Trung Quốc mở rộng trồng thanh long, Việt Nam có thay đổi?

Trước tiên, phải xác định rõ đường đến của thị trường nông sản Việt Nam là đâu để có chiến lược phát triển phù hợp.

Cái khó nhất là...

Câu chuyện thanh long rớt giá thê thảm vẫn được cho là quá phụ thuộc vào thị trường láng giềng khi Trung Quốc (TQ) chiếm đến 80%-90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam (VN).

Trong khi đó TQ đã mở rộng diện tích trồng thanh long hơn 35.000 ha ngang ngửa VN và dự kiến còn tiếp tục mở rộng thêm 34.000 - 68.000ha trong thời gian tới. Không chỉ thanh long, nhiều loại nông sản khác của VN như vải, chuối, xoài... cũng có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự.

Vậy trước sức ép quá lớn từ TQ, liệu nông sản VN có tìm được đường đi riêng? Và giải pháp nào giúp nông sản VN thay đổi?

Bấp bênh thanh long Việt. Ảnh: TTO

GS.TS Đỗ Kim Chung (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, việc TQ mở rộng diện tích trồng thanh long cũng như các loại nông sản khác là hoàn toàn theo quy luật tự nhiên. Có cầu ắt phải có cung.

Một thị trường với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thanh long cũng như các mặt hàng nông sản khác rất cao, việc TQ mở rộng diện tích trồng, đáp ứng nguồn cung, tận dụng thị trường trong nước chỉ là chuyện sớm hay muộn.

Theo vị GS, trục trặc nằm ở phía VN. Trong sản xuất thanh long cũng như sản xuất nông sản VN vẫn chưa có được định hướng rõ ràng. Nhược điểm lớn nhất trong sản xuất nông sản của Việt Nam là sản xuất không theo chuỗi, trong khi người thu gom thì thấy lợi là làm. Người trồng thanh long nói riêng cũng như các mặt hàng nông sản nói chung không hề biết sản phẩm đi đến đâu.

"Nếu nông sản VN được sản xuất bài bản, quy mô, theo chuỗi sản xuất khép kín thì chưa chắc chúng ta phải cần tới sự giải cứu của thị trường TQ.

Với quy mô dân số 90 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ nông sản của Việt Nam là rất lớn. Hiện nay, giá thanh long tại vườn chỉ giao động từ 5000-7000 đồng/kg, trong khi tại thị trường Hà Nội người dân vẫn đang phải mua với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, đắt gấp 5-6 lần.

Sự hỗn loạn nói trên là do dòng lưu chuyển hàng hóa có vấn đề, bị gián đoạn bởi các thương lái trung gian. Từ đó, chi phí sản xuất cao, giá thành cao nhưng người sản xuất và người tiêu dùng đều không được lợi", GS Đỗ Kim Chung chỉ rõ.

Theo vị GS, nếu không nhìn thẳng vào điểm yếu nói trên mà chỉ chăm chăm tập trung vào câu chuyện TQ đang trồng bao nhiêu thanh long, xu hướng mở rộng bao nhiêu diện tích sẽ không thể giải quyết được vấn đề, ngược lại còn đẩy nền sản xuất nông sản của VN đi vào ngõ cụt.

Sự luẩn quẩn trong tư duy chỉ xuất khẩu sang TQ có thể khiến cả nền sản xuất nông sản trong nước bị "sốc" nếu TQ tiếp tục mở rộng thị trường trồng nông sản, tự chủ về nguồn cung, giảm tỉ lệ nhập khẩu từ các nước lân cận, trong đó có VN. Đến lúc đó, thanh long nói riêng cũng như các mặt hàng nông sản trong nước sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là tiếp tục phải chặt, đổ bỏ như thời gian vừa qua.

Vị GS cảnh báo, đây là nguy cơ hiện hữu, bởi lẽ tư duy sản xuất để xuất khẩu sang TQ đã tạo cho người trồng thanh long cũng như các mặt hàng nông sản VN có thói quen làm ăn dễ dãi, chưa thật sự chú trọng vào chất lượng.

Cùng chung nhận định trên, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam còn cho rằng, tư duy ăn xổi có ở khắp các khâu trong sản xuất nông sản tại VN.

Đặc biệt, thay vì lựa chọn những loại giống tốt, có chất lượng cao thì người trồng thanh long lại lựa chọn các giải pháp kỹ thuật, lạm dụng phân bón, chất hóa học nhằm can thiệp, thúc cây phát triển, ép ra trái sớm. Về trước mắt, việc đó có thể giúp nông dân được thu hoạch sớm song về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng quả cũng như sản lượng thu hoạch.

Ngoài ra, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ chế biến còn quá hạn chế, lạc hậu, khiến cho khâu bảo quản sản phẩm gặp nhiều khó khăn, dễ bị hư hỏng, giá trị thu về thấp, khó có thể cạnh tranh tại thị trường TQ.

Ông Hương cũng lo ngại, dù đây là vướng mắc lớn song lại là bài toán khó giải quyết do thanh long là loại quả nhiều nước, do đó, bảo quản rất khó, chi phí đầu tư công nghệ cao. Đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp trong nước.

"Kiến ăn cá, cá ăn kiến"

Từ những khúc mắc nói trên, GS. TS Đỗ Kim Chung cho rằng, giải pháp thiết thực cho nông sản Việt Nam trước tiên nằm ở chiến lược phát triển.

"Đầu tiên phải xác định rất rõ ràng rằng, thị trường của nông sản Việt Nam là đâu? Mục tiêu là thị trường trong nước hay thị trường nước ngoài? Và nông sản Việt Nam sẽ đi đến phân khúc nào của thị trường đó? Trên cơ sở đó mới thiết kế được các chuỗi sản xuất tương ứng, phù hợp với các điều kiện, kỹ thuật của từng nước, từng phân khúc, từng mặt hàng cụ thể.

Tại các chuỗi sản xuất phải hình thành các đầu mối liên kết nhằm kết nối từ đầu tới cuối, bắt đầu từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo ra một dòng lưu chuyển hàng hóa liên thông, khép kín. Đây cũng là điểm yếu trong các chuỗi sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp kết nối rất yếu, thiếu và chưa hiệu quả.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/trung-quoc-mo-rong-trong-thanh-long-viet-nam-co-thay-doi-3367693/