Trung Quốc tái mở cửa - Bài cuối: Câu chuyện của thế giới

Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện. Nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa, cơ hội và rủi ro chắc chắn sẽ đan xen, tác động như thế nào cũng là vấn đề phải quan tâm.

Các chuyên gia dự báo rằng Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế sau COVID-19 sẽ có tác động sâu rộng tới hầu như mọi lĩnh vực trên toàn thế giới.

Giá dầu sẽ tăng

Một cơ sở khai thác dầu ở Baku, Azerbaijan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và thông tin về kế hoạch mở cửa trở lại của nước này đã ngay lập tức ảnh hưởng đến giá dầu.

Trong phiên giao dịch tại châu Á ngày 5/12, giá dầu đã lập tức tăng sau khi Trung Quốc phát tín hiện nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, một động thái tiến tới từ bỏ chính sách “không COVID” và bình thường hóa cuộc sống.

Trong phiên giao dịch ngày 9/12, giá dầu Brent tăng 4,12%, lên 98,34 USD/thùng, mức cao nhất từ cuối tháng 7. Giá dầu WTI tăng 4,72%, lên 91,55 USD/thùng, cao nhất từ cuối tháng 8.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và Brent tăng tương ứng 4,6% và 3,9% trong tuần qua nhờ khả năng nhu cầu dầu tại Trung Quốc sẽ tăng khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế sau giai đoạn chống dịch COVID-19.

Tính trong tuần kết thúc ngày 16/12, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và Brent tăng tương ứng 4,6% và 3,9%. Nguyên nhân chung chính là nhờ tín hiệu mở cửa trở lại của Trung Quốc.

Nhận định về tín hiệu Trung Quốc mở cửa và tác động tới giá dầu thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nói với kênh CNBC ngày 6/12 rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy giá dầu lớn hơn cả biện pháp áp đặt trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga. Ông Balakrishnan nói: “Tôi hy vọng sẽ thấy họ mở cửa đáng kể. Bây giờ điều đó có ý nghĩa sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu, hơn cả mức trần giá dầu”.

Theo ông Rob Thummel, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty Tortoise Capital, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã giảm khoảng 1 triệu thùng trong năm nay. Ông nói: “Yếu tố sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc cao hơn… rõ ràng là động thái mở cửa lại nền kinh tế, nhưng quan trọng hơn là xây dựng tồn kho dầu. Tồn kho dầu trên toàn thế giới đang ở mức thấp và tôi nghĩ thế giới đã nhận ra rằng an ninh năng lượng là khá quan trọng. Vì vậy, đó sẽ là một động lực lớn ở cả Trung Quốc cũng như Ấn Độ trong tương lai, sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu dầu trong tương lai. Và một lần nữa, có khả năng dẫn đến giá cao hơn”.

Trong những tuần gần đây, để chuẩn bị cho mở cửa trở lại, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu thô hơn 2,5 triệu thùng/ngày cũng như bổ sung lượng hàng tồn kho đã cạn.

Vậy giá dầu có thể tăng bao nhiêu? Theo trang capital.com, các nhà kinh tế tại ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo rằng Trung Quốc mở cửa lại giai đoạn đầu sẽ khiến giá dầu có thể tăng lên 116 USD/thùng; mở cửa lại toàn bộ trên toàn cầu sẽ làm giá dầu tăng lên 125 USD/thùng.

Du lịch thế giới vẫn phải chờ khách Trung Quốc

Người dân tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Các thị trường du lịch thế giới vắng bóng khách Trung Quốc suốt 3 năm qua và rất có thể họ sẽ phải chờ lâu hơn, vì người Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng du lịch nước ngoài.

Theo hãng tin Reuters ngày 6/12, hơn một nửa số người Trung Quốc được hỏi nói rằng họ sẽ hoãn đi du lịch nước ngoài trong khoảng thời gian từ vài tháng đến hơn một năm, ngay cả khi biên giới mở cửa trở lại vào ngày mai.

Theo một khảo sát với 4.000 người tiêu dùng ở Trung Quốc của nhà tư vấn Oliver Wyman, nỗi sợ lây nhiễm dịch bệnh là mối quan tâm hàng đầu của những người nói rằng họ sẽ hoãn đi du lịch. Lo lắng về những thay đổi đối với thủ tục tái nhập cảnh là mối quan tâm thứ hai.

Imke Wouters, một đối tác tại Oliver Wyman, cho biết: “Mọi người đã trở nên thận trọng. Vì vậy, ngay cả khi họ có thể đi du lịch, chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ không quay lại ngay”.

Có tới 51% những người được khảo sát có kế hoạch trì hoãn các chuyến du lịch quốc tế. Khi đó, các điểm đến ngắn hạn sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Đặc khu hành chính Hong Kong đứng đầu danh sách điểm đến, trong đó 34% số người được hỏi nói rằng đây sẽ là điểm dừng chân đầu tiên sau khi mở cửa trở lại.

Trung Quốc trước đây là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Người Trung Quốc chi 127,5 tỷ USD đi du lịch nước ngoài vào năm 2019, nhưng hầu như đã biến mất sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới quốc tế vào đầu năm 2020 và hạn chế xuất cảnh không cần thiết.

Tình trạng này đã khiến ngành du lịch nhiều quốc gia phụ thuộc khách Trung Quốc lao đao, sụt giảm mạnh doanh thu.

Gây áp lực lên lạm phát toàn cầu

Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Glendale, California, Mỹ ngày 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, dự báo chung cho năm 2023 là lạm phát trên toàn thế giới sẽ chậm lại khi lãi suất tăng, suy thoái kinh tế dần xuất hiện và người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Các biện pháp hạ nhiệt giá hàng hóa, thực phẩm và năng lượng sẽ kết hợp để làm chậm tốc độ lạm phát chung. Nhưng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể làm rung chuyển những dự báo đó.

Kịch bản có thể diễn ra như sau: Vào một thời điểm nào đó trong năm 2023, Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa biên giới kể từ những ngày đầu COVID-19. Hệ lụy đối với phần còn lại của thế giới sẽ là một cơn địa chấn. Nền kinh tế trong nước của Trung Quốc sẽ sống lại. Sinh viên sẽ lại ra nước ngoài, khách du lịch sẽ bắt đầu đi du lịch và các giám đốc điều hành doanh nghiệp sẽ lại đi máy bay. Điều này sẽ xảy ra cùng lúc thị trường nhà đất của Trung Quốc bắt đầu phục hồi, tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

Bloomberg cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đẩy giá hàng hóa toàn cầu lên cao, gây áp lực lên giá của nhiều hàng hóa và dịch vụ. Giả sử Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, Bloomberg ước tính giá năng lượng sẽ tăng 20% và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ có thể tăng lên 5,7% vào cuối năm. Trước đó, Bloomberg cho rằng chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ có thể giảm xuống 3,9% vào giữa năm,

Trung Quốc phục hồi sẽ thúc đẩy nhập khẩu dầu, hàng hóa và nguyên liệu thô, đồng thời kích thích nhu cầu về ghế máy bay, phòng khách sạn và bất động sản ở nước ngoài. Ông Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại ING Groep NV, cho biết: “Chắc chắn lạm phát toàn cầu sẽ lên cao nếu Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn”.

Đó là lý do tại sao hầu hết các nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ điều chỉnh quá trình mở cửa trở lại chậm, cẩn thận.

Có một lý do khác khiến Trung Quốc có thể là một yếu tố làm tăng lạm phát trong năm tới: tài sản. Hàng loạt biện pháp nhằm ổn định giá nhà đã được công bố trong những tuần gần đây. Mặc dù những hành động này không đảm bảo lĩnh vực bất động sản phục hồi mạnh mẽ, nhưng chúng có thể đủ để đưa tăng trưởng GDP trở lại đúng hướng.

Nếu thị trường nhà ở phục hồi và việc mở cửa trở lại kết hợp lại cùng lúc, sẽ có hậu quả trực tiếp đối với các đối tác thương mại và thị trường tài chính của Trung Quốc. Một bài báo gần đây của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York nhận định: “Điều gì xảy ra ở Trung Quốc không ở lại Trung Quốc", cho thấy nước này đóng một vai trò quan trọng trong tiêu dùng toàn cầu, tăng trưởng và tâm lý đám đông của các nhà đầu tư.

Tóm lại, dù tiêu cực hay tích cực thì quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc sau ba năm đóng cửa biên giới sẽ tạo ra những tác động tới toàn thế giới.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-tai-mo-cua-bai-cuoi-cau-chuyen-cua-the-gioi-20221211194613921.htm