Trung Quốc phản bác cáo buộc cản trở WHO điều tra COVID-19

Bà Hoa Xuân Oánh chỉ trích các nước đang 'chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2' và cho rằng hành động này là 'hoàn toàn phi đạo đức'.

Trung Quốc chỉ trích các nước khác đang chính trị hóa việc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 theo cách hoàn toàn không thể chấp nhận được, theo kênh tin tức Channel News Asia.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 31-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nhận được một số câu hỏi liên quan tới báo cáo chung về nguồn gốc COVID-19 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc công bố hôm 30-3.

Trước những chỉ trích từ phương Tây về việc Trung Quốc không chia sẻ đầy đủ dữ liệu cho nhóm chuyên gia của WHO, bà Hoa phản bác rằng Bắc Kinh đã thể hiện "thái độ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm".

"Thực tiễn chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc virus (SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19) là hoàn toàn phi đạo đức" - bà Hoa gay gắt nhận xét, song không trực tiếp nhắc tới việc Mỹ và 13 nước đồng minh ra tuyên bố chung quan ngại về báo cáo của WHO và Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo ngày 31-3. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo ngày 31-3. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC

Bản tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chỉ vài giờ sau báo cáo chung của WHO và Trung Quốc. Mỹ - cùng với Úc, Canada, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh - cáo buộc cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 đã "bị trì hoãn đáng kể và thiếu quyền truy cập vào các dữ liệu và mẫu sinh phẩm nguyên bản, hoàn chỉnh".

Bà Hoa cũng không đề cập phàn nàn của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về những khó khăn trong "truy cập dữ liệu thô" ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã cấp phép các chuyên gia của WHO đầy đủ quyền tiếp cận các phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) - địa phương phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Giáo sư Lương Vạn Niên - đồng lãnh đạo nghiên nhóm nghiên cứu chung của WHO và Trung Quốc - cũng tuyên bố rằng các nhà nghiên cứu của cả hai bên đã có quyền truy cập cùng một lượng dữ liệu như nhau trong suốt quá trình điều tra và do đó, cáo buộc thiếu quyền tiếp cận là không chính xác.

Ông Lương lưu ý rằng theo luật pháp Trung Quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế, một số dữ liệu được không thể được lấy đi hoặc chụp ảnh lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học của WHO đã cùng tiếp cận, xem xét và phân tích các dữ liệu đó tại chỗ.

Trước những cáo buộc về việc các chuyên gia của WHO không được tiếp cận dữ liệu và các mẫu sinh phẩm hoàn chỉnh, ông Lương lưu ý rằng chưa có đơn vị khoa học nào có được thông tin hoàn chỉnh về virus SARS-CoV-2 và đại dịch COVID-19. Ông Lương cho rằng việc cáo buộc Trung Quốc như vậy là không có cơ sở.

Còn về cáo buộc Bắc Kinh tìm cách trì hoãn cuộc điều tra, ông Lương giải thích rằng các nhà khoa học Trung Quốc luôn theo đuổi nguyên tắc "chất lượng đi đầu" và rằng "mọi câu chữ, mọi kết luận, mọi dữ liệu" cần được xác minh trước khi được công bố.

Chuyên gia Trung Quốc cũng lưu ý rằng điều tra nguồn gốc COVID-19 không phải chuyện "một sớm một chiều" và cho biết giai đoạn hợp tác giữa WHO và Trung Quốc trong cuộc điều tra này đã hoàn tất và bây giờ, hướng nghiên cứu đã chuyển sang các nước khác.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/trung-quoc-phan-bac-cao-buoc-can-tro-who-dieu-tra-covid19-976082.html