Trung Quốc ồ ạt xây nhà máy pin

Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng các nhà máy pin, vượt xa mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu ô tô điện và lưu trữ năng lượng cho lưới điện trong nước. Điều này làm dấy lên lo ngại các nhà sản xuất của Trung Quốc sẽ ngày càng thắt chặt quyền kiểm soát thị trường pin toàn cầu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu.

Gian hàng của hãng pin CATL ở Triển lãm ô tô Thượng Hải tổ chức hồi tháng 4-2023. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu CRU Group, công suất sản xuất tại các nhà máy pin của Trung Quốc dự kiến đạt 1.500 GWh trong năm nay, đủ đáp ứng nhu cầu của 22 triệu xe điện. Con số này cao hơn gấp đôi mức nhu cầu theo dự báo là 636 GWh.

Các lãnh đạo trong ngành cảnh báo, các nhà sản xuất pin Trung Quốc đang đi theo mô hình được áp dụng trong các ngành công nghiệp khác như thép, nhôm và tấm pin mặt trời, với các công ty Trung Quốc được hưởng lợi từ trợ cấp để chiếm thị phần lớn trên thị trường toàn cầu và hạn chế cạnh tranh quốc tế.

Ngành công nghiệp pin của Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ nhờ các khoản trợ cấp lớn của nhà nước và các khoản cho vay không kiểm soát từ ngân hàng.

“Chúng tôi đang lo lắng. Những gì tôi thấy ở ngành pin xe điện của Trung Quốc rất giống với những gì đã xảy ra với ngành nhôm”, Olivier Dufour, đồng sáng lập của Verkor, một công ty khởi nghiệp (startup) về pin của Pháp nói.

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang chạy đua tận dụng trợ cấp của chính phủ để vươn lên trở thành trung tâm sản xuất pin, đáp ứng nhu cầu tăng cao trong tương lai. Cuộc chạy đua đó có nguy cơ dẫn đến dư thừa công suất sản xuất pin.

Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo sự mở rộng quá mức của ngành công nghiệp pin có nguy cơ dẫn đến chu kỳ bùng nổ và sụp đổ, vốn đã xảy ra với một số ngành khác của Trung Quốc, bao gồm bất động sản và năng lượng mặt trời.

Sam Adham, người đứng đầu bộ phận vật liệu pin của CRU Group, cho biết sản lượng pin của Trung Quốc đạt khoảng 550 GWh vào năm ngoái, vượt xa mức 450 GWh được đưa vào sản phẩm cuối cùng và xuất khẩu.

“Nhiều hãng pin của Trung Quốc đang sản xuất quá mức và liên tục tăng lượng hàng tồn kho”, ông nói.

Dữ liệu từ các thông báo xây dựng nhà máy pin ở Trung Quốc cho thấy, công suất pin sẽ tăng lên gần gấp 4 lần nhu cầu pin của nước này vào năm 2027.

Theo một lãnh đạo cấp cao của ngành công nghiệp ô tô phương Tây, kế hoạch mở rộng của các nhà máy sản xuất pin ở Trung Quốc là “hoàn toàn phi thực tế”. Giờ đây, khi vấn đề dư thừa công suất trở nên trầm trọng hơn, có nguy cơ nhiều hãng pin Trung Quốc tìm cách chuyển sang xuất khẩu. Cùng với việc ngành năng lượng mặt trời mà nước này đang kiểm soát thị trường thế giới, động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây.

“Liệu họ có bán phá giá pin ở các thị trường khác không? Chúng tôi không biết nhưng chắc chắn, đó là một khả năng”, lãnh đạo này nói.

Trong một báo cáo thuyết trình với các quan chức EU, startup Verkor cảnh báo, khoảng trống nguồn cung 500 GWh công suất pin ở châu Âu vào năm 2030 có thể được “bù đắp” bằng 1.100 GWh công suất pin dư thừa ở Trung Quốc.

Patrik Andreasson, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược và bền vững của Northvolt, nhà sản xuất pin của Thụy Điển, lo ngại lĩnh vực pin lưu trữ năng lượng lưới điện ở châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương trước pin xuất khẩu của Trung Quốc. Việc nhập khẩu một lượng lớn pin Trung Quốc với giá rẻ sẽ làm giảm tham vọng bền vững của châu Âu và “có thể là một sai lầm chiến lược”.

Bất chấp các lệnh cấm và hạn chế về công nghệ của Mỹ, các nhà sản xuất pin của Trung Quốc bao gồm CATL, công ty dẫn đầu thế giới với 37% thị phần toàn cầu đang có kế hoạch mở rộng sang Mỹ và châu Âu.

Hồi tháng 2, CATL đã ký một thỏa thuận vào tháng 2 để cấp phép sử dụng công nghệ cho nhà máy sản xuất pin của hãng xe Ford ở bang Michigan của Mỹ. Trong khi đó, AESC, một nhà sản xuất pin khác của Trung Quốc, sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhà máy sản xuất pin trị giá 4 tỉ bảng của hãng xe Tata (Ấn Độ) ở Anh.

Một số chuyên gia cho rằng, mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất bị thổi phồng quá mức trong bối cảnh pin sẵn sàng hỗ trợ lưu trữ năng lượng tái tạo ở Trung Quốc. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu lưu trữ năng lượng pin của Trung Quốc sẽ tăng gấp 70 lần vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo phân tích của CRU, tỷ lệ sử dụng công suất trung bình, đo lường sản lượng pin thực tế so với công suất sản xuất theo thiết kế ở các nhà máy pin ở Trung Quốc chỉ là 55% vào cuối thập niên nay.

Adam Panayi, CEO của Rho Motion, một công ty tư vấn về pin, cho hay ở châu Âu, các nhà máy pin không thể nhận được khoản vay tài chính trừ khi họ có thể đảm bảo tỷ lệ sử dụng công suất trên 70%.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-o-at-xay-nha-may-pin/