Trung Quốc tăng cường khả năng 'tự lực cánh sinh'

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tới nay chưa có điểm dừng. Phía Trung Quốc được cho là chuyển trọng tâm đối phó từ đàm phán sang ổn định tâm lý nội bộ, tăng cường khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu yêu cầu tự lực cánh sinh, "dựa vào bản thân" trên 3 phương diện. Nhưng chỉ thị này sẽ thực sự giúp Trung Quốc vượt qua khó khăn?

Báo Liên hợp cho biết trong chuyến khảo sát tại tỉnh Hắc Long Giang hôm 26/9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, cho rằng chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang dâng cao buộc Trung Quốc phải đi theo con đường "tự lực cánh sinh".

Đây không phải là việc xấu vì Trung Quốc cuối cùng vẫn phải dựa vào bản thân. Ông Tập Cận Bình còn chỉ rõ Trung Quốc phải "dựa vào bản thân" về lương thực, thực thể kinh tế và ngành chế tạo.

Theo tờ Economic Journal, trước khí thế ép người quá đáng và thái độ thay đổi khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc không thể kỳ vọng quá nhiều vào đàm phán để hóa giải mâu thuẫn với Mỹ.

Do đó, Trung Quốc phải điều chỉnh sách lược ứng phó chiến tranh thương mại với Mỹ, không coi trọng đàm phán hay đối kháng với Mỹ nữa mà chuyển sang tập trung vào việc "tăng cường thể chất": nâng cao khả năng chịu đựng và sức mạnh của nền kinh tế nhằm đối phó lâu dài với môi trường quốc tế không ổn định.

Đây là một quyết sách đúng đắn, việc đề ra phương hướng "tự lực cánh sinh" cũng phù hợp logic. Tuy nhiên, để hoàn thành 3 mục tiêu "dựa vào bản thân" không phải chuyện dễ dàng.

Thứ nhất, "dựa vào bản thân” về lương thực. Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc có nhu cầu khổng lồ về lương thực. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang trong tình trạng thiếu hụt đất canh tác, hàng năm lại mất thêm đất canh tác cho công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu lương thực, Trung Quốc bắt buộc phải nhập khẩu. Các chuyên gia dự báo tới năm 2020, nhu cầu lương thực của Trung Quốc vào khoảng 700 triệu tấn, nhưng chỉ tự sản xuất được 554 triệu tấn, gần 200 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu. An ninh lương thực bị đe dọa như vậy, trong thời gian ngắn Trung Quốc khó có thể "dựa vào bản thân".

Thứ hai, "dựa vào bản thân" về ngành chế tạo. Công nghệ được coi là linh hồn của ngành chế tạo, nhưng Trung Quốc vẫn còn khoảng cách tương đối lớn về công nghệ cốt lõi so với Mỹ, lệ thuộc nghiêm trọng vào nước ngoài trên phương diện này.

Sự kiện Trung Hưng (ZTE), "ông lớn điện tử" của Trung Quốc, ngưng trệ sản xuất vì lệnh trừng phạt của Mỹ đã hé lộ thực tế phũ phàng rằng Trung Quốc phải nhập khẩu 90% chip điện tử.

Một khi thành phần cốt lõi trong chuỗi cung ứng vẫn nằm trong tay người khác, các trang thiết bị, máy móc mà chuỗi cung ứng của ngành chế tạo Trung Quốc cần đến vẫn chưa thoát khỏi tình trạng phải nhập khẩu, Trung Quốc khó có thể "dựa vào bản thân" trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo công nghệ cao.

Thứ ba, "dựa vào bản thân" về thực thể kinh tế. Tập Cận Bình không nói rõ nội dung của thực thể kinh tế, nhưng thông thường cụm từ này chỉ nguyên liệu, thiết bị sản xuất, năng lượng tiêu hao, quy trình công nghệ, thị trường tiêu thụ…

Như đã đề cập ở trên, mức độ tự cung tự cấp về tài nguyên của Trung Quốc tương đối thấp, rất nhiều công nghệ phải sử dụng của nước ngoài, khó có thể một chốc một lát "dựa vào bản thân" được. Cái mà Trung Quốc có thể "dựa vào bản thân" chỉ có thể là thị trường tiêu thụ với 1,4 tỷ người.

Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng 8/2018 của Trung Quốc tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán 0,2%, duy trì được mức tăng trưởng tương đối cao, cho thấy việc giải phóng năng lượng thị trường tiêu thụ trong nước có thể giúp bù đắp tổn thất ở thị trường xuất khẩu do bị Mỹ "bóp nghẹt".

Tờ Economic Journal kết luận, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang, việc lãnh đạo Trung Quốc đề ra khẩu hiệu "dựa vào bản thân" để ổn định tâm lý nội bộ là có thể hiểu được.

Nhưng để không chuốc lấy thất bại, Bắc Kinh cũng cần phải nhận thức rõ tình hình, đánh giá chính xác điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, đưa ra sách lược ứng phó chiến tranh thương mại phù hợp thực tế./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trung-quoc-tang-cuong-kha-nang-tu-luc-canh-sinh-/98551.html