Trung Quốc 'tảng lờ' đòi hỏi của Mỹ

Mới đây, Trung Quốc đã công bố bản kế hoạch mới về phát triển các ngành công nghiệp, nhưng với giới chức cứng rắn Mỹ, đây dường như là bản sao kế hoạch cũ; trong đó, đòi hỏi về cải cách và thay đổi của Mỹ một lần nữa bị bỏ qua.

Mới đây, Trung Quốc đã công bố bản kế hoạch mới về phát triển các ngành công nghiệp. Nguồn: internet

Mới đây, Trung Quốc đã công bố bản kế hoạch mới về phát triển các ngành công nghiệp. Nguồn: internet

Không đoái hoài đến yêu cầu cải cách của Mỹ

Vừa qua, Trung Quốc đã công bố chính sách nâng cấp và tích hợp khu vực sản xuất theo hướng đưa một nhóm công ty trở thành "nhà vô địch thế giới" vào năm 2025. Song, chính sách này dường như chẳng khác mấy so với sáng kiến Made in China 2025 được đưa ra vào năm 2015 để mong thống trị toàn cầu trong 10 lĩnh vực, gồm robot, máy bay, dược phẩm và các ngành công nghiệp khác.

Chính quyền Trump từng chỉ trích gay gắt sáng kiến này và tiến hành một cuộc điều tra, hệ quả là dẫn đến việc đánh thuế lên 360 tỷ USD hàng Trung Quốc vào Mỹ.

Bản kế hoạch mới này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động và các chiến thuật gây hấn đã không có nhiều tác dụng trong việc làm thay đổi mục tiêu thống trị nền công nghệ mới với sự hỗ trợ của Nhà nước của Trung Quốc. Nó cũng nhấn mạnh thách thức rộng lớn hơn mà Trump phải đối mặt trong nỗ lực chế ngự mô hình phát triển kinh tế do Chính phủ điều hành tồn tại bên ngoài thị trường tự do.

Thông điệp chính có thể thấy rõ trong bản kế hoạch của Trung Quốc là theo đuổi mục tiêu phát triển các công ty lớn do Nhà nước lãnh đạo để giành lợi thế. Điều này phù hợp với quan điểm của bản kế hoạch Made in China 2025 được đưa ra trước đây, vốn đã bị các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu chỉ trích, khi cho rằng đó là hình thức sử dụng các quỹ của Chính phủ để giành lợi thế cạnh tranh và bỏ qua các quy tắc giao dịch toàn cầu.

Một phần quan trọng trong động lực phát triển công nghệ lần này liên quan đến việc mua lại công nghệ nước ngoài và phân biệt đối xử với công ty các nước trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, chính quyền Trump tiếp tục thúc ép Trung Quốc cắt giảm hầu hết khoản trợ cấp của Chính phủ cho doanh nghiệp nhà nước hoặc do Nhà nước kiểm soát. Tuy nhiên, theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai nước đang nỗ lực đàm phán để có thể ký kết trong những tuần tới, dự kiến sẽ không giải quyết được những lo ngại cốt lõi về trợ cấp hoặc chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Những mục tiêu tham vọng

Huang Yasheng - Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Quản lý MIT Sloan, tại diễn đàn do Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung Quốc vừa tổ chức tại Washington, nhận định: "Đã có lúc họ từ bỏ nói về Made in China 2025, nhưng giờ đây sáng kiến đó đã trở lại. Tôi nghĩ rằng họ đã tính toán đến việc tiếp tục thảo luận với Tổng thống Trump không hữu ích lắm, nên không cần từ bỏ nó nữa".

Meng Wei - phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc cho biết, một số công ty sẽ đóng vai trò chính trong việc thực hiện kế hoạch mới. Đó là Huawei Technologies - tập đoàn đã chịu sự trừng phạt của Mỹ, cũng như các công ty công nghệ lớn như NetEase, Xiaomi.

Dù không đề cập đến 10 lĩnh vực tương tự mà sáng kiến Made in China 2025 nhắm đến, nhưng bản kế hoạch mới cũng đưa ra thời hạn năm 2025 là hạn cuối để thành lập một nhóm doanh nghiệp tích hợp sâu và tập trung vào các nhà máy thông minh, có kết nối tốt hơn thông qua Internet với chuỗi cung ứng được tối ưu hóa.

Đáng lưu ý là thay vì sử dụng trợ cấp tiền mặt trực tiếp của Chính phủ, các doanh nghiệp này sẽ vay ngân hàng cũng như các khoản trợ cấp đất đai của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giới chức ở Washington tuyên bố đây là một ví dụ khác về việc Nhà nước Trung Quốc tài trợ doanh nghiệp để giành lấy thắng lợi một cách thiếu công bằng với các công ty tư nhân.

Cuộc chiến thương mại kéo dài 17 tháng qua ban đầu được châm ngòi từ mối lo ngại của Mỹ rằng Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp từ trí tuệ nhân tạo đến xe điện một phần dựa vào chuyển giao hoặc đánh cắp công nghệ của Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc dường như đã tăng gấp đôi sự nỗ lực để đạt được năng lực công nghệ cho tương lai.

Ví dụ, các hướng dẫn mới kêu gọi ngành ô tô tăng cường khai thác dữ liệu để triển khai nhanh các trạm sạc xe điện ở những vị trí tối ưu cũng như thúc đẩy các nhà sản xuất thiết bị tự chuyển đổi từ các nhà tích hợp hệ thống đơn giản sang các nhà cung cấp giải pháp kinh doanh toàn diện. Chính phủ cũng đề xuất củng cố 10 loại mô hình và hệ thống vận hành có thể áp dụng trên toàn bộ ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có sử dụng các phương pháp tiếp cận thân thiện với thị trường hay không để đạt được kế hoạch, thay vì dựa vào sự can thiệp của Chính phủ. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hơn 7 năm qua chưa cho thấy các chính sách đi theo cách tiếp cận thân thiện với thị trường, nhưng với tình hình căng thẳng hiện nay, người ta vẫn kỳ vọng vào điều bất ngờ có thể xảy ra.

Dù không đề cập đến 10 lĩnh vực tương tự mà sáng kiến Made in China 2025 nhắm đến, nhưng bản kế hoạch mới cũng đưa ra thời hạn năm 2025 là hạn cuối để thành lập một nhóm doanh nghiệp tích hợp sâu và tập trung vào các nhà máy thông minh, có kết nối tốt hơn thông qua Internet với chuỗi cung ứng được tối ưu hóa.

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/trung-quoc-tang-lo-doi-hoi-cua-my-316076.html