Trung Quốc tập trận phi pháp ở Hoàng Sa

Quân đội Trung Quốc sắp tiến hành cuộc tập trận phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, giữa lúc ngày càng có nhiều quan ngại về hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tàu hải quân Trung Quốc trong một lần tập trận phi pháp ở vùng biển thuộc Hoàng Sa - Ảnh: AFP

Ngày 5.8, Cục Hải sự Hải Nam ngang nhiên thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong 2 ngày 6 và 7.8. Cụ thể, cuộc tập trận phi pháp diễn ra ngày 6.8 tại khu vực gần đảo Phú Lâm; còn trong ngày 7.8, địa điểm tập trận xung quanh bãi Thủy Tề và Nhóm Lưỡi Liềm. Trung Quốc còn ngang nhiên cấm tàu bè vào khu vực tập trận, nhưng Cục Hải sự Hải Nam không nói rõ số binh sĩ cũng như khí tài tham gia. Cũng theo cơ quan này, từ ngày 7 - 9.8, Trung Quốc sẽ tập trận ở vùng biển “phía nam đảo Hải Nam” nhưng không nêu chi tiết cụ thể.

Diễn biến phức tạp

Những hành động của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, gây thêm quan ngại cho cộng đồng quốc tế giữa lúc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và tàu hải cảnh hộ tống của nước này vẫn đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan ở Thái Lan cuối tuần qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phó thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa, trong đó có việc tiếp diễn các hoạt động quân sự hóa và các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Sau khi kết thúc đợt hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam mạnh với báo chí: “Biển Đông vốn luôn là nội dung được trao đổi tại các hội nghị ASEAN. Lần này, do tình hình diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các nước”. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm phát biểu của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại hội nghị về vấn đề Biển Đông rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị, nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước.

Hành vi gây bất ổn

Cũng trong hôm qua, tờ The Hill dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay cả nước này và Úc đều quan ngại về tình trạng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu được đưa ra sau khi ông Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dự cuộc họp 2+2 cùng Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds ở Sydney. Trong cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Esper cảnh báo về những hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Chúng tôi tin chắc rằng không có quốc gia nào có thể kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng minh và đối tác của mình để giải quyết nhu cầu an ninh cấp bách của khu vực. Chúng tôi cũng kiên định chống lại kiểu hành vi hung hăng, gây bất ổn từ Trung Quốc”, ông Esper nhấn mạnh.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel và 4 thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã lần lượt ra tuyên bố lên án hành vi của nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8. “Tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả tàu khỏi vùng biển của các nước láng giềng và chấm dứt những chiến thuật dọa nạt phi pháp”, ông Engel nhấn mạnh.

Tàu Trung Quốc bị tố quấy rối Malaysia Hôm 4.8, chuyên gia Ryan Martinson tại Đại học Hải chiến Mỹ viết trên Twitter rằng tàu khảo sát Thực Nghiệm 2 của Trung Quốc “đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, gần cụm bãi cạn Nam Luconia ở Biển Đông và có thể cản trở hoạt động khoan của giàn khoan Deepwater Nautilus trong khu vực”. Khu vực Nam Luconia nằm trong EEZ của Malaysia nhưng cũng bị liệt vào bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Kuala Lumpur chưa có phản ứng về thông tin này nhưng không quân Malaysia đang tiến hành tập trận phóng tên lửa ở bang Sabah và vùng biển xung quanh, trong đó có Biển Đông, từ ngày 23.7 - 10.8. Trước đó, quân đội Malaysia phóng tên lửa diệt hạm ở Biển Đông hôm 15.7 và nhấn mạnh sẵn sàng bảo vệ các lợi ích quốc gia tại khu vực, theo chuyên trang Janes.

Văn Khoa

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-tap-tran-phi-phap-o-hoang-sa-1111290.html