Trung Quốc mạnh tay 'bơm tiền' vào lĩnh vực không gian ở châu Phi

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc muốn nâng cao sức mạnh mềm ở châu Phi bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho chương trình không gian của nước ở châu lục này.

Temidayo Oniosun, nhà khoa học vũ trụ người Nigeria và Giám đốc điều hành website về tin tức ngành Space ở châu Phi, cho biết: “Trung Quốc đang giúp các nước châu Phi phát triển các chương trình không gian bằng cách cung cấp hỗ trợ công nghệ và tài chính”.

“Nhiều quốc gia châu Phi đã có liên kết thương mại tốt với Trung Quốc, điều này giúp phát triển các dự án vũ trụ. Khi nói đến việc mua vệ tinh, các quốc gia có xu hướng làm việc với các đối tác mà họ có quan hệ song phương", Oniosun cho hay.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với thương mại hai chiều đạt 208,7 tỷ USD vào năm ngoái. Trung Quốc đã làm việc với các quốc gia trong phát triển các dự án vũ trụ gồm Ethiopia Sudan, Algeria, Nigeria và Congo.

Trung Quốc đang "bơm tiền", tham vọng gây ảnh hưởng, chiếm lĩnh thị trường không gian ở châu Phi. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc đang "bơm tiền", tham vọng gây ảnh hưởng, chiếm lĩnh thị trường không gian ở châu Phi. (Ảnh: Reuters)

Các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Bắc Kinh trong ngành vũ trụ châu Phi là Nga, Pháp và Nhật Bản. Theo Oniosun, giữa Trung Quốc và Nga, quốc gia cung cấp công nghệ tốt hơn, rẻ hơn và mô hình tài chính thuận lợi hơn sẽ có nhiều khả năng đạt được thỏa thuận với các nước châu Phi, và rõ ràng đây là lợi thế của Bắc Kinh.

Mô hình của Trung Quốc khác với mô hình của Nga, trong khi Bắc Kinh “bơm tiền” đầu tư, cho các nước châu Phi vay để phát triển vũ trụ thì chính phủ các nước ở châu lục này lại đang sử dụng các nguồn kinh phí từ trong nước để tài trợ cho các dự án vũ trụ của Matxcơva tại nước họ.

Trong khi đó, Julie Klinger, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Delaware, cho biết công nghệ vệ tinh rất quan trọng đối với quan hệ Trung Quốc - châu Phi và chương trình nghiên cứu giữa hai bên.

“Công nghệ vũ trụ đã hình thành xương sống của mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi trong 20 năm qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc dành sự hợp tác không gian cho các chính phủ có quan hệ đối tác chặt chẽ”, Julie Klinger phát biểu tại hội nghị Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc -châu Phi tuần trước.

Julie Klinger cho biết, 14 trong số 54 quốc gia châu Phi có các cơ quan vũ trụ và 42 vệ tinh đã được phóng vào tháng 1, trong khi 50 quốc gia có các cơ quan chính phủ liên quan đến không gian hoặc công nghệ dựa trên không gian.

“20 chính phủ châu Phi đã có một số cam kết liên quan đến không gian với Trung Quốc”, Klinger nói và cho biết các công ty Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ đào tạo, xây dựng, phóng vệ tinh và khoa học với chi phí thấp và toàn diện cho các nước châu Phi.

Julie Klinger cũng nhận định Trung Quốc hiện là nước nhận được các hợp đồng vệ tinh lớn thứ tư từ các nước châu Phi sau Nga, Pháp và Mỹ.

Điển hình trong hợp tác vũ trụ giữa Trung Quốc với các nước châu Phi là Ethiopia. Nước này phóng vệ tinh đầu tiên từ một trạm vũ trụ của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh được cho là đã chi trả 6 triệu USD trong số 8 triệu USD chi phí. Trung Quốc sẽ giúp Ethiopia phóng vệ tinh thứ hai vào ngày 20/12.

Theo Viện Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Ethiopia, tàu thăm dò sẽ được phóng từ trung tâm phóng Taiyuan của Trung Quốc ở tỉnh Sơn Tây, miền Trung Trung Quốc. Vệ tinh được thiết kế bởi các kỹ sư Ethiopia và Trung Quốc tại Smart Satellite Technology Corp ở Bắc Kinh và do hai nước cùng tài trợ.

Dự án phù hợp với tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong không gian và chương trình nghị sự trở thành cường quốc không gian hàng đầu thế giới trong 1/4 thế kỷ tới.

Bắc Kinh phóng ngày càng nhiều tên lửa, vệ tinh, tàu thăm dò không gian và tàu vũ trụ có người lái hoặc không người lái trong những năm gần đây. Năm 2019, nước này đã phóng 32 tên lửa vào không gian, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong năm đó.

Theo dự án ChinaPower của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, trong số 2.666 vệ tinh được cho là đã ở trên quỹ đạo tính đến tháng 3, 363 do các thực thể Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành. Nga có 169 vệ tinh đang hoạt động và Mỹ có 1.327 vệ tinh.

Space in Africa cho biết, ngành công nghiệp vũ trụ châu Phi trị giá khoảng 7 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 10 tỷ USD trong 5 năm tới.

Liên minh châu Phi đã thành lập Cơ quan Vũ trụ châu Phi, có trụ sở chính tại Ai Cập với sự tham gia của các nước như Nam Phi, Sudan, Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Morocco và Kenya.

Kông Anh (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-manh-tay-bom-tien-vao-linh-vuc-khong-gian-o-chau-phi-ar574360.html