Trung Quốc nhận định kế hoạch sản xuất 76 Su-57 của Nga là viển vông

Sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo kế hoạch sẽ sản xuất cho không quân Nga 76 tiêm kích tàng hình Su-57 thì truyền thông quốc tế đã vào cuộc để đánh giá tính khả thi.

 Hôm 14/5, tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo kế hoạch mua sắm tổng cộng 76 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 cho không quân nước này trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2027.

Hôm 14/5, tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo kế hoạch mua sắm tổng cộng 76 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 cho không quân nước này trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2027.

Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa không quân Nga nói riêng cũng như lực lượng vũ trang Nga nói chung nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Với 76 tiêm kích tàng hình Su-57, không quân Nga sẽ không bị tụt hậu quá xa so với Mỹ hay Trung Quốc, khi Washington cho biết con số F-35 dự kiến sắp chạm mốc 700 còn J-20 của Bắc Kinh cũng nhanh chóng đạt tới 100 chiếc.

Mặc dù vậy tạp chí Trung Quốc Now News cho rằng việc mua 76 tiêm kích Su-57 mà tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói vài ngày trước là thiếu khả thi và sẽ phá hỏng ngân sách nước này.

Mức giá cụ thể của Su-57 đang là mối quan tâm lớn của truyền thông, hôm 16/5, tờ Kommersant cho biết giá trị của hợp đồng mua 76 máy bay Su-57 cho lực lượng hàng không vũ trụ Nga sẽ là 170 tỷ Rub.

Tuy nhiên tờ báo Mỹ The Drive đã tỏ ra nghi ngờ về tính thực tế của mức giá trên, bởi con số đó có nghĩa là một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình tối tân Su-57 chỉ có giá dưới 34 triệu USD.

Tờ The Drive nhấn mạnh rằng mức giá này còn thấp hơn giá ước tính của những chiếc tiêm kích Su-30MKK mà Nga đã bán cho Trung Quốc gần 2 thập kỷ trước, đây là điều rất vô lý.

Theo các chuyên gia quân sự, không hiểu cải tiến nào đó trong sản xuất hay thay đổi trong bản thân chiếc máy bay khiến Nga có thể hạ giá chúng xuống mức như vậy.

Ấn phẩm cho rằng, thực tế 170 tỷ Rub (2,63 tỷ USD) là chi phí cho lô máy bay chiến đấu đầu tiên (16 chiếc). Trong trường hợp này, giá tối đa của một chiếc Su-57 thế hệ 5 sẽ là 164 triệu USD.

Nếu những gì nhà sản xuất cam kết với bộ quốc phòng Nga được giữ vững cho đến năm 2027 và không có trượt giá thì chi phí cho mỗi chiếc Su-57 sản xuất loạt lớn cũng chỉ có thể giảm xuống còn trên dưới 130 triệu USD.

Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Trung Quốc thì mức tối đa mà ngân sách quốc phòng Nga có thể chi trả chỉ đủ để sản xuất 6 chiếc Su-57 mỗi năm.

"Nếu Nga cũng như Mỹ chỉ dành 1% ngân sách quốc phòng để mua máy bay chiến đấu Su-57 thì với số tiền đó, họ chỉ có thể trang bị được hàng năm tối đa là 6 chiếc" tờ báo Trung Quốc kết luận.

Trong trường hợp không có gì thay đổi, tức là quá trình sản xuất hàng loạt Su-57 tiến hành trôi chảy từ năm 2020 thì tới năm 2027 thì không quân Nga chỉ có thể sở hữu 48 máy bay loại này.

Thậm chí kế hoạch trên chưa chắc đã được đảm bảo nếu Su-57 được tích hợp động cơ giai đoạn 2 Izdeliye 30 có giá thành cao hơn nhiều so với loại AL-41F1S đang lắp đặt tạm thời hiện nay.

Để có được nguồn vốn đối ứng, có lẽ Nga sẽ phải tăng cường xuất khẩu Su-57 cho các quốc gia đồng minh nhằm quay vòng vốn để đẩy mạnh tiến độ chế tạo Su-57 cho chính bản thân mình.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-nhan-dinh-ke-hoach-san-xuat-76-su57-cua-nga-la-vien-vong/811371.antd