Trung Quốc thành tâm điểm chú ý sau quyết định mở cửa hoàn toàn

Dù số ca mắc mới Covid-19 trong nước ở mức cao kỷ lục, Trung Quốc vẫn đang hướng đến việc mở cửa trở lại vào tháng một tới. Dù vậy, Bắc Kinh sẽ còn nhiều việc phải làm.

 Một nhân viên y tế tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô hướng dẫn bệnh nhân tại một phòng khám di động. Ảnh: Reuters.

Một nhân viên y tế tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô hướng dẫn bệnh nhân tại một phòng khám di động. Ảnh: Reuters.

Ngày 26/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu lên tiếng công khai về tình hình dịch bệnh kể từ khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19. Trong đó, ông tuyên bố cách tiếp cận chống dịch của Trung Quốc cần “có mục tiêu hơn”.

“Công tác phòng chống dịch của nước ta đang đối mặt với tình hình và nhiệm vụ mới”, ông Tập nói, theo Tân Hoa xã.

Cũng trong ngày 26/12, South China Morning Post dẫn ba nguồn tin từ giới chức y tế Quảng Đông, Phúc Kiến và Giang Tô cho biết họ đã được Ủy ban Y tế Quốc gia yêu cầu chuẩn bị cho việc hạ cấp dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm loại A xuống loại B kể từ ngày 8/1/2023.

Vài giờ sau khi bài báo được đăng tải, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ra thông cáo xác nhận thông tin này. Đây được coi là một trong những bước cuối cùng trong quá trình chuyển đổi chiến lược chống dịch của Trung Quốc từ “Zero Covid-19” sang thích ứng với đại dịch.

Ca nhiễm gia tăng

Những quyết định trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng dịch chưa từng có. Shanghai Daily hôm 25/12 cho biết toàn bộ khoa cấp cứu và đội ngũ xe cứu thương tại Thượng Hải đang hoạt động hết công suất để đối phó với số ca bệnh tăng cao.

Tổng đài cấp cứu Thượng Hải đã nhận được 51.852 đề nghị cử xe cấp cứu chỉ trong ngày 23/12. Cũng trong ngày này, 5.101 lượt xe đã được cử đi, gấp hơn bốn lần tổng số xe cấp cứu của toàn thành phố.

Giới chức y tế Thượng Hải đã phải đề nghị người dân tiết kiệm nguồn lực y tế để phục vụ người cao tuổi và những người mắc bệnh nặng.

Li Zhu, một bác sĩ trên xe cấp cứu, cho biết công việc của họ đã tăng gấp đôi trong những ngày gần đây. Hầu hết bệnh nhân bị sốt, trong đó một số có triệu chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ Ma Jun, lãnh đạo một bệnh viện tại Thượng Hải, cho biết cơ sở của ông nhận được 97 lượt xe cấp cứu trong 24 giờ từ đêm 23/12 tới đêm 24/12, gần bằng con số kỷ lục khoảng 100 xe được ghi nhận trong đợt dịch vào đầu năm nay.

Người dân Thượng Hải đi chơi đêm Giáng sinh 24/12 dù đại dịch vẫn đang hoành hành trong thành phố. Ảnh: Reuters.

Bệnh viện của bác sĩ Ma đã phải kê thêm giường cho các bệnh nhân nặng, cũng như chỉ đạo các khoa khác tiếp nhận bệnh nhân của khoa cấp cứu.

Trong khi đó, bác sĩ Sun Jianyue, phó lãnh đạo bệnh viện trung tâm của quận Phổ Đà, Thượng Hải, cho biết nhiều nhân viên y tế trong bệnh viện đã mắc bệnh.

“Hơn 60% đội ngũ y tế của chúng tôi đã nhiễm virus. Chúng tôi đã làm hết sức có thể để đảm bảo các phòng khám sốt, khoa truyền nhiễm và khoa cấp cứu hoạt động bình thường”, bác sĩ Sun nói.

Số ca bệnh gia tăng không phải là vấn đề của riêng Thượng Hải. Chính quyền tỉnh Chiết Giang hôm 25/12 cho biết họ đang phải đối phó với khoảng một triệu ca bệnh, và con số này có thể tăng gấp đôi trong những ngày tới, Reuters đưa tin.

Giới chức thành phố Thanh Đảo, Sơn Đông ước tính hơn 500.000 cư dân thành phố mắc virus mỗi ngày. Trong khi đó, tại tỉnh Giang Tây, giới chức y tế ước tính số ca bệnh sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 1/2023. Khoảng 80% dân số của tỉnh có thể nhiễm virus, cơ quan chức năng cảnh báo.

Mục tiêu tiêm chủng

Một thách thức khác mà Trung Quốc đang phải đối mặt là tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine, đặc biệt với người cao tuổi. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng khi nhiều người vẫn chần chừ khi đưa ra quyết định đi tiêm.

Ông Li Liansheng, 64 tuổi, cư dân Bắc Kinh, đã tiêm vaccine trước khi mắc Covid-19. Dù vậy, nhiều người bạn của ông quyết định chưa tiêm. Nguyên nhân được họ đưa ra là lo ngại về nguy cơ bị sốt, xuất hiện cục máu đông và các biến chứng khác.

“Khi mọi người nghe về các sự cố này, họ có thể không sẵn sàng tiêm vaccine”, ông Li nói với AP, cho biết một người bạn của ông ghi nhận các hiện tượng trên sau khi tiêm, dù không chắc vaccine có phải nguyên nhân hay không.

Dù vậy, ông Li vẫn tin rằng tiêm chủng là điều nên làm. Vài ngày sau khi phát hiện bản thân mắc bệnh, ông Li bị ho, đau họng và sốt nhẹ, nhưng nhìn chung cảm thấy như mắc “bệnh cảm thông thường”. Ông đang tính đến việc tiêm mũi hai.

“Khi chúng ta đã biết rằng vaccine không gây ra biến chứng lớn, chúng ta nên tiêm chủng”, ông nói.

Một điểm tiêm chủng vaccine tại thành phố Thạch Gia Trang, Hà Bắc, hôm 12/12. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ giống ông Li. Một số người dẫn lý do bị tiểu đường, bệnh tim hay các vấn đề về sức khỏe khác, bất chấp khuyến cáo của giới chuyên gia y tế rằng nguy cơ đến từ Covid-19 còn cao hơn.

Một người đàn ông 76 tuổi họ Fu dạo bộ tại Thiên Đàn, Bắc Kinh nói với AP rằng ông muốn tiêm vaccine nhưng bị tiểu đường và cao huyết áp. Do đó, ông lựa chọn cách đeo khẩu trang và tránh đám đông.

Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, dù hơn 90% dân số nước này đã tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm chủng trong số những người trên 80 tuổi chỉ là khoảng hai phần ba.

Các khu dân cư tại Trung Quốc đã nhận được chỉ thị phải theo dõi sức khỏe của những người trên 65 tuổi. Họ cũng được yêu cầu làm “công tác tư tưởng” để thuyết phục người cao tuổi đi tiêm. Một khu phố tại Bắc Kinh đã hứa tặng mỗi người chịu tiêm đủ ba mũi 500 nhân dân tệ (khoảng 70 USD).

Hôm 23/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo số người đi tiêm vaccine mỗi ngày tại nước này đã tăng lên 3,5 triệu người. Dù vậy, con số này vẫn còn khá nhỏ so với mức khoảng chục triệu liều vaccine mỗi ngày đầu năm 2021.

“Giờ đây, gia đình và họ hàng của những người cao tuổi cần nói rõ với họ rằng nếu họ nhiễm virus, họ hoàn toàn có thể bị mắc bệnh nặng, thậm chí tử vong”, chuyên gia y tế Jiang Shibo tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-thanh-tam-diem-chu-y-sau-quyet-dinh-mo-cua-hoan-toan-post1388483.html