Trung Quốc trải thảm để các 'đại gia' công nghệ về nước niêm yết

Trung Quốc đã lên kế hoạch lôi kéo các công ty lớn nhất trở lại niêm yết ở thị trường trong nước.

Sàn chứng khoán Thâm Quyến là sàn lớn thứ hai Trung Quốc, sau sàn Thượng Hải. Ảnh: CNBC

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã chọn niêm yết tại các sàn chứng khoán nước ngoài dù đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Alibaba và Baidu, hai trong số các công ty công nghệ hàng đầu, đang giao dịch trên sàn chứng khoán New York, trong khi Tencent niêm yết ở Hồng Kông (Trung Quốc). Những thị trường này gần như tách biệt với các sàn giao dịch Đại lục. Và Bắc Kinh muốn thay đổi điều này.

“Các nhà quản lý Trung Quốc không thích một thực tế là nhiều công ty nước họ đã niêm yết ở nước ngoài”, theo Andrew Polk, đối tác sáng lập tại công ty nghiên cứu Trivium China. “Vấn đề ở đây là sự kiêu hãnh và kiểm soát”, ông lý giải.

Với nhiều công ty, thị trường chứng khoán Trung Quốc kém hấp dẫn do hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt. Hơn nữa, họ không cho phép cổ phiếu được phân thành ưu đãi và phổ thông. Tại Mỹ, cách phân loại này cho phép một số nhà đầu tư nhất định có nhiều quyền hơn những cổ đông khác.

Các chuyên gia cũng cho rằng thị trường tài chính Trung Quốc kém phát triển hơn vì thiếu các nhà đầu tư tổ chức lớn vốn chiếm ưu thế ở Mỹ và châu Âu.

Do vậy, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch nới lỏng quy định niêm yết và giao dịch.

Theo chương trình Chứng chỉ lưu ký Trung Quốc (CDR), các công ty công nghệ cao sừng sỏ của nước này sẽ được khuyến khích niêm yết cổ phiếu ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến, song song với việc duy trì niêm yết ở bất cứ nước nào.

“Sự kiêu hãnh và kiểm soát”

Các nhà phân tích cho rằng động thái này là một phần trong kế hoạch kiểm soát hơn nữa doanh nghiệp tư nhân của chính phủ Trung Quốc.

Theo họ, nếu Bắc Kinh có thể thuyết phục một số công ty Trung Quốc lớn nhất quay về niêm yết ở Đại lục, chính phủ có thể theo sát được họ và có ảnh hưởng lớn hơn trong hoạt động kinh doanh của các “ông lớn”.

Sáng kiến CDR “nhằm hướng đến các tập đoàn lớn của Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát mang tính quan liêu của Bắc Kinh”, theo Brock Silvers, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Kaiyuan Capital ở Thượng Hải.

Việc niêm yết ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty công nghệ, là vấn đề ngày càng nhạy cảm với giới chức nước này những tháng gần đây.

Lyndon Chao, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á, cho biết: “Công nghệ ngày càng trở thành vấn đề mang tính lợi ích quốc gia” trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Các quan chức Mỹ từng bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch đẩy mạnh các ngành công nghệ cao trong nước của Trung Quốc, nhất là lĩnh vực chip máy tính, trí tuệ thông minh nhân tạo và xe điện.

Thu hút những tên tuổi như Alibaba và Baidu trở về là cách Bắc Kinh “đòi lại các công ty công nghệ Trung Quốc”, ông Chao nhấn mạnh

Đưa các công ty công nghệ về nước niêm yết cũng sẽ tạo thêm cho người dân trong nước nhiều lựa chọn hấp dẫn để đầu tư. Cổ phiếu của Alibaba và Tencent đã tăng vọt trong những năm gần đây, nhưng những nhà đầu tư Trung Quốc nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm không được hưởng nhiều lợi nhuận này.

Theo Andrew Polk, chính phủ Trung Quốc muốn việc giá cổ phiếu của các hãng tăng giúp “làm lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc”.

“Niềm tin và chấp thuận”

Một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc cho biết họ có thể quan tâm đến việc niêm yết cổ phiếu ở thị trường nội địa, trong số này có Alibaba, Tencent và Xiaomi – hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu này gần đây đã nộp hồ sơ IPO tại Hồng Kông.

Theo các nhà phân tích, thị trường chứng khoán Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới với 8.800 tỷ USD giá trị vốn hóa năm 2017. Các nhà đầu tư ở Trung Quốc cũng sẵn sàng trả giá cao hơn cho cổ phiếu, dựa trên lợi nhuận của công ty, so với nhà đầu tư Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có thể sớm được hưởng lợi từ dòng vốn ngoại dồi dào. Trong năm nay, hơn 200 mã cổ phiếu Trung Quốc sẽ được bổ sung vào chỉ số Thị trường mới nổi (Emerging Markets index) của MSCI, một chỉ số tham chiếu quan trọng đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Ngoài những ưu ái về tài chính dành cho những “ông lớn” như Alibaba, vấn đề là các công ty đó có được lòng của giới chức Trung Quốc hay không.

“Các công ty sẽ giành phần thưởng xứng đáng nếu chiếm được niềm tin và sự chấp thuận của Bắc Kinh”, Silvers nói.

Chính phủ Trung Quốc từng không ngần ngại gây áp lực cho các công ty công nghệ trong nước khi họ cho rằng các công ty đi quá giới hạn cho phép.

Năm ngoái, cổ phiếu của Tencent giảm mạnh sau khi một báo thuộc kiểm soát của chính phủ tuyên bố các trò chơi trực tuyến của hãng này gây nghiện cho giới trẻ. Hiện công ty phải áp dụng quy định hạn chế thời lượng nội nhật cho người chơi games.

“Các công ty Trung Quốc có thể nhận thấy đây là một mục tiêu chính sách, vì vậy họ sẽ phải thỏa hiệp hoặc chịu hậu quả”, Polk nói.

LINH PHẠM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/trung-quoc-trai-tham-de-cac-dai-gia-cong-nghe-ve-nuoc-niem-yet-3450459.html