Trung Quốc - từ khách hàng mua vũ khí đến đối tác quân sự của Nga

Xuất phát điểm là khách hàng mua vũ khí của Nga, Bắc Kinh đã vươn lên mạnh mẽ tự sản xuất thiết bị quân sự và trở thành đối tác quân sự cao cấp với Moscow.

Trước đây, Trung Quốc là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Bắc Kinh gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Moscow trong các thiết bị quân sự tiên tiến từ những năm 1990 cho đến đầu những năm 2000. Sau đó, Trung Quốc đã sao chép các thiết kế vũ khí của Nga và sửa đổi chúng cho phù hợp với chiến lược quốc phòng của họ.

Đến năm 2005, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của Nga. Hiện tại, Trung Quốc đứng thứ 3 trong danh sách những nước mua vũ khí nhiều nhất của Nga, sau Ấn Độ và Ai Cập.

Từ người mua thành người bán

Trung Quốc không thể nhập khẩu vũ khí từ châu Âu do lệnh trừng phạt được áp dụng từ năm 1989. Việc Trung Quốc giảm mua vũ khí từ Nga không phải là do họ chuyển sang mua từ nước khác mà đó là bằng chứng cho thấy, Bắc Kinh đã tự sản xuất được vũ khí.

Đầu những năm 1990, Nga đã đồng ý bán tiêm kích đa nhiệm Su-27 và chuyển giao công nghệ để sản xuất chiến đấu cơ này tại Trung Quốc. Sau khi sản xuất được hơn 100 chiếc, Bắc Kinh đã đơn phương hủy hợp đồng và sao chép Su-27 thành J-11B.

Tiêm kích J-11B của Trung Quốc, một sản phẩm được cho là sao chép từ Su-27. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ông Anatoly Isaikin, Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã phát biểu với báo giới tại triển lãm MAKS 2009, rằng Nga đang tiến hành điều tra việc "sao chép" máy bay Su-27 của Trung Quốc.

Sau đó, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu phiên bản hiện đại hơn của Su-27 là Su-30MKK. Trong quá trình sử dụng Su-30MKK, Trung Quốc được cho là đã dựa vào thiết kế của chiến đấu cơ này để phát triển thành J-16. Bắc Kinh được cho là đã mua lại mẫu thử nghiệm T-10K của tiêm kích trên hạm Su-33 từ Ukraine để phát triển thành J-15.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định bằng cách nào đó, Trung Quốc đã mua được bản vẽ tiêm kích hạng nhẹ Lavi của Israel để phát triển thành J-10. Trung Quốc cũng hợp tác với Pakistan để phát triển tiêm kích hạng nhẹ JF-17 bán cho Pakistan và một số quốc gia khác.

Như vậy, Trung Quốc từ một nước phải nhập khẩu máy bay chiến đấu từ Nga đã vươn lên tự sản xuất được chiến đấu cơ và bắt đầu xuất khẩu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc chiếm 6% tổng doanh số xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2013-2017.

Nga có thể phải mua vũ khí từ Trung Quốc

Bắc Kinh dù đã tự sản xuất được chiến đấu cơ nhưng vẫn phụ thuộc vào Moscow trong lĩnh vực động cơ phản lực dùng cho máy bay vận tải quân sự Y-20 và máy bay ném bom H-6K. Năm 2015, Trung Quốc trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua tiêm kích đa năng Su-35, phiên bản cao cấp nhất được phát triển từ Su-27.

Thỏa thuận được đề xuất vào năm 2010 nhưng phải mất nhiều năm để giải quyết, vì Bắc Kinh muốn mua thêm động cơ của Su-35 để trang bị cho tiêm kích tàng hình J-20. Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc vẫn cần sự giúp đỡ của Nga để hiện đại hóa quân đội.

“Trung Quốc đã mua 24 tiêm kích Su-35 vì quân đội cần máy bay chiến đấu tầm xa để triển khai ở Biển Đông”, ông Zhou nói với SCMP. Bắc Kinh cũng được Moscow ưu ái trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống phòng không tầm xa S-400.

Máy bay trinh sát - chiến đấu không người lái Wing Long II của Trung Quốc trưng bày tại triển lãm Dubai 2017. Ảnh: Wikipedia.

Ông Zhou cho biết thêm S-400 và Su-35 sẽ tiết kiệm thời gian cho Trung Quốc trong việc phát triển các hệ thống vũ khí có quy mô lớn, cho phép Bắc Kinh tập trung vào những vũ khí tinh vi hơn. “Trung Quốc giờ đây có nhiều tiền hơn do đó các thỏa thuận mua bán vũ khí giúp xây dựng quan hệ cấp đối tác với Nga chứ không chỉ là người mua hàng đơn thuần”, ông Zhou nhận xét.

Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nhận xét vũ khí Nga giờ đây trở nên kém hấp dẫn đối với Trung Quốc, nhưng hai nước vẫn sẽ hợp tác phát triển công nghệ quân sự. “Quan hệ song phương Nga-Trung đã thay đổi từ các hợp đồng mua vũ khí lớn thành hợp tác trong các dự án phát triển công nghệ, gồm nhà máy điện hạt nhân nổi và máy bay cỡ lớn”, ông Song nói.

Quá trình hợp tác được củng cố sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt kê Nga và Trung Quốc là đối thủ quân sự của Mỹ vào hồi đầu năm. He Qisong, chuyên gia về vệ tinh tại Thượng Hải nói rằng quan hệ đối tác giữa hai nước đang phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Trong một số lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ máy bay không người lái, Trung Quốc thậm chí đã vượt Nga. Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, cho biết Nga có thể phải nhập khẩu công nghệ cao của Trung Quốc cho hệ thống vũ khí của họ.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc và Nga có thể hợp tác để phát triển các loại vũ khí hiện đại, nhằm chia sẽ chi phí và công nghệ. “Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành đối tác cao cấp của Nga vì họ có nhiều tiền hơn để chi cho phát triển vũ khí”, ông Wezeman nói.

Tuy vậy, phần lớn các nhà phân tích hoài nghi khả năng hợp tác Nga -Trung trong một hệ thống vũ khí nào đó, vì Bắc Kinh vẫn chưa thể xây dựng được niềm tin đối với Moscow.

Trung Quốc khôi phục vũ khí cũ với AI Trung Quốc đang biến xe tăng Type-59 cũ thành phương tiện chiến đấu không người lái được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI).

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-tu-khach-hang-mua-vu-khi-den-doi-tac-quan-su-cua-nga-post878889.html