Trung Quốc muốn đảo ngược suy giảm dân số, hãy nhìn vào Thụy Điển

Giới chuyên gia nhận định các chính sách của chính phủ có thể ngăn tỷ lệ sinh lao dốc, song không thể đảo ngược thực trạng các ca sinh giảm dần ở những nước phát triển.

Các nhà nhân chủng học đã dự đoán được thời điểm dân số Trung Quốc suy giảm. Tuy nhiên, việc nó xảy ra vào năm 2022 đã sớm hơn vài năm so với dự báo, buộc giới chuyên gia phải nhanh chóng đánh giá tác động đến kinh tế toàn cầu, khi Trung Quốc vẫn được xem như “công xưởng” lớn của thế giới.

Lần đầu tiên trong hơn 50 năm, số ca sinh của Trung Quốc ít hơn số ca tử vong, khiến nước này gia nhập nhóm các quốc gia suy giảm dân số như Italy, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản, theo CNN.

Lịch sử đã chỉ ra rằng khi các quốc gia tăng trưởng dân số âm, chính phủ có rất ít lựa chọn để đảo ngược quy trình này.

Các quốc gia phương Tây như Mỹ hay Đức sẽ phụ thuộc vào người nhập cư. Trong khi đó, những nước có tỷ lệ nhập cư thấp phải dựa phần lớn vào tỷ lệ sinh trong nước.

Xu thế khó đảo ngược

Chính sách này đã có hiệu quả bước đầu khi tỷ lệ sinh khoảng 2 trẻ/phụ nữ vào năm 2008. Nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm còn 1,6, sau khi chương trình tặng tiền kết thúc vào năm 2016.

Các chuyên gia cho rằng cách hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ sinh là giải quyết khó khăn phúc lợi xã hội, chính sách việc làm và các vấn đề kinh tế cho mỗi gia đình. Pháp, Đức hay Thụy Điển và Đan Mạch đều có những khoản tài trợ chính phủ cho trẻ, cũng như thời gian nghỉ phép chăm con kéo dài.

John Bongaarts, nhà nhân khẩu học tại Population Council, tổ chức nghiên cứu ở New York, nói rằng các chính sách này sẽ góp phần ngăn tỷ lệ sinh lao dốc, song nó không thể đảo ngược thực trạng là tỷ lệ sinh toàn cầu đang giảm.

Trung Quốc lần đầu giảm dân số trong năm 2022, sau hơn 50 năm. Đồ họa: New York Times.

Không có nhiều những chính sách khác biệt nhằm tăng tỷ lệ sinh. Phần lớn các sáng kiến khuyến khích sinh thêm con đều tốn kém, nhưng hiệu quả không như mong đợi, theo New York Times.

Một số giải pháp được cân nhắc là tặng tiền khi sinh con, chính sách nghỉ phép dài ngày và hỗ trợ viện phí.

20 năm trước, Australia đã tung ra chương trình tặng các gia đình số tiền lên đến 6.000 USD cho mỗi đứa trẻ được sinh ra.

Vào thời điểm đó (năm 2004), tỷ lệ sinh của Australia là 1,8 trẻ/phụ nữ, trong khi các quốc gia phát triển cần tỷ lệ này là 2,1 để ổn định dân số mà không cần người nhập cư.

Giải pháp của Thụy Điển

Thụy Điển thường được coi là một mô hình về các chính sách tăng tỷ lệ sinh của chính phủ.

Vào những năm 1970, nước này ra chính sách nghỉ chăm con 9 tháng. Vào năm 1980, chính sách "bảo hiểm tốc độ" đã được đưa ra, khi các bà mẹ được khuyến khích sinh nhiều con vào một khoảng thời gian nhất định, và nhận được phí hỗ trợ.

Tỷ lệ sinh của phụ nữ Thụy Điển đã đạt 2 con/người vào đầu những năm 1990. Giới chức Stockholm cũng quyết định tăng thời gian nghỉ chăm con lên 16 tháng, cao nhất thế giới.

Song, Thụy Điển cũng không phải ngoại lệ trong quỹ đạo của các quốc gia phát triển, đó là tỷ lệ sinh giảm, dù nước này vẫn có tỷ lệ thuộc nhóm đầu trong các nền kinh tế phát triển.

Tỷ lệ sinh của Thụy Điển trong hơn 50 năm. Đồ họa. New York Times.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra tỷ lệ sinh của Thụy Điển tăng chỉ là tạm thời, khi các gia đình vội vã sinh con.

Stuart Gietel-Basten, nhà nhân khẩu học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói rằng các ưu đãi về tài chính hiếm khi là lý do chính làm tăng số trẻ được sinh ra. Thay vào đó, nó lại xuất hiện những hậu quả không lường trước.

“Khi bạn có 50.000 đứa trẻ sinh ra trong một năm, rồi 100.000 đứa trong năm tiếp theo, sau đó lại 50.000 đứa, điều đó rất tệ cho việc hoạch định và giáo dục”, ông nói.

Chờ động thái từ Trung Quốc

Hiện vẫn còn phải chờ xem Trung Quốc sẽ đầu tư tới đâu để ngăn chặn suy giảm dân số. Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm ngay trước khi Bắc Kinh áp dụng chính sách một con vào năm 1979.

Việc chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 không làm tăng số ca sinh, dù đã có những ưu đãi về tiền mặt và giảm thuế.

Giới quan sát cho thấy người trẻ Trung Quốc không mặn mà với việc lập gia đình đông con. Nhiều thanh niên Trung Quốc chọn học cao học, kết hôn và sinh con muộn.

Ngoài ra, việc sinh nhiều hơn một con cũng gặp trở ngại về tài chính.

Dân số Trung Quốc đang già đinh, xu hướng như nhiều quốc gia phát triển khác. Đồ họa. New York Times.

Lauren A. Johnston, một nhà kinh tế tại Đại học Sydney, người nghiên cứu nhân khẩu học Trung Quốc, nói rằng chi phí trong gia đình và giáo dục là những rào cản ngăn họ sinh thêm con.

“Nhiều người không đủ khả năng tự nuôi chính mình, đừng nói tới việc nuôi hai đứa con”, bà Johnston nói.

Các chuyên gia cho biết chính phủ Trung Quốc có thể giảm bớt gánh nặng cho các gia đình trẻ thông qua trợ cấp nhà ở, tăng thời gian nghỉ chăm con hoặc tài trợ cho giáo dục và hưu trí. Ngoài ra, các thay đổi khác như tăng tuổi nghỉ hưu ở nữ giới cũng góp phần tăng dân số trong độ tuổi lao động.

"Chưa phải thảm họa"

Trong khi các nhà kinh tế coi việc suy giảm dân số Trung Quốc là dấu hiệu không tốt cho tăng trưởng toàn cầu, nhiều nhà nhân khẩu học lạc quan khi cho rằng điều này sẽ giúp đất nước tập trung vào lợi ích của từng người khi dân số ít hơn.

John Wilmoth, Giám đốc ban dân số của Liên Hợp Quốc, nói rằng sau nhiều thập kỷ dân số tăng gấp đôi, những đánh giá tiêu cực về suy giảm dân số thường bị cường điệu hóa.

Ông đề cập tới việc Nhật Bản đã đối mặt với suy giảm dân số kể từ những năm 1970, song đây vẫn là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Nó không phải thảm họa như mọi người tưởng tượng”, ông Wilmoth nói.

Nhìn chung trên thế giới, tỷ lệ sinh vẫn cao hơn mức sinh thay thế (hơn 2 con/phụ nữ). Do đó, các nước phát triển có thể coi tiếp nhận người nhập cư là một lựa chọn để đảm bảo quy mô dân số.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-muon-dao-nguoc-suy-giam-dan-so-hay-nhin-vao-thuy-dien-post1406918.html