Trung Quốc tự trấn an trước đòn liên hoàn của Mỹ

Chỉ trong vòng 2 tuần, Mỹ tung ra một loạt đòn đánh hạng nặng nhằm vào Trung Quốc.

Mỹ ra đòn cấp tập

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ rõ sự cứng rắn ngày càng gia tăng đối với Trung Quốc. Ông không chỉ tiếp nối chiến lược “xoay trục” sang châu Á mà còn mở rộng hơn với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Trump vẫn thường khẳng định “không một chính quyền nào cứng rắn với Trung Quốc hơn chính quyền hiện nay”. Điều này được nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại hôm 14/7 khi thông báo ban hành một sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại đối với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), liên quan việc Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong vài tuần trở lại đây, Mỹ đã tăng tốc ra đòn nhằm vào Trung Quốc trên tất cả các mặt trận, từ hàng hải, tư pháp, công nghệ cho tới vấn đề nhạy cảm nhân quyền. Liên quan tới vấn đề Hong Kong, ông Trump đã ký ban hành Đạo luật Tự trị Hong Kong, theo đó áp đặt các lệnh trừng phạt bắt buộc với các doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ Trung Quốc trong việc kiềm chế quyền tự trị của Hong Kong.

Giới phân tích lưu ý rằng luật này đã được Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua với sự ủng hộ của cả lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong một bối cảnh chính trị nước Mỹ phân cực thì điều này được coi là một thành tựu quan trọng.

Trước đó, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp” và “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của họ”. Điều này đồng nghĩa rằng Mỹ thẳng thừng bác bỏ mọi tuyên bố của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh các đá và các đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc đã xây dựng trong thập kỷ qua.

Những cái "đầu nóng" ở Bắc Kinh không ít lần dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Cùng lúc đó, Hải quân Mỹ tiến hành thêm các “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP), như chiến dịch hôm 14/7 gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Mặc dù FONOP đã được khởi động từ năm 2015 dưới thời chính quyền Obama, nhưng chính quyền Trump đang tiến hành thêm nhiều chiến dịch hơn nữa.

Với Ấn Độ, cả Ngoại trưởng Pompeo và các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đều ủng hộ nước này một cách công khai và bí mật, sau vụ Trung Quốc xâm nhập Đường ranh giới kiểm soát (LOC). Ông Pompeo cho biết ông và Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thường xuyên trao đổi với nhau.

Ông Pompeo nói: “Chúng tôi đã bàn về nguy cơ nổi lên từ cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc tại đó”. Ông đã nhắc đến quyết định của Ấn Độ cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc.

Trước đó, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Chris Wray cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi tham vọng thông qua hoạt động gián điệp công nghiệp, đánh cắp, tống tiền, tấn công mạng và các hoạt động gây ảnh hưởng độc hại.

Các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei hay ZTE đang bị Mỹ và đồng minh bóp nghẹt

Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows ngày 15/7 cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đang đánh giá nguy cơ về an ninh quốc gia của các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTok và WeChat, và dự kiến sẽ có hành động để giải quyết vấn đề "trong vài tuần". Ngoại trưởng Pompeo cùng ngày thông báo Mỹ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với một số nhân viên làm việc cho các công ty công nghệ của Trung Quốc giống như công ty Huawei.

Sang ngày 16/7, Chính phủ Mỹ tuyên bố cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị và dịch vụ của bất kỳ công ty nào sử dụng sản phẩm của 5 công ty công nghệ của Trung Quốc, gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Dahua Technology. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì quan điểm cứng rắn đối với Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, cho rằng các công ty này gây nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Tự tin hay tự mãn

Kênh CNBC dẫn lời cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đánh giá những gì đang diễn ra có cảm giác như “ở chân đồi của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Giới phân tích cho rằng, các cú đòn của Mỹ khiến những người nói rằng Chiến tranh Lạnh mới không thể xảy ra trong một thế giới kết nối lẫn nhau phải cân nhắc lại quan điểm. Chính sách “xoay trục sang châu Á” của Mỹ được đánh giá là đã chuyển thành chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên thực tế.

CNBC dẫn đánh giá của giới chuyên gia nhận định, giống như cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, kết cục khó có thể được quyết định bằng các biện pháp quân sự. Cũng giống như cuộc đối đầu trước đây, cuộc chiến lần này sẽ diễn ra không phải chỉ trong nhiều ngày mà sẽ kéo dài nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện được coi là đối thủ “ngang tài, ngang sức” đáng gờm về cả quy mô và sức mạnh kinh tế cũng như năng lực công nghệ. Nền kinh tế Trung Quốc vốn chỉ chiếm chưa đến 2% GDP toàn cầu trong năm 1980, nhưng hiện chiếm khoảng 20% GDP toàn thế giới.

Mỹ và Trung Quốc lao vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Trong khi đó, Mỹ bị đánh giá thấp đi vì các liên minh bị suy yếu, chính trị trong nước bị phân cực, nợ quốc gia tăng vọt và tình hình dịch COVID-19 cũng như tăng trưởng kinh tế ngày càng tồi tệ.

Mặc dù vậy, giới phân tích phương Tây chỉ ra một điểm yếu lớn của Trung Quốc là “sự cứng nhắc”. Nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Hoa Minxin Pei được CNBC dẫn lời cho rằng trong suốt 5 thập kỷ của Chiến tranh Lạnh, “sự cứng nhắc của chế độ Xô Viết và ban lãnh đạo đã chứng tỏ là tài sản quý giá nhất đối với Mỹ”.

Ở chiều ngược lại, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không tham gia một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Mỹ. Theo tờ báo này, việc đưa toàn bộ nhân loại trở lại Chiến tranh Lạnh là một tội ác mà lịch sử sẽ không bao giờ được tha thứ. Thời báo Hoàn cầu khẳng định, Washington sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự kháng cự trong và ngoài nước nếu muốn làm như vậy.

Bắc Kinh vẫn tự tin vào sự ràng buộc của Mỹ với nền sản xuất Trung Quốc

Tờ báo Trung Quốc sử dụng một quan điểm phổ biến khi cho rằng thế giới ngày nay rất hội nhập và nó không được định hình bởi chính trị mà là kết quả của tiến bộ công nghệ và liên tục mở rộng nền kinh tế thị trường. Theo đó, trừ khi có trường hợp khẩn cấp sinh tử, không có sức mạnh nào có thể chia cắt hoàn toàn thế giới bởi chính trị hay ý thức hệ.

Thời báo Hoàn cầu còn tự trấn an khi viết: “Nếu Mỹ không còn bán chip điện tử của họ cho Trung Quốc, họ sẽ bán cho ai? Hiện tại, hơn một nửa số chip điện tử do Mỹ sản xuất được bán cho Trung Quốc. Nếu Mỹ ngừng bán nông sản cho Trung Quốc, một lượng lớn đất đai ở Mỹ sẽ bị lãng phí. Khoảng 40% doanh số của General Motors được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu công ty này rời khỏi thị trường Trung Quốc, nó sẽ không còn là một doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu”.

Thái Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-tu-tran-an-truoc-don-lien-hoan-cua-my-3414921/