Trung Quốc phát triển mạnh chiến lược máy bay không người lái

Các phương tiện bay không người lái, từ trinh sát cho đến tấn công, đã trở thành phần quan trọng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc.

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang cố gắng đạt được các tiến bộ trong lĩnh vực robot quân sự và hệ thống không người lái. Bắc Kinh đã phát triển khá nhiều phương tiện bay không người lái, được sử dụng trong lục quân, không quân, hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược.

SCMP đã liệt kê danh sách các loại phương tiện bay không người lái (UAV) đang được sử dụng trong quân đội Trung Quốc.

Lục quân

Đối với lục quân, UAV phổ biến nhất là ASN series do Tập đoàn công nghệ Aisheng Tây An (ASN) sản xuất. Nhà sản xuất ASN hiện cung cấp khoảng 5 mẫu UAV, trong đó, ASN-102 là mẫu UAV cỡ nhỏ, tầm bay khoảng 40 km. Nó chủ yếu được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát cự ly gần, hỗ trợ điều hướng chiến thuật cho các đơn vị trên mặt đất.

ASN-217 là loại UAV mini được trang bị cảm biến hình ảnh cho nhiệm vụ trinh sát cự ly gần. Nó có phạm vi hoạt động khoảng 20 km, thời gian chạy 1,5 giờ.

Hải quân

Hải quân Trung Quốc sử dụng loại UAV tầm xa BZK-005. Nó được ví von là Global Hawk của Trung Quốc với tầm bay ước tính khoảng 2.400 km. BZK-005 được cho là đã hoạt động trên khu vực lân cận Biển Đông từ năm 2013. Có thông tin nói nó đã được triển khai đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974).

Máy bay không người lái tầm xa BZK-005 (giữa) trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II. Ảnh: China Military Review.

Máy bay không người lái tầm xa BZK-005 (giữa) trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II. Ảnh: China Military Review.

Một UAV phổ biến khác của hải quân Trung Quốc là ASN-209. Nó được chế tạo cho nhiệm vụ hỗ trợ liên lạc đường dài và tác chiến điện tử. ASN-209 có tầm bay khoảng 200 km, thời gian hoạt động liên tục khoảng 10 giờ.

Không quân

Không quân Trung Quốc (PLAAF) là lực lượng sử dụng nhiều mẫu UAV nhất. Trong đó, GJ-1 Wing Long là mẫu UAV chiến đấu có thiết kế tương tự MQ-1 Predator của Mỹ. UAV này có tầm bay khoảng 4.000 km, thời gian hoạt động liên tục khoảng 20 giờ.

GJ-1 có thể mang theo 10 loại vũ khí khác nhau, gồm tên lửa không đối đất và bom thông minh với tổng tải trọng khoảng 1 tấn. GJ-1 được trang bị cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu quang-hồng ngoại dưới mũi và hệ thống chỉ thị mục tiêu laser cho tên lửa chống tăng, hoặc hỗ trợ chỉ thị mục tiêu cho phương tiện tấn công khác từ máy bay, hoặc mặt đất.

UAV GJ-1 Wing Long trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải 2014. Ảnh: Sina.

UAV WZ-2000, trước đây được gọi là WZ-9, một sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Quý Châu. Nó được trang bị động cơ phản lực và có thiết kế rất giống MQ-9 Reaper của Mỹ. Theo Global Security, WZ-2000 có tầm bay khoảng 2.400 km, thời gian hoạt động liên tục khoảng 10 giờ.

3 chiếc WZ-2000 đã được nhìn thấy ở Chiến khu miền Tây tại sân bay Shigatse ở Tây Tạng, vào tháng 8 năm 2017, khoảng thời gian căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. WZ-2000 cũng được triển khai tới Chiến khu miền Bắc, gần biên giới với Triều Tiên. Việc nó xuất hiện tại các vị trí chiến lược cho thấy UAV này nhiều khả năng được chế tạo cho nhiệm vụ trinh sát tình báo.

EA-03 là mẫu UAV độ bền cao do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Quý Châu chế tạo. EA-03 được cho là có nhiệm vụ tương tự máy do thám không người lái tầm xa RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Nó có tầm bay khoảng 7.000 km, thời gian hoạt động liên tục khoảng 36 giờ.

EA-03 có thể được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát, chiến tranh điện tử, bao gồm theo dõi và giám sát nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Lực lượng tên lửa

JWP-02, còn gọi là ASN-205 là phương tiện trinh sát trên không và đánh giá thiệt hại chủ yếu của lực lượng tên lửa Trung Quốc. Nó được bàn giao cho lực lượng pháo binh và tên lửa chiến thuật vào năm 2013. JWP-02 có phạm vi hoạt động khoảng 150 km.

ASN-209, loại UAV trinh sát chủ lực của lực lượng pháo binh và tên lửa chiến thuật Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

UAV ASN series cũng được sử dụng nhiều trong lực lượng pháo binh và tên lửa chiến thuật Trung Quốc. Điển hình là ASN-207, tầm bay khoảng 600 km, thời gian hoạt động liên tục khoảng 10 đến 16 giờ.

ASN-215, tầm bay khoảng 200 km, thời gian hoạt động liên tục khoảng hơn 5 giờ. Những UAV này được dùng cho nhiệm vụ xác định mục tiêu, tọa độ bắn cho pháo binh, tên lửa đạn đạo chiến thuật và đánh giá thiệt hại sau tấn công.

Trung Quốc khôi phục vũ khí cũ với AI Trung Quốc đang biến xe tăng Type-59 cũ thành phương tiện chiến đấu không người lái được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI).

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-phat-trien-manh-chien-luoc-may-bay-khong-nguoi-lai-post871921.html