Trung Quốc tìm kiếm vị thế mới

Tiếng nói toàn cầu của Trung Quốc biến chuyển, khi họ dần kết nối chặt chẽ với châu Phi, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Trung Đông và xích gần Nga bất chấp sức ép từ phương Tây.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đáp xuống Lusaka, Zambia - điểm dừng chân cuối trong chuyến công du kéo dài một tuần xuyên châu Phi - vào ngày 31/3. Điều đầu tiên bà nhìn thấy có lẽ là sân bay mới có kích thước rộng gấp đôi.

AP nhận định thay vì là biểu tượng hứa hẹn cho sự phát triển địa phương, sân bay này là lời nhắc nhở cho ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của Trung Quốc tại khu vực. Đây chỉ là một trong những dự án mà Bắc Kinh mở rộng dấu ấn trên lục địa đang bùng nổ và giàu tài nguyên.

Cạnh tranh Mỹ - Trung trở thành điểm lặp đi lặp lại trong hành trình của bà Harris tới châu Phi, và không có nơi nào thể hiện điều đó rõ hơn Zambia và Tanzania. Washington đang cảnh giác và lo ngại châu Phi ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh.

Trước đó, vài ngày sau khi làm trung gian giúp nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định Bắc Kinh nên “tham gia tích cực” vào “quản trị toàn cầu”, cũng như “tạo thêm sự ổn định và năng lượng tích cực cho hòa bình thế giới”.

Thành tựu của Trung Quốc là việc thuyết phục được Tehran và Riyadh nối lại quan hệ ngoại giao sau gần 7 năm, một sự thay đổi khiến nhiều người ở Trung Đông và ở Washington bất ngờ.

Tuy nhiên, điều quan trọng không kém có thể là việc bước đột phá ngoại giao đó đã tiết lộ về những giới hạn của Washington với tư cách là cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực.

Điều đó cũng thể hiện khả năng sẵn sàng đảm nhận vai trò mang tính chính trị hơn của Trung Quốc, khi làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình và định hình cấu trúc an ninh như Mỹ từng làm.

Với những động thái gần đây, Trung Quốc được nhận định đang tìm kiếm tầm ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu, khi làm trung gian hòa giải cho Saudi Arabia - Iran, đưa ra đề xuất giải quyết xung đột Ukraine hay nỗ lực xây dựng liên kết kinh tế ngày càng tăng tại châu Phi.

Châu Phi gắn kết hơn với Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tanzania lẫn Zambia đều lâu dài và bền chặt. Vào những năm 1970, Bắc Kinh xây dựng tuyến đường sắt Tazara từ Zambia đến cảng Dar es Salaam của Tanzania. Tuyến đường cho phép họ xuất khẩu đồng, vượt qua thách thức đến từ Rhodesia khi đó và Nam Phi.

Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với 254 tỷ USD trong năm 2021, theo Viện Hòa bình Mỹ. Con số này gấp bốn lần thương mại giữa Mỹ và châu Phi.

“Hầu hết nước châu Phi không hối tiếc về mối quan hệ chặt chẽ của họ với Trung Quốc. Trung Quốc xuất hiện tại những nơi và thời điểm phương Tây không xuất hiện hoặc tỏ ra miễn cưỡng”, ông Yemi Osinbajo - Phó tổng thống Nigeria - viết trên Twitter hôm 30/3.

 Bà Harris trong chuyến thăm Tanzanian ngày 30/3. Ảnh: AP.

Bà Harris trong chuyến thăm Tanzanian ngày 30/3. Ảnh: AP.

Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Coons tỏ ra thất vọng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.

“Vị trí đối tác thương mại hoặc đầu tư số một ở hơn 20 quốc gia của chúng tôi đã chuyển sang Trung Quốc”, ông nói. “Tôi nghĩ trong thập kỷ này, đây là thách thức mà chúng ta cần giải quyết”.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã và đang thực hiện các nỗ lực, như tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi hồi tháng 12/2022, trong đó cam kết chi 55 tỷ USD cho lục địa trong những năm tới. Trong chuyến đi, bà Harris tuyên bố chi hơn một tỷ USD để châu Phi phát triển kinh tế, 100 triệu USD hỗ trợ Tây Phi an ninh và 500 triệu USD tạo điều kiện thương mại thuận lợi với Tanzania.

Tuy nhiên, châu Phi hoài nghi những cam kết của Mỹ, và cả những lời gợi ý thẳng thắn rằng họ mong đợi nhiều hơn vậy. Ví dụ, tổng thống Ghana và Tanzania nói thẳng họ kỳ vọng ông Biden sẽ đến thăm vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Tanzania là một trong những quốc gia đầu tiên ông Tập Cận Bình đến thăm sau khi trở thành chủ tịch nước vào năm 2013. Sau khi ông Tập đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan là nguyên thủ quốc gia châu Phi đầu tiên đến Bắc Kinh.

Ian Johnson - chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Mỹ - nhận định Trung Quốc vẽ ra một câu chuyện mạnh mẽ tại khu vực đang phát triển, với tư cách là quốc gia xây dựng nền kinh tế nhanh chóng và kéo phần lớn dân số thoát khỏi đói nghèo.

Các nhà lãnh đạo châu Phi nghĩ “hãy xem chúng ta có thể học được gì từ Trung Quốc”, ông nói với AP. Ông cũng cho rằng Trung Quốc nhìn châu Phi dưới góc độ khác với Mỹ.

“Mỹ có xu hướng coi châu Phi tồn tại loạt vấn đề, như chiến tranh, nạn đói. Nhưng trong mắt Trung Quốc, châu Phi có nhiều tiềm năng hơn vậy”, ông Johnson nhận định.

Thách thức uy thế của Mỹ

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo nước lớn đầu tiên thăm Nga kể từ khi cuộc xung đột Ukraine xảy ra. Ông và Tổng thống Putin đã gặp nhau 40 lần trong thập kỷ qua.

Ông Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị giảng dạy trong Chương trình Nghiên cứu Đài Loan của Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: ANU.

“Trung Quốc đã sử dụng chuyến đi tới Nga để thể hiện chính sách đối ngoại kiên định bất chấp áp lực của phương Tây”, ông Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị giảng dạy trong Chương trình Nghiên cứu Đài Loan của Đại học Quốc gia Australia, nhận định với Zing.

Theo ông, Nga là quốc gia đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đến thăm khi mới trở thành chủ tịch nước Trung Quốc cách đây 10 năm. “Nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó, đặc biệt là áp lực lớn của phương Tây, nhưng Nga vẫn là quốc gia đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đến thăm sau khi tái đắc cử”, ông nói thêm.

“Trung Quốc đang phát đi tín hiệu họ là đối tác kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ của Nga, nhưng không phải là một đồng minh quân sự công khai”, ông Wen cho biết.

Ông Tập gặp ông Putin trong ngày 20/3. Ảnh: Reuters.

Tại Trung Đông - nơi Mỹ vốn đóng vai trò trung gian đàm phán giữa các lực lượng đối địch, Trung Quốc cũng đang dần khẳng định vị thế của người chơi có ảnh hưởng tại khu vực, theo New York Times.

Hôm 29/3, trong cuộc điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, ông Tập Cận Bình cam kết hỗ trợ hơn nữa nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia.

Các chuyên gia Trung Quốc coi việc khôi phục quan hệ giữa Iran - Saudi là bước ngoặt tiềm năng.

Nếu thỏa thuận - bao gồm việc nối lại các thỏa thuận kinh tế và an ninh song phương - được thực hiện suôn sẻ, khu vực này “sẽ có những kỳ vọng cao hơn nữa đối với Trung Quốc”, Fan Hongda, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nhận định với Financial Times. Bên cạnh đó, ông cho rằng niềm tin của Trung Quốc rằng họ có thể đối mặt với những kỳ vọng này sẽ tăng lên.

“Các nước Trung Đông đang ngày càng hy vọng rằng Trung Quốc có thể vượt ra ngoài mối liên kết về kinh tế và sẽ giúp giải quyết các vấn đề an ninh”, giáo sư Fan nói thêm.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Saudi Arabia gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Mới đây nhất, Saudi Arabia còn đồng ý gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc đứng đầu với tư cách là đối tác đối thoại.

Zhang Chuchu - Phó giáo sư tại Đại học Phúc Đán - nhận định động thái này chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông, theo South China Morning Post.

“Trung Quốc duy trì quan hệ đối tác chiến lược với các bên liên quan trong khu vực để họ có thái độ tích cực với các tổ chức quốc tế và sáng kiến do nước này đưa ra”, bà nói.

Đối với phương Tây, tham vọng ngoại giao ngày càng tăng của Bắc Kinh sẽ được coi trước hết là một thách thức đối với uy thế của Mỹ ở Trung Đông.

Thỏa thuận này diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa Saudi Arabia và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gặp nhiều thử thách, khi một số quốc gia vùng Vịnh nhận định đối tác truyền thống của họ đã rút khỏi khu vực.

Phương Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-tim-kiem-vi-the-moi-post1417265.html