Trung Quốc vỡ mộng liên kết đồng minh chống Mỹ

Trong khi không có quốc gia châu Âu nào đứng ra ủng hộ Trung Quốc và chỉ trích chính sách 'Nước Mỹ trước tiên', lại có thông tin nói rằng EU, Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc WTO.

Trụ sở tổ chức WTO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, theo báo Kinh tế, Trung Quốc tích cực tranh thủ bắt tay với các nước thuộc EU để bảo vệ tự do thương mại. Trong chuyến thăm Đức mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, phía Trung Quốc đã ký với phía Đức nhiều hiệp định hợp tác thương mại lớn với tổng trị giá lên tới 30 tỷ USD.

Việc này được nhìn nhận là nhằm củng cố quan hệ giữa Trung Quốc và EU, ứng phó với chiến lược “Nước Mỹ trước tiên” của Donald Trump. Nhưng cái mà Trung Quốc nhận được có thể khiến nước này thất vọng.

Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) ngày 16/7 dẫn thông tin đăng tải trên tờ Süddeutsche Zeitung (nhật báo có lượng phát hành lớn nhất nước Đức) cho biết Trung Quốc mong muốn bắt tay với EU chống Mỹ.

Tại Đức, cũng có chính trị gia như Jo Leinen thuộc đảng Xã hội dân chủ Đức, đồng thời là thành viên Nghị viện châu Âu kêu gọi EU và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận có trách nhiệm, trở thành nhân tố chung bảo đảm ổn định cho trật tự thế giới mới, bao gồm việc tẩy chay ông Donald Trump.

Tuy nhiên, báo trên cho rằng dù chính sách thuế của Donald Trump ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp Đức đang sản xuất và kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng nước Đức trước sau đều không có ý muốn bắt tay với Trung Quốc chống lại Mỹ.

Đồng thời, các nước châu Âu ngoài EU cũng có thái độ hoài nghi với Trung Quốc. Đại sứ Thụy Sỹ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Didier Chambovey mới đây đã hối thúc Trung Quốc gánh vác trách nhiệm mới tương xứng với địa vị mới của một nước lớn thương mại.

Về phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc Hội liên hiệp công nghiệp Đức Joachim Lang chỉ rõ xung đột Mỹ-Trung ngày một nghiêm trọng khiến mọi người cảm thấy bất an, đồng thời kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tìm cách làm lắng dịu xung đột và trở lại với cách làm lý trí.

Joachim Lang cho rằng Trung Quốc cần phải hoàn thành toàn diện các cam kết của mình đối với WTO, tăng cường phát triển kinh tế thị trường và nền pháp trị. Đây dường như cũng là yêu cầu chung của phương Tây đối với Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 của WTO tại Geneva (Thụy Sỹ) vào tuần trước, Đại sứ Mỹ tại WTO Dannis Shea cực lực chỉ trích việc Trung Quốc can dự vào nền kinh tế. Dannis Shea cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tư cách thành viên WTO để kiếm lợi và hành vi không chính đáng này nếu không bị ngăn chặn sẽ phá hủy WTO, do đó, WTO cần phải xem xét lại tư cách thành viên của Trung Quốc.

Theo báo Kinh tế, phản ứng nêu trên của các nước châu Âu có thể chính là lo ngại của phía Trung Quốc. Gặp gỡ quan chức Áo mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không muốn bị “bắn sau lưng”.

Phát biểu của Vương Nghị được nhìn nhận như việc Trung Quốc ám chỉ nước này không muốn bị châu Âu “đá bồi” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trên thực tế, từ đầu năm tới nay, Trung Quốc liên tục tìm cách tranh thủ châu Âu.

Khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự Diễn đàn Davos tại Thụy Sỹ vào tháng 1, EU đã nắm rõ ý đồ của Bắc Kinh. Tiếp đó, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5, Thủ tướng Đức Angela Merkel càng rõ thêm kỳ vọng của Trung Quốc vào EU.

Tuy nhiên, việc EU tới nay không chịu lên tiếng ủng hộ Trung Quốc (trong cuộc chiến thương mại với Mỹ) cho thấy ý đồ liên kết với EU chống lại Mỹ của Trung Quốc khó có thể đạt được cái kết lạc quan. Kỳ thực đây là việc có thể dự liệu bởi EU lệ thuộc rất lớn vào Mỹ về mặt quân sự, nhất là đối với trang thiết bị vũ khí tiên tiến.

Bên cạnh đó, Mỹ và EU có nhiều điểm tương đồng về lợi ích mà quan hệ giữa Trung Quốc và EU không thể nào sánh được. Trong cục diện đó, việc Trung Quốc kỳ vọng EU thay đổi, quay sang hợp tác với mình chống lại Mỹ là không thực tế.

“Mộng kết đồng minh chống Mỹ” của Trung Quốc càng trở nên bi quan khi gần đây có tin EU cùng một số nước khác như Nhật Bản chuẩn bị bắt tay với Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược các nguyên tắc của kinh tế thị trường, không nỗ lực trên phương diện bảo vệ bản quyền tri thức và sẽ kiện lên WTO./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trung-quoc-vo-mong-lien-ket-dong-minh-chong-my/92319.html