Trung Quốc sử dụng Đài địa chấn đỉnh Everest

Đài địa chấn Everest điều khiển từ xa nằm dưới chân ngọn núi cao nhất thế giới, ở độ cao độ cao 4.255m so với mực nước biển.

Theo Tân hoa xã, lần đầu tiên Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Đài địa chấn Everest điều khiển từ xa nằm dưới chân ngọn núi cao nhất thế giới. Được khởi công xây dựng từ tháng 6 vừa qua, Đài địa chấn Everest đóng tại xã Trát Tây Tông, huyện Định Nhật, khu vực Nhật Ca Tắc, Tây Tạng, Trung Quốc, ở độ cao độ cao 4.255m so với mực nước biển. Đài địa chấn này là tổ hợp của nhiều trang thiết bị như máy đo địa chấn chôn sâu dưới đất, thiết bị đồng bộ thu thập số liệu, hệ thống điện năng lượng Mặt Trời, các thiết bị truyền vệ tinh và thiết bị quan trắc GPS. Theo ông Thượng Vinh Ba, Phó Chủ nhiệm Trung tâm dự báo giám sát thuộc Cục địa chấn Khu tư trị Tây Tạng, máy đo địa chấn của Đài địa chấn Everest sẽ truyền các tín hiệu sóng địa chấn thu thập được sang máy thu thập số liệu để chuyển tải thành tín hiệu số. Sau đó, thông qua thiết bị truyền tải vệ tinh để đưa các số liệu địa chấn liên quan về Trung tâm dự báo giám sát thuộc Cục địa chấn Khu tự trị Tây Tạng và Cục địa chấn Trung Quốc tại Bắc Kinh với số liệu thực. Sau vài ngày vận hành thử, kết quả cho thấy Đài địa chấn Everest hoạt động rất tốt. Do điều kiện địa lý của khu vực núi Everest rất đặc biệt nên việc đảm bảo cung ứng điện cho Đài địa chấn Everest hoàn toàn phải dựa vào hệ thống điện từ năng lượng Mặt Trời. Ông Thượng Vinh Ba cũng cho biết thêm kể cả trong điều kiện mưa liên tục và trong vòng 5 ngày liền không nắng, hệ thống điện từ năng lượng Mặt Trời vẫn có thể đảm bảo đủ điện cho Đài địa chấn Everest hoạt động bình thường. Phó cục trưởng Cục địa chấn khu tự trị Tây Tạng, ông Sách Nhân cho biết thường xuyên xảy ra địa chấn mạnh ở khu vực phía Nam Nhật Ca Tắc của Tây Tạng. Do vậy, việc xây dựng Đài địa chấn Everest đã bù đắp được khoảng trống về quan trắc đo đạc ở khu vực này, đồng thời giúp tăng cường khả năng giám sát đo đạc địa chấn ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Nepan. Ngoài ra, Đài địa chấn Everest còn giúp tăng cường khả năng cạnh tranh về khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực phòng tránh thiên tai động đất và địa chấn học quốc tế tại khu vực Cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc./. Ngọc Thúy (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/trung-quoc-dua-vao-su-dung-dai-dia-chan-everest/200910/21225.vnplus