Trung Quốc tham vọng phát triển vệ tinh chống tàu ngầm

Các nhà khoa học Trung Quốc được cho là đang phát triển một loại vệ tinh sử dụng một nguồn laser cực mạnh áp dụng chống tàu ngầm. Họ hy vọng rằng nó có thể tiết lộ chính xác vị trí của một mục tiêu ở độ sâu 500 mét bên dưới bề mặt đại dương.

Đây được xem là một khoản bổ sung mới nhất cho chương trình giám sát độ sâu mở rộng của Trung Quốc, và ngoài việc phát hiện mục tiêu tàu ngầm thì vệ tinh này cũng dùng để thu thập thông tin từ các đại dương trên thế giới. Dự án Quảng Lăng nghĩa là "giám sát sóng to" đã được khởi động chính thức vào tháng 5/2018 tại Phòng thí nghiệm thí điểm quốc gia về khoa học và công nghệ đại dương ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông).

Theo trang web của phòng thí nghiệm này thì Dự án Quảng Lăng sẽ làm tăng cường sức mạnh của những hoạt động giám sát của Trung Quốc đối với các đại dương trên thế giới. Các thành phần quan trọng nhất của vệ tinh sẽ được chế tạo bởi hơn 20 viện nghiên cứu và các trường đại học trên khắp Trung Quốc.

Hình đồ họa về vũ khí vệ tinh laser chống tàu ngầm đang được nghiên cứu và phát triển ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ảnh: Yahoo News Singapore.

Ông Tống Hiểu Quyền, một nhà nghiên cứu có tham gia vào dự án, nhấn mạnh: "Nó sẽ thay đổi gần như tất cả mọi thứ".

Trong khi ánh sáng mờ dưới đại dương có tốc độ nhanh hơn 1.000 lần so với trong không khí, và mặt trời có thể chọc sâu chưa tới 200m dưới bề mặt đại dương, thì ánh sáng laser nhân tạo có thể chiếu sáng mạnh hơn mặt trời nhiều lần. Trung Quốc đã cố gắng suốt hơn nửa thế kỷ để phát triển định dạng laser săn lùng tàu ngầm bằng cách sử dụng loại công nghệ được biết tới bởi cái tên "ánh sáng đo khoảng cách" (Lidar).

Về lý thuyết thì vệ tinh này hoạt động như thế này: Khi chùm ánh sáng Laser đụng trúng một tàu ngầm, một số xung của nó sẽ dội ngược trở lại. Kế đó các thiết bị cảm biến sẽ thu thập những xung này, và đem đi phân tích trên máy tính để quyết định vị trí chính xác cùng tốc độ và hình dáng 3 chiều của mục tiêu.

Nhưng trong thực tế thì công nghệ Lidar có thể bị ảnh hưởng bởi các giới hạn sức mạnh của thiết bị cũng như mây mù, sương khói, nước đục, và cũng bị giới hạn bởi các loài động vật biển như cá và cá voi. Thêm vào đó, chùm tia laser bị làm chệch hướng và phân tán khi nó di chuyển từ vùng biển này sang vùng biển kia, tạo nên nhiều thách thức hơn để đưa ra một tính toán chính xác. Những thí nghiệm từng được tiến hành bởi Mỹ và Liên Xô cũ đã đạt tới độ sâu chưa đầy 100m, theo công bố của một nguồn tin mở.

Phạm vi này đã được mở rộng trong những năm gần đây từ nghiên cứu bởi phía Mỹ do NASA và Cơ quan các dự án nghiên cứu tiến bộ quốc phòng (DARPA) trao ngân sách. Ví dụ như một thiết bị do DARPA phát triển ra đã được gắn lên một máy bay gián điệp và đạt kết quả lạc quan là có thể thăm dò mục tiêu ở độ sâu 200m, có thể phát hiện ra những mục tiêu nhỏ như thủy lôi.

Tuy nhiên nhà khoa học Lidar đang làm việc với Viện quang học và cơ khí chính xác Thượng Hải (Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc), người không tham gia vào Dự án Quảng Lăng, tỏ ý phân vân: "500m là một điệp vụ bất khả thi. Họ (các nhà nghiên cứu của Dự án Quảng Lăng) không thể phá vỡ thế giới u minh do mẹ thiên nhiên tạo ra trừ phi họ là Tom Cruise được trang bị các loại siêu vũ khí".

Tuy vậy chính phủ Trung Quốc đã đồng ý tài trợ cho Dự án Quảng Lăng bởi vì nhóm nghiên cứu từng đưa ra một sáng kiến tiếp cận chưa được thử trước đây, theo lời một nhà khoa học có tham gia vào dự án, nhưng đề nghị được giấu tên.

Thiết bị này được thiết kế để tạo ra các chùm tia laser năng lượng cao với những màu sắc khác nhau, hoặc theo những tần số khác nhau nhằm giúp cho người nhận thu thêm nhiều thông tin hơn từ các độ sâu khác nhau. Các chùm tia laser có thể quét một khu vực biển rộng khoảng 100km hay chỉ tập trung vào một điểm rộng độ 1km.

Một khi được phát triển thì vệ tinh laser có thể được thực hiện bởi Viện Quang học và cơ khí chính xác Tây An (chi nhánh của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đặt ở tỉnh Thiểm Tây). Gần đây cơ quan này đã phát triển ra các loại vũ khí laser trọng lượng nhẹ, đặc biệt là loại vũ khí có kích cỡ bằng khẩu súng trường mà có thể bắn trúng mục tiêu ở cách đó gần 1km. Ông Trương Thanh Lữ, một nhà nghiên cứu khác có tham gia vào Dự án Quảng Lăng, cho hay rằng mục tiêu chính của thiết bị laser sẽ là Thermocline - đó là một lớp nước mỏng nơi nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Nhà nghiên cứu họ Trương phủ nhận việc dùng vệ tinh laser trong chống tàu ngầm, nhưng cho rằng Thermocline là rất quan trọng cho các thuyền trưởng tàu ngầm bởi vì nó có thể phát hiện ra âm thanh đang hiện diện và các tín hiệu siêu âm khác. Điều này có nghĩa là tàu bè có thể tránh bị phát hiện trong Thermocline, nhưng lại bị phát hiện bởi chuỗi laser. Nhà nghiên cứu Tống Hiểu Quyền nói rằng nhóm nghiên cứu đang nhắm đến việc sử dụng mọi phương pháp cảm biến có sẵn để đạt đến độ sâu tối đa nhằm phát hiện ra mục tiêu.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư khá mạnh tay vào phần cứng quân sự, bao gồm công nghệ chống tàu ngầm khi mà nước này đang có sự phát triển quyết đoán hơn trong khu vực và trên thế giới. Năm ngoái 2017, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã đạt được bước tiến đột phá trong công nghệ phát hiện từ tính bằng một thiết bị có thể theo dõi những xáo trộn nhỏ nhất trong từ trường của trái đất được gây ra bởi những vật thể kim loại như tàu ngầm.

Các nhà nghiên cứu cũng đang làm việc với các cảm biến bằng cách sử dụng công nghệ lượng tử tiên tiến để theo đuổi sự bất thường của lực hấp dẫn mà tàu ngầm đã tạo ra trong đại dương. Những thiết bị nghe cũng được được cho là đã "cấy" tại những đáy biển chiến lược, một số thiết bị trong số này có thể "nghe" được các dạng âm thanh tần số thấp ở cách đó hơn 1.000km.

Tại phòng thí nghiệm khoa học đại dương quốc gia Trung Quốc ở Thanh Đảo, các nhà nghiên cứu được cho là đang làm việc với một thiết bị siêu máy tính Exascale gọi là "Bộ não xanh" mà khi hoàn thành vào năm 2020 thì nó sẽ là máy tính mạnh nhất trên trái đất: nhanh hơn 1.000 lần so với các siêu máy tính hiện có ngày nay.

Dự án siêu máy tính này cũng thắt chặt với vệ tinh laser - dữ liệu do vệ tinh laser thu thập được cùng với các thiết bị khác trong mạng lưới giám sát đại dương toàn cầu của Trung Quốc sẽ được chuyển về siêu máy tính ở Thanh Đảo để nghiên cứu và phân tích.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/trung-quoc-tham-vong-phat-trien-ve-tinh-chong-tau-ngam-515603/