Trung Quốc: Thương hiệu Charles & Keith bị làm nhái, lừa dối người tiêu dùng

Từ mẫu mã, kiểu dáng, thậm chí là thiết kế của thương hiệu Charles & Keith đều bị một nhãn hàng khác của Trung Quốc đạo nhái, người mua khi không tinh tế sẽ rất dễ bị nhầm lẫn.

Thương hiệu thời trang bán lẻ Charles & Keith chắc chắn là một trong những thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở nước sở tại mà còn mở rộng ra rất nhiều quốc gia khác nhau. Bởi từ thiết kế đến giá cả đều phù hợp với người tiêu dùng. Thương hiệu cũng được coi là "hàng hiệu giá rẻ".

Cửa hàng làm nhái thương hiệu của Charles & Keith tại Trung Quốc.

Cửa hàng làm nhái thương hiệu của Charles & Keith tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây trên các trang thông tin ở Trung Quốc đã nhắc đến một thương hiêu thời trang đến từ Quảng Châu có tên là "Cherlss & Keich". Từ tên gọi, phong cách thời trang cho đến thiết kế của nhãn hàng này khiến rất nhiều người nhìn qua sẽ thấy giống với Charles & Keith.

Giống như Charles & Keith, "Cherlss & Keich" cũng bán túi và giày có cùng kiểu dáng, kiểu chữ và thậm chí vị trí logo khiến cả hai thương hiệu trông giống nhau đến nỗi người mua hàng khó nhận ra. Một số người sau khi bị lừa mua phải hàng nhái đã lên mạng xã hội Weibo thể hiện sự thất vọng của mình, họ cho rằng thương hiệu này đã lợi dụng lòng tin và những người không biết tiếng Anh.

Thương hiệu giả "Cherlss & Keich" được mở ra đầu năm nay ở Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam và Thượng Hải, thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc có tên là Quảng Châu Yuantai Leather. Còn thương hiệu Charles & Keith ở Trung Quốc được biết đến là thương hiệu con của Calvin Kein đến từ Mỹ, được biết đến với tên gọi là 'little ck', đã có 95 cửa hàng trên thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, luật bản quyền và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc còn lỏng lẻo và khá nhiều lỗ hổng, nên rất có thể thương hiệu đạo nhái "Cherlss & Keich" sẽ không phải chịu bất kì hình phạt nào.

Nhãn hiệu Muji đến từ Nhật Bản cũng bị vấp phải trường hợp tương tự khi đầu tháng này, nhãn hàng đã thua kiện với hai cửa hàng đạo nhái thương hiệu của mình tại Trung Quốc, thậm chí phải nộp phạt 626.000 nhân dân tệ cũng chỉ vì những quy định rắc rối trong việc đăng kí tên thương hiệu ở nước này.

Ngoài ra, Apple cũng từng là nạn nhân trong câu chuyện này, bởi rất nhiều lần công ty phải kháng cáo để nỗ lực đảm bảo nhãn hiệu "Iphone" với một công ty khác ở Trung Quốc.

Bảo Linh (theo Asia One)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/trung-quoc-thuong-hieu-charles--keith-bi-lam-nhai-lua-doi-nguoi-tieu-dung-d167570.html