Trung Quốc muốn thêm trẻ em nhưng ngân hàng tinh trùng là không đủ

Các cơ sở hỗ trợ sinh sản, bao gồm cả ngân hàng tinh trùng, được nhắc đến đến như một giải pháp cho tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc, nhưng chưa đủ để tạo ra sự thay đổi.

Khi nói đến ảnh hưởng của 3 năm hạn chế do đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc, truyền thông chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp, giáo dục, du lịch hoặc sức khỏe cộng đồng.

Nhưng theo Ayo Wahlberg, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Copenhagen, chúng ta còn rất lâu mới đánh giá được toàn bộ hậu mà đại dịch gây ra ở Trung Quốc. Một ví dụ dễ thấy nhất là cuộc khủng hoảng của các ngân hàng tinh trùng ở nước này.

Sinh viên đại học, nhóm hiến tặng chủ yếu, đã bị hạn chế bên trong khuôn viên ký túc xá suốt thời gian dài, đẩy các ngân hàng tinh trùng vào cảnh thiếu nguồn cung nghiêm trọng.

Các viện trên khắp đất nước đồng loạt đưa ra lời kêu gọi người hiến mới, chi hàng nghìn nhân dân tệ cho những ai đáp ứng các tiêu chuẩn sàng lọc, theo Sixth Tone.

Nỗ lực để có thêm trẻ em

Trước đây, hiến tặng tinh trùng là vấn đề nhỏ ít được bàn tới. Khoảng 8 năm qua, chính sách kế hoạch hóa gia đình của nước này thay đổi đáng kể, từ hạn chế nghiêm ngặt sang khuyến khích các gia đình sinh nhiều con hơn.

"Chính sách một con" tồn tại hàng chục năm đã được gỡ bỏ để chuyển sang "chính sách hai con" vào năm 2015, tiếp đến là chính quyền cho các gia đình sinh tới 3 con kể từ năm 2021. Các cơ quan đã ước tính (có lẽ là hy vọng) rằng chính sách mới sẽ làm tăng số ca sinh mỗi năm tăng lên 20 triệu trẻ.

Thế nhưng, trái ngược kỳ vọng, số ca sinh đã giảm mạnh xuống còn 9,56 triệu vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1949.

Chính phủ nước này liên tục đưa ra các chính sách mới để tăng tỷ lệ sinh, chủ động ứng phó với già hóa dân số.

Tình trạng quá tải dân số được những nhà xây dựng của "chính sách một con" coi là gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế.

Từng địa phương ở Trung Quốc đưa ra chính sách riêng để có thêm trẻ em. Ảnh Xinhua.

Song các nhà bình luận và học giả như Wang Feng, Yi Fuxian và Yi Zeng nhận định dân số giảm sẽ tăng gánh nặng chăm sóc và gây ra hậu quả kinh tế, làm trầm trọng thêm các vấn đề khi đất nước già đi và lực lượng lao động thu hẹp.

Từng địa phương trên khắp nước này cũng thực hiện chiến lược riêng để có thêm trẻ em.

Các chính sách kế hoạch hóa gia đình từ lâu đã tập trung vào việc hạn chế sinh đẻ thông qua cung cấp biện pháp tránh thai, dịch vụ đình chỉ sinh sản và triệt sản, khiến sự thay đổi về định hướng và mục tiêu mới trở thành thách thức thực sự.

Một số sáng kiến và đề xuất được thực hiện thời gian gần đây bao gồm cải thiện chế độ nghỉ thai sản cho các bậc cha mẹ, cấp "tiền thưởng cho em bé" bằng tiền mặt, và mới đây nhất là cho phép các bà mẹ đơn thân sinh con mà không bị phạt.

Thay đổi điều cấm kỵ về hiến tinh trùng

Là nhà nhân chủng học đã dành nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển và quy trình hóa các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) ở Trung Quốc, bao gồm ngân hàng tinh trùng và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), Wahlberg đặc biệt ấn tượng với cách những công nghệ này được nói đến như một phần của "giải pháp" chống tỷ lệ sinh đang giảm.

Người ta bàn về việc xây dựng thêm các phòng khám IVF để cải thiện khả năng tiếp cận. Ở một số thành phố và tỉnh, các quan chức thậm chí bắt đầu trợ cấp cho các phương pháp điều trị sinh sản.

Một chu kỳ IVF duy nhất có thể tốn gần 6.000 USD, có nhiều cặp vợ chồng cần trải qua nhiều chu kỳ mới có thể thụ thai.

Đến năm 2019, toàn Trung Quốc có 517 cơ sở điều trị ARV và 27 ngân hàng tinh trùng người.

Xây dựng ngân hàng tinh trùng được xem là giải pháp cho tỷ lệ sinh đang lao dốc ở đất nước tỷ dân. Ảnh: Reuters.

Nhưng tinh trùng tiếp tục bị thiếu hụt, và có nhiều lý do giải thích cho điều này.

Thứ nhất, nhu cầu tiềm năng rất lớn. Trung Quốc có khoảng 1-2 triệu nam giới bị azoospermia, một tình trạng y tế khiến cơ thể họ không thể tự sản xuất tinh trùng.

Đồng thời, các quy định y tế hiện hành cho phép tối đa 5 phụ nữ có thể sinh con với một người hiến tinh trùng duy nhất, so với tỷ lệ từ 12 đến 30 ở phần lớn các quốc gia châu Âu.

"Điều này có nghĩa các ngân hàng tinh trùng Trung Quốc phải liên tục tìm kiếm người hiến tinh trùng mới, thường là thông qua các chiến dịch kêu gọi trong trường đại học. Một số giám đốc ngân hàng tinh trùng nói với tôi rằng họ liên tục rơi vào tình trạng khẩn cấp", Wahlberg nói.

Vấn đề thứ hai là rào cản xung quanh việc hiến tặng tinh trùng. Nhiều nhà bình luận cho rằng những điều cấm kỵ xung quanh việc thủ dâm và tình dục có thể gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng tinh trùng ở một quốc gia như Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu thực địa, Wahlberg đã gặp nhiều nam thanh niên có thái độ thoải mái, thậm chí hài hước về quyết định hiến tinh trùng của họ.

Thực tế, nhiều người tìm đến ngân hàng tinh trùng cuối cùng bị loại. Chỉ số ít người hiến tặng tiềm năng có mẫu tinh trùng đủ chất lượng. Mức 60 triệu tế bào tinh trùng trên mỗi ml, cao gấp 4 lần so với tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới về khả năng sinh sản bình thường của nam giới, là một điều cần thiết để đảm bảo tỷ lệ mang thai tốt nhất có thể cho các cặp vợ chồng.

Kết quả là chỉ khoảng 20-25% những người hiến tặng tiềm năng đủ tiêu chuẩn. Vấn đề trở nên khó khăn hơn đối với các ngân hàng tinh trùng, khi những lo ngại rằng chất lượng tinh trùng ở Trung Quốc đang suy giảm do ô nhiễm và các yếu tố lối sống.

Không giống như các quốc gia như Đan Mạch hay Mỹ, việc sử dụng tinh trùng hiến tặng còn nhiều giới hạn với các cặp vợ chồng ở Trung Quốc.

Vào tháng 1/2023, các quan chức cấp tỉnh ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên chỉ ra rằng tất cả công dân, bao gồm các cặp vợ chồng chưa kết hôn và phụ nữ độc thân, sẽ có thể đăng ký khai sinh cho con mà không bị phạt. Nhiều người hy vọng trong tương lai, phụ nữ độc thân và các cặp đôi chưa kết hôn cũng sẽ được tiếp cận với các phương pháp điều trị ART.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-muon-them-tre-em-nhung-ngan-hang-tinh-trung-la-khong-du-post1422005.html