủy lợi hàng đầu của Trung Quốc đã lên tiếng ca ngợi con đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới trong vai trò chống chịu lũ lụt.

Đập Tam Hiệp đã làm tốt chức năng giảm thiểu tình hình thiệt hại của lũ lụt ở Trung Quốc?

Ông Vương Hạo cho biết, hiện nay Trung Quốc áp dụng 5 phòng tuyến để phòng chống lũ, gồm: ngăn chặn ở các dòng chính, kiểm soát ở các nhánh sông, bảo vệ đê điều, các khu chứa lũ ở vùng trũng thấp, và quản lý phát triển đô thị dọc các con sông.

Chắn ngang sông Trường Giang, đập Tam Hiệp đóng vài trò phòng tuyến đầu tiên và trung tâm, giảm lượng nước lũ đổ về khu vực trung và hạ lưu sông. Ông Vương nói rằng tình hình lũ lụt sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có con đập này.

Tính đến hôm 21/7, đập Tam Hiệp đã chặn 10,7 tỉ mét khối nước lũ. Chuyên gia này nói rằng nước lũ mạnh sẽ không kéo sập được đập Tam Hiệp.

Ông Vương cho biết trong trận lũ kinh hoàng ở Trung Quốc năm 1870, lưu lượng nước đạt đỉnh 105.000 m3/giây. Trong khi đó, đập Tam Hiệp được thiết kế để chống chịu nhiều hơn thế, thậm chí khi lưu lượng đạt đỉnh 124.300 m3/giây.

"Đập Tam Hiệp là một con đập trọng lực bằng bê tông, có mức ổn định và vững chắc tốt nhất. Các vật liệu bê tông được dùng xây đập khác với bê tông thông thường, có tính bền và ngăn nứt cao hơn.

Tro bay và các vật liệu đặc biệt khác vẫn đang trải qua phản ứng thủy hóa (hydration reaction), tiếp tục củng cố độ bền bên trong. Con đập sẽ đạt độ bền cao nhất trong 100 năm, sau đó mới dần giảm đi", ông Vương giải thích.

Ông Vương thông tin trong mùa lũ năm nay, đến nay lượng mưa ở khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang đã đạt 498,5mm, nhiều hơn 64,3% so với cùng kỳ của các năm trước và lớn nhất trong cùng kỳ kể từ năm 1961.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/trung-quoc-lien-tuc-dong-dat-chuyen-gia-bao-ve-tam-hiep-3415007/