Trung Quốc vẫn còn quân bài với Mỹ

Bắc Kinh vẫn còn cách trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc, các nhà phân tích đánh giá.

Trung Quốc có thể không thực hiện lời hứa mua nông sản Mỹ nếu Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc có thể không thực hiện lời hứa mua nông sản Mỹ nếu Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến đến Washington trong ngày 9/5 để dự phòng đàm phán thương mại thứ 11. Ông Lưu và đội của mình đang chịu áp lực lớn phải ngăn chặn Mỹ tăng thuế lên hàng Trung Quốc.

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế trừng phạt lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc từ 10% lên 25%, bắt đầu từ ngày 10/5 này.

Trong một tuyên bố vừa đưa ra, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng họ “cực kỳ lấy làm tiếc” về diễn biến mới nhất. Tuyên bố nói Bắc Kinh “sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai các biện pháp đối phó” nếu Washington tăng thuế. Nhưng tuyên bố không nêu cụ thể những biện pháp đáp trả là gì.

Thông điệp bất ngờ trên Twitter của ông Trump vào Chủ nhật vừa qua đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Trung Quốc và gây ra 1 ngày mất giá lớn nhất trong 3 năm qua.

Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh vẫn còn một lợi thế. Họ có thể dùng thiệt hại trên thị trường khổng lồ của mình để tác động đến Phố Wall và các khu vực nông thôn có đa số cử tri ủng hộ ông Trump.

Ông Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng trả đũa lại bằng chính sách thuế có thể không phải lựa chọn tốt với Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc sắp hết mặt hàng Mỹ có thể tăng thuế, và điều này có thể làm tổn thương những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kích thích nhu cầu nội địa.

Nhưng Trung Quốc vẫn còn những lựa chọn khác, ông Wang nói.

“Tăng thuế sẽ chỉ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng Trung Quốc. Thay vào đó, Trung Quốc có thể hạn chế mua hàng Mỹ và dừng mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ”, ông Wang nói.

Những ngành của Mỹ sẽ bị tổn thương nhiều nhất nếu Trung Quốc thực hiện cách này sẽ là nông nghiệp, tài chính, năng lượng và chế tạo.

Các nhà sản xuất đậu nành Mỹ đã cảm thấy tác động từ chính sách tăng thuế.

Khi chiến tranh thương mại nổ ra, Trung Quốc áp mức thuế 25% lên các hàng nông sản Mỹ nhằm làm suy yếu các khu vực cử tri ủng hộ ông Trump.

Số liệu của hải quan Trung Quốc công bố hôm 8/5 cho thấy trong tháng 4 vừa qua, Trung Quốc tăng 10,7% đậu nành nhập khẩu lên 7,64 triệu tấn, nhưng chủ yếu từ Brazil. Còn một số chuyến hàng từ Mỹ bị hoãn lại.

Trung Quốc đã mua 14 triệu tấn đậu nành Mỹ sau khi hai nước đạt được thỏa thuận đình chiến vào tháng 12 năm ngoái, nhưng 6 tấn dự kiến mua sẽ có nguy cơ bị hủy.

Một tuyên bố do Hiệp hội đậu nành Mỹ đưa ra hôm 7/5 nói rằng thông báo của ông Trump về việc sẽ tăng thuế lên hàng Trung Quốc là “điều tồi tệ nhất” đối với những người trồng đậu nành Mỹ. Hiệp hội kêu gọi chính quyền Trump ngừng tăng thêm thuế và hoàn tất đàm phán thương mại với Trung Quốc.

“Sau quá nhiều lời đe dọa và hạn chót bị bỏ lỡ cho đàm phán, những bất định tiếp diễn là điều không thể chấp nhận đối với các nông dân Mỹ”, ông Davie Stephens nói trong tuyên bố.

“Với giá cả bị hạ thấp và lượng hàng tồn kho dự kiến tăng gấp đôi trước khi mùa thu hoạch năm 2019 bắt đầu vào tháng 9, chúng tôi cần thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cho đậu nành Mỹ trong vài tuần tới, chứ không phải vài tháng hoặc lâu hơn”, ông Stephens nói.

Một rủi ro khác với Mỹ là lời hứa của Trung Quốc về việc sẽ có bước đi tiếp theo nhằm mở cửa thị trường tài chính trị giá 44 nghìn tỷ USD của nước này, bằng cách bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu trong các ngân hàng địa phương, bỏ quy định về quy mô đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại nước này, và cho phép các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài mở chi nhánh ở Trung Quốc.

Một chuyên gia thương mại đang cố vấn cho chính phủ Trung Quốc nói rằng trả đũa sẽ là điều “không thể tránh được” nếu ông Trump tiếp tục kế hoạch tăng thuế. Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu các linh kiện chủ chốt, các loại vật liệu trung gian và thiết bị cho các nhà chế tạo Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

“Chiến tranh thương mại sẽ leo thang, và Trung Quốc có rất nhiều quân bài. Mỹ phụ thuộc vào các phụ tùng chế tạo ở Trung Quốc và họ sẽ không thể tìm được nguồn thay thế. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ hứng chịu”, chuyên gia nói.

Cả hai nguồn tin đều nói rằng Trung Quốc đang dựa vào khả năng phục hồi của nền kinh tế để đối phó với các cú đánh thương mại từ Mỹ.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4 nhưng nhập khẩu tăng 4%, lần đầu tiên trong 5 tháng qua, cho thấy nhu cầu nội địa đang hồi phục.

Tuy nhiên, ông Brock Silvers, giám đốc điều hành hãng chứng khoán Kaiyuan Capital, cho rằng Bắc Kinh có thể đang lạc quan quá mức về quyền mặc cả của mình.

“Nền kinh tế Trung Quốc đã được ổn định nhờ các biện pháp kích thích, nhưng sự tự tin mới có thể không kéo dài. Nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Cách tăng tín dụng ồ ạt có thể chỉ là giải pháp tạm thời, và nhiều nhà phân tích đã nói về khả năng kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay”, ông Silvers nói. “Trò câu giờ sẽ rủi ro với Trung Quốc hơn Mỹ, vì nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh”, ông nhận định.

Bình Giang
theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-quoc-van-con-quan-bai-voi-my-1413188.tpo