Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, doanh nghiệp cần chủ động hơn

Hiện nay, Trung Quốc đang siết chặt việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu từ phía bạn, lãnh đạo Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, quy cách đóng gói...

"Ùn ứ chứ chưa phải ách tắc"

Những ngày gần đây, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) xuất hiện tình trạng dồn ứ hàng hóa nông sản. Những đoàn xe container chở đủ loại nông sản Việt Nam như chuối, thanh long, nhãn... xếp hàng nhiều km, kéo dài nhiều ngày trên suốt tuyến đường đi tới cửa khẩu Tân Thanh.

Đoàn xe container nối đuôi nhau nổ máy, nằm chờ dưới trời nắng, nhiều tài xế đã phải ăn-ngủ-nghỉ tại chỗ trong suốt 3,4 ngày gần đây để chờ đến lượt thông quan. Có những tài xế mắc võng dưới gầm xe để nằm, có những người nấu ăn, phơi quần áo ngay trên chính những chiếc xe chở hàng.

Những chiếc xe container chầm chậm đi qua cửa khẩu Tân Thanh, tiến vào cổng kiểm soát số 1 của phía Trung Quốc. Tại đây, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam...

Những chiếc xe container chầm chậm đi qua cửa khẩu Tân Thanh, tiến vào cổng kiểm soát số 1 của phía Trung Quốc. Tại đây, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam...

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh, ông Nông Hải Thăng - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam cho biết, lượng hàng hóa mấy ngày trở lại đây tăng đột biến so với điều kiện thông quan.

Tuy nhiên, ông Thăng khẳng định đây là “ùn ứ, dồn ứ” chứ không phải ách tắc. Bởi việc thông quan vẫn diễn ra nhưng do thời gian thông quan lâu hơn nên các xe hàng bị dồn ứ lại, chứ không có chuyện “tắc” lại, tắc lại là không đi được.

Cũng theo ông Thăng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có nguyên nhân từ việc phía Trung Quốc thay đổi chính sách, thời gian kiểm tra dài hơn, lâu hơn.

Để hỗ trợ thương nhân, chủ hàng giải tỏa tình trạng dồn ứ hàng hóa, Trung tâm đã có 2 đề xuất với phía Trung Quốc đó là đẩy nhanh tiến độ thủ tục thông quan hàng hóa và đề nghị phối hợp kéo dài thời gian thông quan để giải phóng nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu đến 21h.

Bà Hoàng Thị Thiều Hoa cho biết, để giải tỏa dồn ứ hàng hóa, Chi cục Hải quan Tân Thanh đã ưu tiên đưa vào luồng chính, thông quan trước những mặt hàng dễ hư hỏng

Song song đó, về phía hải quan, bà Hoàng Thị Thiều Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cũng cho hay, Chi cục Hải quan Tân Thanh đã làm việc với đơn vị quản lý bãi xe cung cấp đồ ăn, cơm miễn phí hỗ trợ các chủ hàng, lái xe, từ ngày hôm qua (21/10) và thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các dịch vụ cung cấp thức ăn cho lái xe, chủ hàng.

Với những mặt hàng dễ hư hỏng như chuối, sẽ được hải quan ưu tiên đưa vào luồng chính, xuất khẩu, thông quan trước. Các mặt hàng khác như nông sản thì làm thủ tục sau. Ngày cao điểm nhất là hôm 17/10, làm thủ tục xuất khẩu được 189 xe, trong đó có 166 xe chở thanh long.

Cũng theo bà Hoa, việc kiểm soát hàng nông sản được phía bạn thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Khi xe hàng đi vào cổng kiểm soát số 1, hải quan Trung Quốc yêu cầu chủ xe mở container, cabin, nếu phát hiện các loại rau củ trên xe là sẽ yêu cầu bỏ đi.

“Ngay cả người dân, thương nhân Trung Quốc khi sang giao dịch và nếu có mang theo mớ rau hay bất cứ loại quả gì cũng đều bị yêu cầu bỏ lại vì là hàng chưa qua kiểm dịch”, bà Hoa thông tin.

Thương nhân Vũ Thị Nguyệt lo ngại về việc xuất khẩu quả dưa hấu sang thị trường Trung Quốc khi nước này ngày càng siết chặt quy định, điều kiện nhập khẩu

Chị Vũ Thị Nguyệt - Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Thanh Hải cho biết, từ ngày 15/10 đến nay, lượng thanh long xuất khẩu được của doanh nghiệp giảm 40% bởi “trước đây, khi thông quan, phía Trung Quốc chỉ kiểm tra hàng bằng mắt thường, nay lại kiểm tra thực tế, kết hợp camera, máy soi... và thực hiện truy xuất nguồn gốc ngay tại cửa khẩu số 1 để hạn chế tình trạng hàng không đạt tiêu chuẩn, khi đã đưa vào bãi phải làm thủ tục đưa ra”.

Chị Nguyệt cũng bày tỏ, các doanh nghiệp đã được Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh và các lực lượng chức năng hỗ trợ rất nhiều, từ việc cung cấp nước uống, đồ ăn cho lái xe đến việc lựa chọn, ưu tiên những mặt hàng hoa quả nhanh hỏng (như chuối) đưa vào luồng xanh thông quan trước.

“Hiện nay tại cửa khẩu chỉ có tình trạng ùn ứ, không phải tắc nghẽn. Với lượng xe hàng hiện nay khoảng 3 ngày nữa sẽ hết tình trạng này bởi hàng hóa cũng xuất khẩu được dần dần rồi”, chị Vũ Thị Nguyệt nói.

Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Thanh Hải cũng bày tỏ sự lo lắng, hiện nay mặt hàng thanh long thì doanh nghiệp đã đáp ứng được khoảng 99% về nguồn gốc và đóng gói bao bì nhưng sắp tới đến vụ dưa hấu sẽ lại là “một nỗi lo mới”.

“Phía Trung Quốc không cho dùng rơm rạ để lót vào dưa mà phải dùng 100% bao bì, việc này gây khó khăn cho bảo quản dưa hấu. Nếu dùng toàn bộ bao bì để bảo quản, vận chuyển thì quả dưa sẽ bị nóng, bí dẫn đến dễ hỏng, ủng dưa.

Trong khi đó từ xưa đến nay chúng tôi đều dùng rơm, rạ lót vào quả dưa, để tạo độ thoáng, êm, mềm, đảm bảo quản dưa không bị dập, ủng. Chúng tôi rất lo lắng trong mùa dưa tới nếu như không được dùng rơm rạ lót dưa thì khả năng dưa bị hỏng trước khi xuất khẩu được là rất cao”, chị Nguyệt cho biết.

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, doanh nghiệp cần chủ động hơn

Giải đáp những băn khoăn của thương nhân Vũ Thị Nguyệt, ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong hệ thống kho bãi dọc tuyến biên giới phía Bắc, hệ thống kho bãi Lạng Sơn, Tân Thanh được đánh giá là tốt, đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa.

“Với dưa hấu hay các loại nông sản sắp tới, doanh nghiệp cần tìm giải pháp thích hợp để đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc. Chúng tôi chia sẻ với doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp không thể sản xuất ra quả dưa hấu không đảm bảo tiêu chuẩn mà cho rằng vì kiểm tra chặt. Doanh nghiệp có thể dùng đệm rơm để vận chuyển, bảo quản dưa hấu tới Lạng Sơn rồi từ kho bãi của Lạng Sơn đóng hộp, dán tem nhãn để xuất khẩu sang nước bạn, như vậy chất lượng mới đảm bảo”, ông Hải nói.

Để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu từ phía bạn, ông Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, quy cách đóng gói...

Về phía Bộ Công Thương, sau khi nghe phía chủ hàng phản ánh, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã nhận thấy có những khó khăn. Điều quan trọng, bên cạnh việc tháo gỡ từ phía cơ quan chức năng phải là sự chủ động, linh hoạt từ phía doanh nghiệp.

Theo đó, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, quy cách đóng gói, tem nhãn, chỉ dẫn vùng trồng... để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu từ phía bạn.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng nhấn mạnh tới vai trò của các địa phương, vùng trồng trong vấn đề này. Theo đó, ông Trần Thanh Hải cho biết sẽ có kiến nghị nhằm đôn đốc các UBND tỉnh chủ động phối hợp tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ, tránh những thiệt hại không đáng có cho bà con, doanh nghiệp...

Những đoàn xe container chở đủ loại nông sản Việt Nam như chuối, thanh long, nhãn... xếp hàng nhiều km, kéo dài nhiều ngày trên suốt tuyến đường đi tới cửa khẩu Tân Thanh

Trong khi chờ đến lượt thông quan, nhiều tài xế mắc võng dưới gầm xe để nằm, nấu ăn, phơi quần áo ngay trên chính những chiếc xe chở hàng. Ảnh Cường Ngô

Hiện tượng các xe hàng nông sản ùn ứ khi làm thủ tục thông quan bắt nguồn từ ngày 12/10 khi lực lượng Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số một đối với phương tiện ô tô, kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh vào Trung Quốc, như việc gắn camera, máy soi,... để kiểm tra xe hàng và cả lực lượng thực thi quản lí, kiểm soát của Trung Quốc tại cổng xe nhập cảnh.

Điều này, khiến thời gian làm thủ tục thông quan tăng đáng kể, trước đây việc thông quan không quá 2 phút/xe thì nay mất khoảng 6 - 7 phút/xe và trung bình một ngày tối đa chỉ thông quan được 120 - 150 xe, so với lúc cao điểm trước đây là 300 xe/ngày.

Trong ngày 20/10 xuất khẩu được 159 xe, trong đó có 128 xe thanh long. Ngày 21/10, xuất khẩu được 148 xe, trong đó có 124 xe thanh long.

Đến 19h30 ngày 21/10/2019, lượng xe chở hàng nông sản dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh còn khoảng 470 xe. Và đến sáng 22/10, lượng xe ùn ứ giảm xuống còn gần 400 xe.

Hạ An

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trung-quoc-siet-chat-nhap-khau-doanh-nghiep-can-chu-dong-hon-66149.htm