Trung Quốc sẽ làm gì với "Thần Châu-9"?

ngành vũ trụ Trung Quốc phát triển ổn định, sau đó phát triển tăng tốc, nhanh hơn châu Âu, chú trọng ứng dụng.

Chiều tối qua 16/6/2012 theo giờ địa phương, Trung Quốc đã phóng thành công tầu vũ trụ “Thần Châu-9” bằng tên lửa đẩy “Trường Chinh 2F”, chở ba phi hành gia lên vũ trụ, khiến dư luận trong và ngoài nước quan tâm rộng rãi.

Sau khi phóng tầu vũ trụ có người lái đầu tiên - tầu "Thần Châu-5" vào năm 2003, Trung Quốc nay đã trở thành nước thứ 3 độc lập đưa người lên vũ trụ và thực hiện ghép nối có người sau Mỹ và Nga.

Với tầu "Thần Châu-9" vừa phóng, lần đầu tiên ghép nối bằng tay với môđun "Thiên Cung-1", sự kiện này đánh dấu Trung Quốc đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng. Nếu tính theo đời người, tuổi 20 là độ tuổi phơi phới đi lên, tài năng mới vừa phát lộ. Theo kế hoạch đến năm 2020 Trung Quốc sẽ hoàn thành việc lắp đặt trạm vũ trụ có người lái thay thế môđun "Thiên Cung".

Nhiệm vụ chính của tầu "Thần Châu 9" là đi vào quỹ đạo, ghép nối chính xác với môđun "Thiên Cung-1" và vận hành ổn định trên quỹ đạo.

Với những nhiệm vụ mới đặt ra theo kế hoạch khiến công trình vũ trụ chở người của Trung Quốc lần này hy vọng có bước đột phá lớn với bốn "lần đầu tiên", đó là: Lần đầu tiên ghép nối bằng tay; lần đầu tiên phi hành gia đi vào làm việc, thực hiện các thí nghiệm khoa học và sinh hoạt trong môđun "Thiên Cung-1"; lần đầu tiên có phi công vũ trụ nữ; lần đầu tiên thời gian bay trên vũ trụ có người lái dài hơn 10 ngày.

Theo các nhà khoa học Trung Quốc, một mục đích cơ bản lần này là để các phi công nắm được kỹ thuật ghép nối bằng tay nên khó khăn và tỉ lệ rủi ro sẽ lớn hơn, đòi hỏi phán đoán chính xác các tình huống về tốc độ và trạng thái tương đương của 2 vật thể để thao tác điều khiển chính xác, phải có khả năng xác định vị trí tốt, xử lý đồng thời nhiều thông tin, hoàn thành công việc trong khoảng thời gian cho phép và sức ép về cạn kiệt nhiên liệu theo yêu cầu kỹ thuật nên đòi hỏi tâm lý vững vàng, lại phải làm chủ được phản ứng sinh lý ở trạng thái không trọng lượng để thích ứng môi trường hiện tại…. Tất cả những yếu tố nói trên đều ảnh hưởng đến chất lượng thao tác của phi công.

Sau khi lắp ghép, các phi công chuyển sang làm việc và sinh hoạt trên môđun "Thiên Cung-1" nên các vật dụng cần thiết sẽ phải có nhiều hơn như thực phẩm, vật phẩm thí nghiệm. Một số thực phẩm, vật dụng dạng thành phẩm đã được chở lên trước bằng môđun "Thiên Cung-1" như rau tươi, hoa quả, thịt, canh khô tái chế, có một số thành phần đơn thể như prôtêin, chất béo, chất bột… nhưng những vật phẩm trên chỉ dùng cho thí nghiệm, các loại thực phẩm thực sự dùng để ăn phải đợi mang theo từ "Thần Châu-9. Thực phẩm vũ trụ dùng trong thí nghiệm sẽ được đem về mặt đất để quan sát xem chúng có những thay đổi gì sau một thời gian dài ngày trên vũ trụ.

Một số trang thiết bị và vật phẩm trước đó cũng được đưa lên bằng môđun "Thiên Cung-1 để các phi công từ "Thần Châu-9" lên sử dụng, nhưng cũng có những vật phẩm đặc biệt dùng để thí nghiệm như tế bào hay thực thể sống như loài bướm khó duy trì sự sống trong điều kiện lâu dài không có người nên phải đưa lên theo "Thần Châu-9".

Các phi công vũ trụ lần này sẽ kiểm chứng hệ thống kỹ thuật tái chế từ hơi nước bài thải qua đường hô hấp, mồ hôi và tiết niệu của mình. Ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc như vậy đã tiến hành đến những công việc cụ thể hơn, trực tiếp thực hiện trên vũ trụ như một bước đột phá.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác quốc tế với Mỹ và các nước khác trên thế giới trong lĩnh vực vũ trụ.

Nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc vào vũ trụ.

Dean Cheng, chuyên gia chính sách vũ trụ Mỹ, nghiên cứu viên thuộc "Quỹ hội truyền thống" nước Mỹ, cho rằng từ năm 1970 khi Trung Quốc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên cho đến 1986, ngành vũ trụ Trung Quốc phát triển ổn định, sau đó phát triển tăng tốc, nhanh hơn châu Âu, chú trọng ứng dụng.

Tuy nhiên chương trình vũ trụ có người lái cần phải ổn định hơn, giá thành chi phí cao, độ rủi ro cũng lớn nên cần phải thận trọng hơn, ý nghĩa chính trị cũng lớn hơn.

Chuyên gia trên cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển sự nghiệp vũ trụ của mình, Mỹ sẽ hết sức quan tâm, vì ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc phát triển ít nhất sẽ là đối thủ cạnh tranh của Mỹ cả về mặt thương mại và công nghệ.

Theo Dean Cheng, tới đây các nước và nhóm nước (EU) sẽ tự phát triển ngành công nghiệp vũ trụ theo nhu cầu của mình, cả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ đều thế cả, nhưng vấn đề về mảnh vụn vũ trụ, các nước cần phải kiểm soát được bằng những thỏa thuận liên quan.

Trung Quốc hiện nay không có tình trạng bức xúc như nước Mỹ dưới thời kỳ Kennedy, nhưng Trung Quốc đang chú trọng trẻ hóa, khuyến khích sáng tạo tự chủ. Hiện nay Nga và Mỹ có sự hợp tác về trạm vũ trụ quốc tế, Trung Quốc-Nga, Mỹ-châu Âu cũng đang hợp tác. Cạnh tranh thể hiện rõ hơn là giữa các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ ở châu Á.

Nguồn Tin tức

Nguồn Gafin.vn: http://gafin.vn/20120617073027364p0c63/trung-quoc-se-lam-gi-voi-than-chau9.htm