Trung Quốc lo lắng khi Nhật Bản tái phát triển tiêm kích mạnh hơn J-20

Sau khi không mua được chiến đấu cơ F-22 của Mỹ, Nhật Bản đã phát triển tiêm kích tàng hình thứ 5 với định danh F-3 bên cạnh việc mua những tiêm kích F-35.

Sau khi quyết định mua hàng trăm tiêm kích F-35 từ Mỹ, Nhật Bản tiếp tục tái khởi động dự án tiêm kích tàng hình nội địa X-2 (F-3). Đây là dự án đầy tham vọng của Tokyo nhằm tạo ra một chiến đấu cơ đủ sức cạnh tranh với J-20 Trung Quốc.

Chuyến bay đầu tiên của X-2 kéo dài trong 25 phút tại sân bay Nagoya, thành phố Tokoname, tỉnh Aichi vào tháng 4 năm 2016.

Chuyến bay diễn ra thành công tốt đẹp, động cơ và các hệ thống liên quan hoạt động tốt.

Sự kiện này đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Nga và Trung Quốc phát triển và thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ 5.

X-2 (trước đây được gọi là ATD-X) là mẫu thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ 5 do Viện Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật (TRDI) thiết kế và giao cho tập đoàn Mitsubishi làm nhà thầu chính.

Dự án X-2 được chế tạo để thử nghiệm ứng dụng các công nghệ tiên tiến được định hình trên các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Nhật Bản dự kiến họ sẽ mất khoảng 40 tỷ USD để phát triển và trang bịtrang bị máy bay tiêm kích nhằm duy trì ưu thế không quân trước Trung Quốc.

Tuy có chuyến bay thành công vào năm 2016, nhưng Nhật Bản đã quyết định tạm dừng dự án để tập trung mua tiêm kích F-35 từ Mỹ.

Tuy vậy sau khi Trung Quốc biên chế J-20 và việc một chiếc F-35 gặp nạn, Nhật Bản lại tiếp tục khởi động dự án này và định danh là F-3.

F-3 được thiết kế để cho hiệu suất hoạt động vượt trội ở 4 đặc điểm bao gồm: khả năng tàng hình trước radar, bay ở tốc độ siêu âm, khả năng linh hoạt và chứa nhiều hệ thống điện tử hàng không tổng hợp.

Về khả năng tàng hình, thân máy bay F-3 được làm bởi các vật liệu hấp thụ sóng âm, khiến nó giảm được mức độ phản xạ với radar.

Ngoài ra, chiếc máy bay này cũng loại bỏ được các tín hiệu ánh sáng, tín hiệu điện, tín hiệu nhiệt và tiếng ồn nhằm giảm thiểu tối đa khả năng bị phát hiện.

Tiêm kích F-3 được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đốt sau (afterburning turbofan) IHI XF5-1, có lực đẩy 15 tấn và kết hợp nhiều vật liệu tổng hợp cách nhiệt.

F-3 được thiết kế đơn giản để hoạt động đa nhiệm với cánh máy bay hình kim cương và mượn một vài đặc điểm ngoại hình ưu việt của các máy bay Mỹ với hốc lấy gió giống với X-32 và đuôi máy bay hình chữ Y giống với YF-23.

Hệ thống điện tử hàng không của F-3 bao gồm một radar mảng pha điện tử chủ động hiệu suất cao, các hệ thống tác chiến điện tử và các cảm biến RF đa nhiệm trong khi tất cả hệ thống dây điện sử dụng trong máy bay đều là sợi cáp quang nhằm giúp cho việc truyền tín hiệu nhanh và mạnh hơn.

Một khi hoàn thiện, F-3 sẽ trở thành đối trọng với các chiến đấu cơ J-20 và J-31 của Trung Quốc.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-lo-lang-khi-nhat-ban-tai-phat-trien-tiem-kich-manh-hon-j20/822751.antd