Trung Quốc: Tái tuyển dụng người già là 'vấn đề cấp bách'

Tờ Economic Daily kêu gọi các nhà chức trách khuyến khích người trên 60 tuổi đi làm trở lại khi Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng dân số ngày càng già đi.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực khuyến khích nhiều người về hưu tái gia nhập lực lượng lao động bằng cách kêu gọi đầu tư vào đào tạo nghề và cải thiện các quy định về việc làm cho người cao tuổi, trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với tình trạng dân số ngày càng già đi.

 Vào cuối năm 2022, Trung Quốc có hơn 280 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 19,8% dân số. (Nguồn: AFP)

Vào cuối năm 2022, Trung Quốc có hơn 280 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 19,8% dân số. (Nguồn: AFP)

Hôm 29/5, tờ Economic Daily do nhà nước điều hành kêu gọi các nhà chức trách khuyến khích nhiều người trên 60 tuổi đi làm trở lại, vì “việc tái tuyển dụng người già đã trở thành một vấn đề cấp bách và thực tế cần được giải quyết”.

Bài báo đã lặp lại quan điểm của tờ People’s Daily tuần trước khi kêu gọi 137 triệu người cao tuổi khỏe mạnh và tương đối trẻ của Trung Quốc là một “cổ tức mới sẽ được phát triển”.

“Khi dân số của chúng ta già đi, nhiều lĩnh vực yêu cầu người cao tuổi tiếp tục đóng góp vai trò của họ và chính họ cũng mong muốn được tiếp tục làm việc… bằng cách thúc đẩy quan điểm tích cực đối với già hóa và nâng cao nhận thức của xã hội về dân số già, chúng ta có thể tạo ra một bầu không khí tích cực”, Zhao Biqian, một nhà nghiên cứu tại Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc, nói với tờ Economic Daily.

Zhao chỉ ra các quốc gia có dân số già, như Nhật Bản và Pháp, đã thành lập các trường đại học dành cho người cao tuổi, khuyến khích các công ty thuê người trên 70 tuổi và có các dịch vụ cộng đồng để giúp người cao tuổi tìm việc làm.

Tuổi nghỉ hưu bắt buộc của Trung Quốc đối với nam giới là 60, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 đối với nữ công nhân, trong khi tuổi thọ trung bình của nước này là 77,93. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển nên Bắc Kinh đã tính đến việc lùi tuổi nghỉ hưu nhưng chưa thống nhất về chi tiết.

Vào cuối năm 2022, Trung Quốc có hơn 280 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 19,8% dân số. Tuy nhiên, chỉ có 8,8% tổng lực lượng lao động ở Trung Quốc là trên 60 tuổi.

Ông Zhang Chenggang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mô hình Việc làm Mới của Trung Quốc tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, nói với tờ báo kinh tế hàng đầu rằng hệ thống tái tuyển dụng người già đã nghỉ hưu hiện tại không đủ bảo vệ quyền lợi của họ.

Ông Zhang cho biết: “Khi thuê người già trên 60 tuổi, người sử dụng lao động chỉ cần trả thù lao và không cần đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của họ.

“Các luật hiện hành không bảo vệ người già được tuyển dụng lại. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp lao động hoặc tai nạn lao động, họ có thể không được bảo vệ theo luật lao động vì họ đã quá tuổi nghỉ hưu theo luật định”, ông Zhang nói.

Vị giám đốc này cũng kêu gọi Chính phủ thực hiện các chính sách chống phân biệt tuổi tác để bảo vệ quyền của người lao động cao tuổi.

Các công ty cũng nên đáp ứng nhu cầu của những người lao động lớn tuổi, những người thích giờ làm việc linh hoạt và không thể đảm nhận những công việc đòi hỏi quá nhiều thể lực hoặc có nguy cơ cao bị thương liên quan đến công việc.

Dân số già của Trung Quốc tăng nhanh từ năm 1985. (Nguồn: National Bureau of Statistics)

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc – những người từ 16 đến 59 tuổi – đã giảm hơn 26 triệu người từ năm 2012 đến năm 2019, gây áp lực lên lực lượng lao động đang thu hẹp để trả lương hưu cho số lượng người về hưu ngày càng tăng.

Bà Yin Deting, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dân số Bắc Kinh, cũng nói với tờ Economic Daily rằng hầu hết người cao tuổi làm việc để trang trải chi phí sinh hoạt, để duy trì công việc linh hoạt hoặc phát triển kỹ năng sau khi nghỉ hưu.

“Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt và yêu cầu nghề nghiệp luôn thay đổi, nhiều người cao tuổi sẵn sàng tham gia vào lực lượng lao động thường phải đối mặt với các vấn đề như rào cản gia nhập cao, kênh tìm kiếm việc làm hẹp, khả năng cạnh tranh không đủ và thị trường không phù hợp nhu cầu”, bà Yin nói.

“Công việc của họ thường bị giới hạn trong các ngành phục vụ ăn uống, dọn dẹp, an ninh, điều dưỡng và các ngành dịch vụ khác”, bà Yin nói thêm và cho biết, các cơ sở dạy nghề cho người cao tuổi nên ưu tiên đào tạo sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ phù hợp với công việc tốt hơn.

Hồng Vân (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-tai-tuyen-dung-nguoi-gia-la-van-de-cap-bach-post249814.html