Trung Quốc mở cửa bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn

Trung Quốc ngày 3-2 điều nhân viên và thiết bị y tế đến bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn mới được xây dựng khi bệnh viện này bắt đầu mở cửa hoạt động để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona, trong nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn virus lây lan nhanh chóng và tác động leo thang của nó.

Trung Quốc ngày 3-2 điều nhân viên và thiết bị y tế đến bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn mới được xây dựng khi bệnh viện này bắt đầu mở cửa hoạt động để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona, trong nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn virus lây lan nhanh chóng và tác động leo thang của nó.

Trang thiết bị y tế bên trong bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn. Ảnh: AP

Trang thiết bị y tế bên trong bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn. Ảnh: AP

Theo AP, con số cập nhật mới nhất của Trung Quốc là 361 trường hợp tử vong (và 1 ca tử vong ở Philippines), 2.829 trường hợp mới nhiễm bệnh trong 24 giờ qua, nâng tổng số người Trung Quốc nhiễm bệnh lên 17.205 trong khi các quốc gia khác tiếp tục sơ tán công dân khỏi thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vốn đang bị ảnh hưởng nặng nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho biết, số ca nhiễm bệnh sẽ tiếp tục tăng vì hàng ngàn trường hợp bị nghi ngờ vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm.

Bệnh viện 1.000 giường

Chính quyền cũng quyết định chưa mở lại các trường học để ngăn virus lan rộng hơn ở Hồ Bắc, nơi bệnh viện 1.000 giường Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán đã hoàn thành chỉ sau 10 ngày. Một bệnh viện thứ hai với 1.500 giường sẽ mở trong vòng vài ngày tới. Các hạn chế đi lại cũng đã được thắt chặt hơn nữa trong thành phố bằng cách chỉ cho phép một thành viên gia đình đi mua vật tư mỗi ngày.

Các đội y tế từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đến Vũ Hán để “giải cứu” các nhân viên y tế quá tải và làm việc tại bệnh viện mới, nằm ở vùng nông thôn cách xa trung tâm thành phố. Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan cho biết, không gian bệnh viện dã chiến là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan bệnh truyền nhiễm mới này. “Việc thiếu phòng bệnh buộc người bệnh phải trở về nhà là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, có thêm giường là một cải tiến tuyệt vời”, nhà dịch tễ học này nói với đài truyền hình CCTV của Trung Quốc. Ông Zhong từng đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục dịch SARS năm 2002-2003 ở Trung Quốc, do một loại virus corona cùng họ với mầm bệnh hiện tại, gây ra.

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn có diện tích 25.000m2 được khởi công xây dựng vào ngày 24-1. Bản vẽ kỹ thuật bệnh viện được 60 kỹ sư hoàn thành chỉ trong vòng 60 giờ, dựa trên mô hình thiết kế bệnh viện Tiểu Thang Sơn, nơi từng điều trị tập trung các bệnh nhân nhiễm SARS. Khoảng 1.500 công nhân và kỹ sư được huy động để thực hiện công trình này. Bệnh viện thứ hai mang tên Lôi Thần Sơn với sức chứa 1.600 giường bệnh dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong ngày 6-2 tới.

Trung Quốc cần đồ bảo hộ y tế, tố Mỹ “gieo rắc nỗi sợ hãi”

Trong bối cảnh số người thiệt mạng tại đây do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ chủng mới của virus corona (2019-nCoV) đã vượt số người thiệt mạng do dịch SARS 2002 gây ra, khó khăn của Trung Quốc hiện nay là thiếu đồ bảo hộ y tế để đối phó virus corona.

Trong một tuyên bố ngày 4-2, Trung Quốc cũng cho biết trang thiết bị y tế bảo hộ là nhu cầu cấp thiết của nước này. Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Những gì Trung Quốc cần một cách cấp thiết hiện nay là các khẩu trang y tế, bộ đồ và kính bảo hộ”. Theo các nguồn tin, mối lo về virus corona đã khiến người Trung Quốc mua khẩu trang phẫu thuật dùng một lần để dự trữ, trong khi nhân viên y tế đang chiến đấu tại tâm điểm dịch bệnh lại không có đủ để sử dụng. Nếu hoạt động hết công suất, các Cty Trung Quốc chỉ có thể làm ra 20 triệu khẩu trang mỗi ngày, AFP dẫn nguồn từ bộ phụ trách công nghiệp của nước này cho biết.

Trước đó, quan chức bộ phụ trách công nghiệp của Trung Quốc Tian Yulong, cho biết, chính quyền nước này đang tổ chức việc nhập khẩu trang từ Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, và nói thêm rằng cung và cầu ở Trung Quốc vẫn “cân bằng” nhờ các nhà máy quay trở lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết. Trong khi đó, nhiều nước đã quyên góp thiết bị y tế cho Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Bắc Kinh chưa nhận lời hỗ trợ từ Mỹ và còn cho rằng, cách Mỹ phản ứng đối với virus “gây ra và gieo giắc sự sợ hãi”.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3-2, bà Hoa Xuân Oánh cáo buộc Mỹ đã hành động nhằm tạo ra và lan truyền nỗi sợ hãi về dịch bệnh corona, thay vì đề nghị trợ giúp đáng kể cho Bắc Kinh. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết, Mỹ là quốc gia đầu tiên khuyến nghị rút từng phần nhân viên Đại sứ quán về nước, và cũng là nước đầu tiên ban bố lệnh cấm đi lại đối với người Trung Quốc. “Tất cả những gì họ đã làm chỉ là tạo ra và lan truyền nỗi sợ hãi, đó là một tấm gương xấu”, bà nói và nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc hy vọng các quốc gia có thể đưa ra phán xét và phản ứng một cách phù hợp, kiềm chế và trên cơ sở khoa học.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, ngay cả truyền thông Mỹ cũng đứng về Bắc Kinh và chỉ trích phản ứng của Washington, cho rằng, việc cấm người Trung Quốc nhập cảnh là hành động vi phạm quyền dân sự và không có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tác động đối với kinh tế Trung Quốc là tạm thời?

Trong bài viết đăng tải trên tờ Financial News thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương- PBOC) vào chiều 3-2, PBOC nhận định, tác động từ dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ là hạn chế và mang tính tạm thời, đồng thời các thị trường tài chính của nước này sẽ trở lại trạng thái bình thường về dài hạn.

Bài viết cho rằng, sự bùng phát virus sẽ không làm thay đổi nền tảng kinh tế dài hạn tốt đẹp của Trung Quốc. PBOC cũng cho rằng một sự sụt giảm mạnh trong thị trường chứng khoán của nước này vào ngày 3-2 là do một số yếu tố bất hợp lý, trong đó có việc bán ra hỗn loạn xuất phát từ “hiệu ứng đám đông”. Bài viết này được đưa ra trong bối cảnh cho thấy dấu hiệu tác động lớn đến kinh tế của Trung Quốc do dịch virus corona. Chỉ số Thượng Hải Composite đã giảm 8,7% khi mở cửa trở lại vào ngày 3-2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chuyển sang bơm tiền mặt, giảm lãi suất 10 điểm phần trăm đối với thỏa thuận mua lại ngược (reverse repo) trong bối cảnh nhà chức trách tăng cường các biện pháp nhằm giảm áp lực đối với nền kinh tế.

Kinh tế toàn cầu có thể tổn thất đến 160 tỷ USD

Bloomberg nhận định, nền kinh tế toàn cầu có thể chịu tổn thất lên đến 160 tỷ USD vì ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona gây ra, lớn gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS từng xảy ra vào năm 2003. Giáo sư kinh tế Warwick McKibbin thuộc Trường Đại học Quốc gia Úc cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng trong 17 năm qua nên tác động của dịch bệnh tại Vũ Hán sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu đáng kể hơn nhiều so với dịch SARS. Kể từ năm 2003, tỷ trọng sản lượng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc tăng gấp 4 lần, lên khoảng 17%. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của xe hơi và chất bán dẫn, nhà chi tiêu lớn nhất cho du lịch quốc tế, nhà xuất khẩu hàng may mặc và dệt may hàng đầu.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_219662_trung-quoc-mo-cua-benh-vien-da-chien-hoa-than-son.aspx