Trung Quốc muốn biến Djibouti thành sân nhà sầm uất

Kiểm soát quân sự rồi mở khu vực thương mại tự do lớn nhất châu Phi ở Djibouti, Trung Quốc trên đường thâu tóm châu Phi.

Ngày 5/7, Djibouti đã khánh thành giai đoạn đầu tiên của Khu Thương mại Tự do Quốc tế (DIFTZ) do Trung Quốc xây dựng.

Lễ khánh thành khu thương mại tự do quốc tế ở Djibouti do Trung Quốc xây dựng.

Khu thương mại có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD trong 10 năm, trên diện tích 4.800 ha được kết nối với các cảng chính của Djibouti, và hỗ trợ các lợi ích cho doanh nghiệp như thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng.

DIFTZ đã nâng cấp và mở rộng các cơ sở cảng của Djibouti, nhờ chương trình mở rộng 15 tỷ USD. Dự án DIFTZ được điều hành bởi Cảng Djibouti và Ban Quản lý Khu Thương mại Tự do cùng với ba đối tác lớn của Trung Quốc: Tập đoàn Thương mại Trung Quốc, Cảng vụ Đại Liên và Công ty dữ liệu IZP, theo Tạp chí Hàng hải Maritime Executive.

Lễ khánh thành lần này chỉ là giai đoạn thí điểm được triển khai trên khu vực rộng 240 ha với 370 triệu USD để đầu tư xây dựng 3 khối chức năng gần tất cả các cảng chính của Djibouti. Vùng thí điểm sẽ có bốn cụm công nghiệp tập trung vào thương mại và hậu cần, chế biến xuất khẩu và hỗ trợ kinh doanh.

Cụm công nghiệp Logistics bao gồm vận tải, kho ngoại quan, hậu cần và phân phối. Cụm công nghiệp kinh doanh gồm giao dịch hàng hóa ngoại quan khối, trưng bày hàng hóa, bán lẻ hàng hóa miễn thuế. Nhóm hỗ trợ kinh doanh gồm các dịch vụ tài chính, dịch vụ thông tin, ký túc xá khách sạn, tòa nhà văn phòng, đào tạo, dịch vụ trung gian. Cụm công nghiệp chế biến gồm sản xuất bao bì, gia công các vật liệu đến, chế biến thực phẩm, hải sản, lắp ráp phụ tùng ô tô.

Ước tính DIFTZ sẽ tạo ra hơn 350.000 việc làm mới trong 10 năm tới, và tỷ lệ lao động nước ngoài sẽ bị giới hạn ở mức 70% trong 5 năm đầu và 30% sau đó.

Đây là công trình được dự đoán sẽ mang lại rất nhiều ý nghĩa với Djibouti và với cả Bắc Kinh.

Djibouti đang muốn biến mình như một trung tâm thương mại chiến lược ở khu vực Sừng châu Phi. Điều này càng được hậu thuẫn khi có cánh tay nối dài về tài chính cũng như quân sự với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Djibouti.

Vị trí nằm ngay phía trước Kênh đào Suez, cửa ngõ thương mại giữa các thị trường phía đông và phía tây, đã giúp Djibouti là một trong những tuyến giao dịch bận rộn nhất thế giới.

Djibouti đã khai trương ba cảng (Cảng Đa năng Doraleh, Cảng Tadjourah và Cảng Ghoubet) và một tuyến đường sắt xuyên quốc gia nối Addis Ababa với Cảng Djibouti vào năm 2017. Chuyến đi dài 752 km giữa Cảng Djibouti và Addis Ababa từ ba ngày bằng đường bộ chỉ 12 giờ bằng đường sắt.

Nước láng giềng Ethiopia, một cường quốc kinh tế trong khu vực cũng phải dựa vào Djibouti với 95% lượng hàng nhập khẩu. Ngoài ra, nước này cũng là nơi Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.

Xe container chở hàng hóa ra vào khu vực thương mại tự do quốc tế ở Djibouti.

Khu vực thương mại tự do mới là một “khu vực hy vọng cho hàng ngàn người trẻ tìm việc”, Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh phát biểu tại lễ khánh thành.

Theo ước tính của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 2017, dân số của Djibouti là 865.000 người, hơn một nửa trong số đó dưới 25 tuổi.

Aboubakar Omar Hadi, Giám đốc Cảng Djibouti và khu thương mại tự do chia sẻ với Reuters tại buổi lễ: “Vị trí chiến lược và các cơ sở đẳng cấp thế giới của chúng tôi đã thấy tầm quan trọng của Djibouti như một trung tâm thương mại được công nhận trên toàn cầu”.

Sự kiện khánh thành khu thương mại tự do DIFTZ đã có sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước châu Phi như Tổng thống Rwanda, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi Paul Kagame, Tổng thống Sudan Omar Hassan El Bachir, Tổng thống Somalia Mohamed Abdillahi Mohamed Farmajo, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Fakki Mahamat.

Thỏa thuận xây dựng khu thương mại tự do được ký kết vào tháng 3/2016 như một phần của sáng kiến “Vành đai- Con đường” của Trung Quốc, là một nỗ lực mở rộng các tuyến thương mại với hàng loạt các sáng kiến cơ sở hạ tầng trải rộng trên 60 quốc gia.

Dự án mang hy vọng thu hút được các công ty nước ngoài thành lập nhà máy sản xuất trong khu vực, làm tăng giá trị cho sản phẩm thay vì chỉ nhập khẩu và xuất khẩu nguyên liệu thô.

Bất chấp các lo ngại từ các dự án vay nợ của Trung Quốc, Aboubakar Omar Hadi, Giám đốc Cảng Djibouti và khu thương mại tự do hoàn toàn tin tưởng vào việc trả khoản nợ 1,3 tỷ USD cho Trung Quốc.

"Chúng tôi không hề lo lắng về khoản nợ của chúng tôi. Nó không phải là lấy tiền thuế của nhân dân mà là những người sử dụng các dịch vụ như tàu thuyền hay các thương nhân" - ông Hadi nói.

Ông Hadi cũng nhấn mạnh rằng, nếu không có cảng, quốc gia này sẽ không bao giờ có thể phát triển lên được, chỉ bằng phát triển cơ sở hạ tầng, người Djibouti mới có thể thoát nghèo

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-muon-bien-djibouti-thanh-san-nha-sam-uat-3361465/