Trung Quốc sẽ có máy bay J-20 hai chỗ ngồi?

Các nhà phát triển Trung Quốc là những người đầu tiên trên thế giới chế tạo máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi thuộc thế hệ thứ năm?

Mới đây Nga đã công bố dự án chế tạo phiên bản Su-57 hiện đại hóa với buồng lái dành cho 2 phi công, mục đích để trang bị thêm khả năng điều khiển UAV tấn công tàng hình S-70 Okhotnik, biến thể này dự kiến ra mắt vào năm 2025.

Tuy nhiên mới đây các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đăng tải một bức ảnh rất đáng chú ý về chiếc máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới của họ.

Trước đó có thông tin cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ làm việc để phát triển một phiên bản J-20 đặc biệt, trong đó các phi công sẽ ngồi song song cạnh nhau. Tuy nhiên sau này Bắc Kinh đã quyết định chọn con đường phát triển khác - một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với kiểu bố trí trước - sau truyền thống.

Rõ ràng chúng ta mới chỉ đang nói về việc tạo ra một nguyên mẫu thử nghiệm của phiên bản J-20 hai chỗ ngồi, nhưng đây có thể là bước khởi đầu quan trọng đối với các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc, vì trước đó Iran đã quan tâm đến việc mua tiêm kích Chengdu J-20 với cấu hình hai phi công.

Cần lưu ý thêm, hiện tại không có bình luận chính thức nào từ Bắc Kinh. Trước đó có thông tin cho rằng biến thể J-20 hai phi công sẽ được sử dụng để điều khiển máy bay không người lái siêu thanh có chức năng tấn công.

Tiêm kích tàng hình J-20 phiên bản hai chỗ ngồi của Trung Quốc

Tiêm kích tàng hình J-20 phiên bản hai chỗ ngồi của Trung Quốc

Mặc dù vậy, ngay lúc này cũng có ý kiến cho rằng J-20 với cabin dành cho hai phi công sẽ làm tăng kích thước buồng lái, trong khi đây lại là bộ phận có diện tích phản xạ radar (RCS) rất lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính năng tàng hình.

Không loại trừ khả năng đây chỉ là phiên bản huấn luyện - chiến đấu của tiêm kích thế hệ 5 J-20 nhằm mang lại cho các phi công nước này ưu thế vượt trội so với các quốc gia khác, khi không phải luyện tập trên tiêm kích thế hệ 4 và 4+, chiếc J-20 này sẽ ít được sử dụng trong thực chiến.

Cần nói thêm rằng ngay khi chưa thực hiện sửa đổi trên, J-20 đã bị đánh giá là chiến đấu cơ thế hệ năm có chỉ số RCS kém nhất so với các tiêm kích cùng phân khúc.

Kích thước của J-20 lớn hơn đáng kể so với F-22, Su-57 hay F-35, chưa kể đến cặp cánh mũi bố trí phía trước càng khiến nó dễ bị nhận diện trên màn hình radar của đối phương.

Thậm chí J-20 còn bị nhận xét rằng giống với máy bay ném bom tiền tuyến kiểu Su-34 hơn là một chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không, bất chấp nó tỏ ra khá linh hoạt và được trang bị hệ thống điện tử tinh vi phục vụ không chiến.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/trung-quoc-se-co-may-bay-j-20-hai-cho-ngoi-3438148/