Trung Quốc tuyên bố đang bắt giữ giám đốc Interpol Meng Hongwei

Bắc Kinh xác nhận giám đốc Interpol người Trung Quốc Meng Hongwei bị bắt giữ vào cuối tháng 9 vừa qua vì vi phạm luật.

23h52' ngày 7/10 Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) xác nhận đã bắt giữ giám đốc Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol Meng Hongwei, người cùng lúc giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an nước này vì nghi vấn vi phạm luật. Thông báo được đưa ra sau yêu cầu chính thức từ Interpol rằng Trung Quốc cần có câu trả lời cho sự việc.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố bất thường rằng ông Meng đang bị điều tra vì vi phạm luật nhà nước nghiêm trọng. Thông tin này xác nhận những nghi ngờ từ truyền thông quốc tế rằng vụ “mất tích” của ông Meng có thể liên quan đến nhà nước Trung Quốc.

Bắc Kinh dù vậy không cung cấp thông tin chi tiết cuộc điều tra. SCMP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc sẵn sàng làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoại giao khi bắt giữ một quan chức cấp cao của tổ chức quốc tế cho thấy vụ việc có thể có tính chất nghiêm trọng.

Ông Meng Hongwei. (Ảnh: AP)

Ông Meng Hongwei. (Ảnh: AP)

Ông Meng Hongwei là ai?

Được bầu làm Giám đốc Interpol năm 2016, ông Meng là người Trung quốc đầu tiên giữ vị trí này, và sẽ đảm nhận nhiệm kỳ đến năm 2020.

Khi nhận chức vụ tại Interpol, ông đang là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc và là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo BBC.

Ông có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự và cảnh sát ở Trung Quốc, nổi bật về chống ma túy, chống khủng bố và kiểm soát biên giới.

Sau khi ông được bổ nhiệm làm giám đốc Interpol, đã có những lo ngại rằng động thái này sẽ giúp Trung Quốc nhận được nhiều sự trợ giúp quốc tế hơn khi theo đuổi các tội phạm kinh tế hay những quan chức tham nhũng được nhắm đến trong chiến dịch chống tham nhũng. Tuy nhiên Interpol khi đó phủ nhận và nói người đứng đầu tổ chức không can thiệp vào hoạt động trực tiếp hàng ngày, mà những hoạt động này do Tổng thư ký là Juergen Stock người Đức phụ trách.

Interpol có thể ban hành thông báo đỏ - hay cảnh báo quốc tế cho một người đang bị truy nã, theo BBC. Nhưng tổ chức này không có quyền gửi sỹ quan đến các nước để bắt người hay ban hành lệnh bắt giữ. “Interpol không có nhiều quyền hành động, nhưng có ảnh hưởng đáng kể với tư cách là tổ chức cảnh sát hình sự lớn nhất thế giới.” – Nicholas Bequelin từ Amnesty International cho biết.

Bài liên quan

Chủ tịch Interpol mất tích bí ẩn: Xuất hiện tình tiết mới

Điều kỳ lạ trong vụ Giám đốc Interpol người Trung Quốc mất tích bí ẩn

Khi nhậm chức, ông Meng nói luôn sẵn sàng làm việc theo đúng tôn chỉ và mục tiêu của tổ chức cảnh sát quốc tế. Truyền thông nhà nước Trung Quốc năm 2016 cho rằng việc ông Meng được bổ nhiệm là sự xác nhận cho thấy Trung Quốc được cộng đồng quốc tế công nhận và tôn trọng.

Năm 2017, ông Meng chủ trì một cuộc họp đại hội đồng của Interpol tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với bài phát biểu khai mạc khi đó ca ngợi tổ chức quốc tế này và tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị an ninh với tất cả các nước trên thế giới.

Trước khi “mất tích”, theo trang web Interpol, ông làm việc ngoài trụ sở chính ở Lyon, Pháp và thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện phòng chống tội phạm. Hồi tháng 5, ông có bài phát biểu ở Ireland thảo luận về sự thay đổi diện mạo của tội phạm toàn cầu và sự cần thiết Interpol phải duy trì bên trên các mục đích chính trị.

Theo Irish Examiner, ông Meng sinh năm 1953 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc và tốt nghiệp bằng luật từ Đại học Bắc Kinh. Ông từng làm việc ở vị trí trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an và đứng đầu bộ phận phụ trách giao thông của bộ. Năm 2004, ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ công an và cùng năm đó trở thành người đứng đầu chi nhánh Interpol tại Trung Quốc. Ông còn từng là lãnh đạo lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Ông Meng Hongwei gặp gỡ Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại New York tháng 9/2016. (Ảnh: New China)

Những tình tiết đáng ngờ

Vợ ông Meng Hongwei trình báo với cảnh sát Lyon, Pháp về việc chồng mất tích sau khi không có tin tức gì từ ông sau ngày 25/9, theo Bộ Nội vụ Pháp. Tại Lyon, trước khi Bắc Kinh thông báo ông Meng đang bị điều tra, bà Grace Meng trả lời báo chí rằng bà lo sợ rằng tính mạng chồng mình có thể đang gặp nguy hiểm.

Trung Quốc im lặng nhiều ngày sau khi thông tin ông Meng mất tích được truyền thông quốc tế đăng tải. Tính đến chiều Chủ nhật 7/10, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ quốc gia Trung Quốc, Bộ Công an Trung Quốc vẫn không có bình luận gì về vụ việc.

Bà Grace Meng cho biết tin nhắn cuối cùng chồng gửi cho mình qua mạng xã hội là hình ảnh một con dao và có thể có hàm ý ông đang gặp nguy hiểm. Ông còn bảo vợ hãy chờ cuộc gọi của mình. Theo bà, ông Meng đang trên đường trở về Trung Quốc để làm việc, sau một chuyến thăm đến khu vực Bắc Âu. “Ông ấy rất bận rộn, nhưng chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau mỗi ngày.”

“Đây là vấn đề thuộc về cộng đồng quốc tế, tôi không chắc điều gì đã xảy ra với ông ấy” – bà nói trong một cuộc họp báo chiều 7/10.

Vụ việc của ông Meng đáng chú ý vì một số lý do, theo phân tích của Celia Hatton, biên tập viên châu Á tại BBC. Đầu tiên, có thực sự vợ ông không hề biết thông tin gì về chồng khi thông báo ông mất tích với cảnh sát Pháp? Thứ hai, không rõ ông đã làm gì để khiến Bắc Kinh sẵn sàng, công khai triệu tập quan chức hàng đầu của Interpol.

Roderic Broadhurst, giáo sư tội phạm học tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết sự biến mất của ông Meng sẽ khiến những người trong các tổ chức quốc tế làm việc với Trung Quốc “khá hoang mang”, và có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển hợp tác trợ giúp pháp lý với những nước khác.

“Điều này thật kỳ lạ” – ông Broadhurst nhận định và nói thêm rằng Trung Quốc có xu hướng loại bỏ mọi rắc rối chính trị gây ra liên quan đến một tổ chức quốc tế. “Đó là một cái giá họ có thể phải trả, nhưng tôi đoán nếu đã quyết định làm họ sẽ cho cái giá đó là xứng đáng” .

Bên cạnh đó, thông báo vào lúc nửa đêm của Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc cũng không nói rõ ông Meng bị nghi phạm luật nào như cơ quan chống tham nhũng này vẫn thường nhắc đến trong các cuộc điều tra trước đây, theo SCMP.

Ông Meng Hong-wei bắt tay Thái tử Charles tại trụ sở Interpol, Lyon, Pháp. (Ảnh: Getty)

Những giả thuyết

Theo Irish Examiner, quá trình làm việc của ông Meng khiến ông có mối liên hệ với các lãnh đạo Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh. Ông được cho là từng có quan hệ mật thiết với cựu thành viên Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang, người đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng.

Truyền thông Trung Quốc nghi ngờ Giám đốc Interpol có hành vi tham nhũng, một số tờ báo nhà nước hôm 6/10 đưa tin.

Theo nguồn tin của tờ Le Parisien, ông Meng bị nghi tiếp tay giúp một công ty giành được một hợp đồng bảo mật không gian mạng.

Những câu hỏi được đặt ra xung quanh việc ông Meng đột ngột biến mất khi các quan chức Trung Quốc từng có tiền lệ biến mất trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi chính phủ cho biết họ đang bị điều tra, theo NYT. Năm 2013, Lý Đông Sinh, một Thứ trưởng công an khác bị điều tra tham nhũng và sau đó nhận án 15 năm tù vì tội nhận hối lộ.

NYT dẫn nguồn tin từ Bộ Công an Trung Quốc tiết lộ từ tháng 4/2018 ông Meng không còn là thành viên Đảng ủy Công an trung ương Trung Quốc. Tuy nhiên truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đó không đưa ra bất cứ cáo buộc nào chống lại ông Meng và tính đến tháng 8/2018, ông vẫn tiếp tục tiếp những vị khách chính thức tại Bắc Kinh.

Video: Quan chức Trung Quốc tự tử sau bê bối vaccine giả

Sau thông tin ông Meng biến mất không rõ tung tích, báo Hong Kong SCMP dẫn nguồn tin giấu tên cho biết ông đã “bị đưa đi” khi vừa trở về Trung Quốc và đang bị điều tra. Các nhà phân tích cho rằng cách ông Meng biến mất không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng các thỏa thuận quốc tế về pháp luật mà còn thu hẹp cơ hội để các quan chức Trung Quốc được bổ nhiệm vị trí cao trong các tổ chức quốc tế.

Dù vậy, Trung Quốc hẳn đã nhận thức đầy đủ những nguy cơ này trước khi hành động, nhà bình luận Zhang Lifan tại Bắc Kinh cho biết.

Chuyên gia cũng đoán rằng vụ việc liên quan đến ông Meng có tính chất khẩn cấp, khiến Trung Quốc bất chấp nguy cơ mất mặt trên trường quốc tế. “Nếu Meng chỉ dính líu đến một trường hợp tham nhũng thông thường, cơ quan chức năng sẽ không cần hành động theo cách đó.”

Bài liên quan

Cựu Tổng thống Hàn Quốc bị kết án 15 năm tù vì tham nhũng

Vợ cựu Thủ tướng Malaysia bị cáo buộc 17 tội danh liên quan rửa tiền và trốn thuế

Bắt giam cựu Bộ trưởng Giao thông Angola với cáo buộc tham nhũng

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị tăng án tù lên 25 năm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-tuyen-bo-dang-bat-giu-giam-doc-interpol-meng-hongwei-d430838.html