Trung Quốc: Loạt doanh nghiệp phá sản trong 'tâm bão' chiến tranh thương mại với Mỹ

Tính từ tháng 1/2017 đến nay, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ghi nhận 35 công ty sản xuất lốp rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc phá sản hoàn toàn. Sơn Đông trước đây vốn được coi là 'căn cứ sản xuất lốp xuất khẩu' với gần một nửa số lốp sản xuất cho thị trường Mỹ.

Ngành sản xuất lốp xe của Trung Quôc "lao đao" vì chiến tranh thương mại với Mỹ.

Ngành sản xuất lốp xe của Trung Quôc "lao đao" vì chiến tranh thương mại với Mỹ.

Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu lốp chủ yếu của Trung Quốc, chiếm tới 1/4 tổng số lượng lốp mà Trung Quốc xuất khẩu. Tuy nhiên, kể từ khi nước này áp thuế chống bán phá giá ở mức cao đối với lốp xe nhập khẩu Trung Quốc, đặc biệt việc leo thang va chạm mậu dịch giữa hai bên đã khiến tình cảnh các công ty sản xuất lốp Trung Quốc trở nên bi đát.

Bắt đầu từ tháng 7, Mỹ đã tăng mức thuế 25% đánh vào 34 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc, trong đó có lốp máy bay; sau đó công bố danh sách các sản phẩm trị giá 200 tỷ sẽ bị tăng thuế, trong đó bao gồm các loại lốp xe. Đây là cú giáng chí tử đối với ngành công nghiệp sản xuất lốp của Trung Quốc.

Mới đây nhất, Tòa án thành phố Đông Doanh (tỉnh Sơn Đông) hồi đầu tháng 8 đã công bố bản báo cáo thanh toán xin phá sản của Tập đoàn cao su Vĩnh Thái, một trong những ‘ông lớn’ của ngành sản xuất lốp Trung Quốc.

Tập đoàn công ty Vĩnh Thái thành lập năm 1996, tổng tài sản 3,5 tỷ NDT (khoảng 509,5 triệu USD), nhà xưởng rộng 800 mẫu, số công nhân trên 5000 người, sản lượng 7,5 triệu chiếc lốp/năm. Công ty này từng được tạp chí “Tire Business” của Mỹ xếp đứng thứ 32 trong số 75 nhà sản xuất lốp lớn nhất thế giới.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lốp chủ yếu của Trung Quốc.

Theo số liệu của Hiệp hội công nghiệp cao su Trung Quốc, tính riêng trong quý I năm nay, 15% trên tổng số 39 công ty sản xuất lốp lớn nhất Trung Quôc rơi vào tình trạng ngừng hoàn toàn hoặc nửa ngừng sản xuất, 40% lỗ lớn, 30% lãi giảm mạnh, chỉ có 15% lượng tiêu thụ và lợi nhuận có tăng.

Ngành ép đậu tương chịu chung số phận

Trong 1 năm qua, các nhà máy ép đậu Trung Quốc đều lâm vào tình cảnh vật lộn với khó khăn để tồn tại. Hiện đã có hơn 20 nhà máy ép đậu phải ngừng hoặc giảm sản xuất.

Trung Quốc là nước có ngành công nghiệp ép đậu lớn nhất thế giới. Sản phẩm của các xưởng gia công là dầu ăn và bã đậu dùng làm thức ăn gia súc. Việc giá thịt lợn giảm thấp khiến giá thức ăn cũng giảm theo, các xưởng ép đậu lâm vào khó khăn; nay lại thêm chiến tranh thương mại khiến giá đậu hạt trong nước tăng vọt, giáng đòn chí tử vào các hãng gia công chế biến đậu.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, tòa án huyện Doanh, thành phố Nhật Chiếu, Sơn Đông công bố văn bản về việc Tập đoàn Thần Hy, Sơn Đông xin phá sản với lý do không thanh toán được nợ nần đáo hạn.

Mấy năm trước đây, Thần Hy là một trong số mấy xí nghiệp tư nhân nhập khẩu đậu tương lớn nhất Trung Quốc, năm 2012 Thần Hy nhập tới 5,51 triệu tấn, chiếm 1/10 số lượng đậu hạt nhập khẩu của cả nước.

Trung Quốc đã ngay lập tức siết chặt hoạt động nhập khẩu đậu tương Mỹ.

Theo lý giải của tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản), sở dĩ Thiên Hy phá sản vì nhu cầu về bã đậu giảm khiến tình hình kinh doanh của công ty trở nên sa sút; ngoài ra do chính phủ siết chặt chính sách tiền tệ, tình hình quay vòng vốn trở nên xấu đi, lại thêm cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ khiến giá thành đậu tương tăng vọt.

Đậu tương là loại nông sản hàng đầu mà Mỹ bán sang Trung Quốc cho đến nay và đồng thời nằm trong nhóm mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất nói chung.

Cuộc chiến thương mại có thể chỉ vừa mới bắt đầu, thế nhưng Trung Quốc đã ngay lập tức siết chặt hoạt động nhập khẩu đậu tương Mỹ, nhiều chuyến hàng đậu tương Mỹ lẽ ra đã được nhập khẩu vào Trung Quốc đã bị hủy hoặc chuyển hướng sang nước khác, theo tin từ Bloomberg.

Trong động thái mới nhất, Trung Quốc đã giảm bớt cam kết mua 366 nghìn tấn đậu tương từ Mỹ trong mùa vụ kết thúc ngày 31/8/2018; giảm mua thêm 66 nghìn tấn trong năm tiếp theo. Thông tin này được công bố bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ trong ngày thứ Sáu. Số liệu được tính đến tuần kết thúc ngày 28/6/2018.

Trung Quốc “thiệt đơn thiệt kép”

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc khi nhiều công ty nước ngoài muốn rút khỏi đây.

Phát biểu với tạp chí Forbes ngày 30/7, ông Nathan Resnick- nhà điều hành công ty khởi nghiệp Sourcify cho biết, các nhà sản xuất đặt cơ sở tại Trung Quốc đang dần tìm đường rời khỏi quốc gia này: “Trong bối cảnh cuộc chiến về thuế quan ngày càng gay gắt, các công ty không còn hứng thú để sản xuất tại Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi có các dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Mexico. Giá nhân công ở những khu vực bên ngoài Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn”, ông Nathan Resnick nói.

Không chỉ các công ty nhỏ mà cả những tập đoàn lớn như Kerry Logistics Network cũng phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế suất cao.

Tờ nhật báo Hong Kong dẫn lời ông William Ma Wing-kai, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kerry cho biết, không chỉ công ty này mà nhiều khách hàng của họ “đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các quốc gia Châu Á khác nơi họ đã có nhà máy sản xuất. Đây là một sự tái phân bổ cơ sở sản xuất trên toàn cầu”.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay.

Căng thẳng thương mại cũng gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay. Trong số 32 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo dõi các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc và các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế, chỉ có 3 quỹ đạt được kết quả khả quan, bao gồm ETF năng lượng, ETF chăm sóc sức khỏe và ETF theo dõi chứng khoán Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ.

Vẫn chưa có hồi kết….

Bắt đầu từ 0h01’ ngày 23/8 theo giờ Washington (trưa nay theo giờ Bắc Kinh, Trung Quốc), khoản thuế bổ sung nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc đã chính thức có liệu lực ở Mỹ. Đáp trả, Trung Quốc cũng tiến hành động thái tương tự với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc còn đe dọa sẽ khiếu nại mức thuế mới của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đó, Mỹ sẽ thu thuế nhập khẩu 25% với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ xe máy, động cơ tới các toa xe lửa. Về phần mình, Trung Quốc chọn đánh thuế nhằm vào các mặt hàng như than đá, dụng cụ y tế, rác thải, ô tô và xe buýt nhập khẩu từ Mỹ.

Việc áp thuế diễn ra khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ David Malpass và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen kết thúc cuộc đàm phán ngày 22/8 và chuẩn bị quay lại làm việc trong ngày 23/8 tại Washington để giải quyết những bất đồng. Đây là cuộc gặp đầu tiên của hai phái đoàn Mỹ - Trung Quốc kể từ hồi tháng 6.

Tuy nhiên, các nhà quan sát dự đoán cuộc đàm phán này khó có thể mang lại thay đổi chiến lược chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại giữa hai nước. Hai bên có thể đưa ra những tuyên bố chung về hiệu quả của cuộc thảo luận.

Báo cáo của Moody’s cho biết: "Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, tác động tới tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Hầu hết các tác động của hạn chế thương mại với tăng trường kinh tế sẽ được cảm nhận rõ nhất vào năm tới. Với bất kỳ mức thuế bổ sung nào cũng khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn".

Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chẳng mấy kỳ vọng vào các cuộc đàm phán gần đây. Tại Mỹ, ông Trump có thể nhận thấy thị trường chứng khoán phản ứng nhẹ nhàng với các chính sách thương mại mà ông đưa ra trong khi nền kinh tế Mỹ liên tục có những dấu hiệu chứng tỏ đang tốt lên. Trong khi đó, ở Trung Quốc, nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu trong những tháng gần đây – điều mà ông Trump mô tả là có lợi cho Mỹ.

Chu La (TH)

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-loat-doanh-nghiep-pha-san-trong-tam-bao-chien-tranh-thuong-mai-voi-my-20180504224211983.htm