Trung Quốc muốn dùng đất hiếm chống Mỹ: Quân bài rủi ro

Trung Quốc hạn chế bán đất hiếm cho Mỹ, Washington có nhiều nguồn khác để thay thế, có thể cả từ Nga.

Ngày 28/5, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc Hồ Tích Tiến đã tiết lộ rằng, Bắc Kinh đang "nghiêm túc cân nhắc" hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nhà máy đất hiếm ở tỉnh Giang Tây giữa căng thẳng thương mại Mỹ- Trung làm dấy lên khả năng Bắc Kinh có thể dùng con bài đất hiếm để đấu Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Hồ Tích Tiến cho rằng: "Trung Quốc đang nghiêm túc cân nhắc hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể tiến hành các biện pháp đáp trả khác trong tương lai".

Theo một quan chức cấp cao thuộc Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, Trung Quốc sẽ ưu tiên cho nhu cầu trong nước nhưng cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hợp lý của một số nước khác đối với nguồn đất hiếm.

Trong khi đó, Tân Hoa xã đăng bài xã luận nêu rõ: “Đáp ứng nhu cầu nội địa sẽ là ưu tiên, nhưng Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đất hiếm toàn cầu nếu chúng được dùng một cách hợp lý.

Tuy nhiên, nếu ai đó dùng đất hiếm nhập khẩu để chống lại Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ không đồng ý”.

Cho đến nay, đất hiếm và một số khoáng chất quan trọng khác của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vẫn được miễn thuế. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tăng mức thuế nhập khẩu lên 10% đối với mặt hàng quặng kim loại hiếm của Mỹ. Cho đến ngày 1/6, thuế nhập khẩu có thể được xem xét nâng lên tới 25%.

80% nguồn đất hiếm Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn từ 2014-2017 là từ Trung Quốc và điều này mang lại lợi thế cho Bắc Kinh.

Đất hiếm được Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) liệt vào nhóm "khá phong phú" chứ không thực sự hiếm trên thế giới.

Tuy nhiên, đây không phải là một con át chủ bài của Trung Quốc.

Không như tên gọi, đất hiếm không thực sự... hiếm. Trung Quốc đang cung cấp hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới nhưng không đồng nghĩa với việc 95% trữ lượng đất hiếm nằm ở Trung Quốc.

Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu một phần vì một số quốc gia khác e ngại về các rủi ro môi trường trong việc khai thác đất hiếm. Khai thác đất hiếm sinh ra chất thải độc hại, có thể kèm theo cả các chất thải phóng xạ có hại.

Năm ngoái, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới lên đến 120 triệu tấn, bao gồm 44 triệu ở Trung Quốc, 22 triệu ở Brazil và 18 triệu ở Nga.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng sở hữu đất hiếm với trữ lượng thấp hơn, như Úc, Mỹ, Malaysia... Trên thực tế, từ những năm 1960 đến 1980, Mỹ mới là nước dẫn đầu về sản xuất đất hiếm với mỏ Mountain Pass tại California. Nhưng khu vực này đã bị chính phủ đóng cửa vào năm 1998 vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một khi Trung Quốc kích hoạt đòn tấn công vào đất hiếm, họ sẽ kích hoạt các quốc gia khác như Nga, Úc... phát triển nguồn tài nguyên này để đáp ứng cho người mua hàng lớn của Trung Quốc là Mỹ.

Chưa kể, một bài học xương máu là Trung Quốc đã từng dùng đòn cấm vận này lên Nhật Bản và sau đó Tokyo đã điều chỉnh quy trình sản xuất để không còn phụ thuộc vào đất hiếm.

Đất hiếm là một hợp chất chứa 17 thành phần hóa chất được dùng trong các sản phẩm điện tử công nghệ cao và thiết bị quân sự.

Được mệnh danh là "vitamin của hóa học", một lượng rất nhỏ Xeri hay Neodymi trong thành phần đất hiếm sẽ giúp màn hình TV rõ nét hơn, pin sử dụng được lâu hơn hay nam châm trở nên mạnh hơn. Nếu như Trung Quốc "đóng cửa" toàn bộ hoạt động xuất khẩu đất hiếm, nền công nghiệp của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng cũng như nhiều lo ngại về sự thay thế đất hiếm Trung Quốc quá sức dễ dàng, liệu Bắc Kinh có được kết quả gì khi dùng chiêu bài này để đáp trả Mỹ?

Kokichiro Mio, nhà nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu NLI cho biết: "Không loại trừ khả năng là Trung Quốc sẽ hạn chế xuất xuất khẩu, nhưng xem ra những gì chúng ta đang thấy hiện nay chỉ là một dạng đe dọa".

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-muon-dung-dat-hiem-chong-my-quan-bai-rui-ro-3380917/