Trung Quốc và Nga tăng cường tập trận chung

Hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tham gia cuộc diễn tập kéo dài 5 ngày trong một căn cứ huấn luyện chiến thuật kết hợp ở khu tự trị Ningxia Hui ở Trung Quốc từ thứ Hai (9/8), một phần của sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa quân đội hai nước.

Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bài liên quan

Mỹ lo ngại về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc

Lãnh đạo quân đội Ấn Độ, Trung Quốc gặp nhau để giải tỏa bế tắc ở biên giới

Trung Quốc đóng lò phản ứng hạt nhân

Trung Quốc cảnh báo Anh khi nhóm tấn công tàu sân bay đi vào Biển Đông

Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết bên cạnh việc tập trung vào chống khủng bố và an ninh, cuộc tập trận cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung cũng như đào tạo nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tấn công mạng và thông tin.

Cuối tháng này, khu vực Tây Bắc Tân Cương sẽ tổ chức ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại hội thể thao quân đội quốc tế do Nga dẫn đầu, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay. Quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ tham gia cùng các đối tác từ Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam trong các cuộc thi để trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.

Tháng tới, Trung Quốc dự kiến sẽ một lần nữa tham gia cùng Nga, lần này cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Các cuộc tập trận trong khuôn khổ “Sứ mệnh hòa bình 2021” của SCO sẽ diễn ra tại khu huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg, phía tây nam nước Nga.

Các cuộc tập trận mới nhất diễn ra sau giai đoạn Bắc Kinh và Moscow giảm bớt các hoạt động quân sự chung vì đại dịch, theo Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh tế Cao cấp, một trường đại học nghiên cứu ở Moscow.

Nhưng ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 ở Nga vào năm ngoái. Đó là cuộc diễn tập chiến lược thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019, ông Kashin lưu ý.

Ông nói: “Có thể mong đợi rằng, theo thông lệ, một lúc nào đó người Nga sẽ bắt đầu tham gia các cuộc tập trận tương tự trên đất Trung Quốc".

Trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, các lực lượng Trung Quốc và Nga đã thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận cùng nhau, cả song phương lẫn trên các nền tảng đa phương kể từ năm 2005. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã cử khoảng 8.200 binh sĩ tham gia "Sứ mệnh Hòa bình 2005" để tập trận cùng với khoảng 2.000 binh sĩ Nga.

Kể từ đó, hai bên đã tăng cường tương tác vững chắc bằng các cuộc diễn tập hải quân chung được tổ chức hàng năm kể từ năm 2012, Sứ mệnh Hòa bình vào năm 2007 và chống khủng bố diễn ra hai năm một lần trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm sáu thành viên.

Ông Kashin cho biết hai nước ngày càng gia tăng quan hệ nhằm đối trọng với Mỹ, cũng như chia sẻ những lo ngại về sự bất ổn của khu vực Trung Á, nơi đang chứng kiến sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc cũng là nơi Nga có tầm ảnh hưởng chính trị lâu đời.

“Họ cũng đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Mỹ về khả năng và sự sẵn sàng hoạt động cùng nhau, như một biện pháp răn đe”, ông nhận định.

Các cuộc tập trận chung có thể đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, nước không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang thực sự nào kể từ những năm 1980 trong khi Nga đã tiến hành các hoạt động quân sự ở một số khu vực, từ Gruzia đến Ukraine và Syria.

Ông Kashin cho biết: “Tập trận với người Nga rất hữu ích cho Trung Quốc vì quân đội Nga đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu trong vài thập kỷ qua gần như không nghỉ ngơi”.

Các cuộc tập trận chung thường xuyên như vậy đã trở thành “công cụ nền tảng để thể chế hóa quan hệ quốc phòng song phương mà không cần một liên minh quân sự chính thức”, ông Richard Weitz, một thành viên cấp cao của Viện Hudson cho biết.

Ông Weitz viết trong một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố vào tháng trước rằng: “Hai nước đang nâng cao trình độ hoạt động độc lập của cả hai quân đội bằng cách giúp nhau học các chiến thuật, kỹ thuật và kế hoạch tác chiến mới".

Có những dấu hiệu cho thấy các hoạt động quân sự chung giữa Trung Quốc và Nga không chỉ trở nên thường xuyên hơn mà còn phức tạp hơn và vượt xa biên giới hai nước. Năm 2015, hai bên đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Địa Trung Hải, và trong hai năm sau đó, các cuộc diễn tập hải quân chung tương tự đã được tổ chức ở Biển Đông và Biển Baltic, cả hai điểm nóng về địa chính trị.

Ông Weitz cho biết các cuộc tập trận chung dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa, chẳng hạn, bao gồm thực hành các nhiệm vụ mới với nhiều đối tác hơn ở nhiều địa điểm hơn, như Vịnh Ả Rập, Ấn Độ Dương hoặc thậm chí là châu Phi, nơi Trung Quốc đặt căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti vào năm 2017.

Hoàng Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-va-nga-tang-cuong-tap-tran-chung-post149060.html