Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, quốc gia hạ nguồn Mê Kông bị đe dọa

Sự xuất hiện của ngày càng nhiều con đập do Trung Quốc xây dựng dọc sông Mê Kông đang dấy lên những lo ngại về an ninh lương thực của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Biến đổi khí hậu cùng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều những con đập do Trung Quốc xây dựng khiến sống Mê Kông – một trong những con sông hùng vĩ nhất thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Lượng nước tại sông Mê Kông giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn, trong đó phải kể đến an ninh lương thực.

Các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông làm tăng nguy cơ hạn hán.

Ông Brian Eyler, thành viên cao cấp và giám đốc của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, cho biết: “Các chỉ số khí hậu cho thấy có một đợt hạn hán nghiêm trọng đang phát triển ở sông Mê Kông”. Hiện tượng thời tiết El Nino ngày càng khó lường hơn, khiến lượng mưa giảm mạnh, kéo theo mực nước trên sông Mê Kông cũng thấp hơn đáng kể.

Tình hình hạn hán tại sông Mê Kông còn trầm trọng hơn do cách Trung Quốc sử dụng 11 con đập của họ trên thượng nguồn. Chỉ riêng hai con đập Xiaowan và Nuozhadu đã chiếm hơn một nửa dung lượng trữ nước trong lưu vực sông Mê Kông, theo thống kê của trung tâm Stimson.

Dựa trên mô hình dòng chảy tự nhiên của Eyes on Earth dự đoán tại Chiang Saen (Thái Lan), lượng nước bị thiếu hụt khoảng 26% do việc tích trữ nước ở các đập thượng nguồn Trung Quốc.

Khu vực sông Mê Kông chảy qua Thái Lan.

Ông Pianporn Deetes, Giám đốc của Rivers International, cho biết các con đập ở thượng nguồn đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp – những nguồn thu nhập chính của nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia. “Khi dòng sông bị biến thành nguồn cung cấp cho thủy điện, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người”, ông nói.

Theo dự đoán của Ủy hội sông Mê Kông, việc các con đập ngăn chặn sự di cư của cá và làm thay đổi dòng chảy có thể khiến nghề đánh bắt cá trên sông Mê Kông thiệt hại gần 23 tỷ USD vào năm 2040. Trong khi đó, việc mất rừng, đất ngập nước và rừng ngập mặn cũng gây ra thiệt hại lên tới 145 tỷ USD.

Khu vực rừng ngập mặn tại Campuchia bị hủy hoại.

Cuộc sống của các cộng đồng dân cư gần các con đập cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các làng chài dọc biên giới Thái – Lào đang dần trở thành những thị trấn ma. “Những cộng đồng này có rất ít lựa chọn thích nghi với cuộc sống mới. Những người dân lớn tuổi không còn đủ sức lao động trong khi những người trẻ chọn di cư để đi tìm kế sinh nhai khác”, ông Brian Eyler cho hay.

Làng Veun Sien, tỉnh Stung Treng của Campuchia đang dần trở nên tĩnh lặng hơn khi ngày càng có nhiều người dân rời làng đi làm việc trong khách sạn, tiệm cắt tóc, giúp việc gia đình tại các khu vực khác.

Trưởng làng Si Chandorn chia sẻ với tờ SCMP rằng tình trạng di cư của dân làng bắt đầu tăng mạnh vào năm 2017, một phần do số lượng cá tại khu vực giảm đáng kể. “Trong nhiều thế hệ, khu vực Veun Sien có rất nhiều cá nhờ hệ sinh thái rừng ngập nước. Tuy nhiên, những con đập lớn trên thượng nguồn sông Mê Kông đã khiến 50% số cây của rừng ngập nước chết và hủy hoại môi trường sống của nhiều loại cá”.

Ngôi làng Si Chandorn ảm đạm khi nhiều người dân chọn rời xa quê hương.

Chưa kể, sự lụi tàn của rừng ngập mặn tại Veun Sien cũng đã đẩy nhanh quá trình xói mòn cát, khiến dân làng mất dần đất canh tác, tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Giáo sư địa lý Ian Baird thuộc Đại học Wisconsin-Madison nhận định, cái chết của rừng ngập mặn tại Veun Sien được gây ra bởi “hàng nghìn vết cắt” nhưng những con đập ở thượng nguồn sông Mê Kông đã làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Không chỉ vậy, sự xuất hiện của các con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn cũng ngăn cản dòng chảy phù sa của sông Mê Kông. Ủy ban sông Mê Kông (MRC) từng cho biết “đoạn sông Mê Kông chạy dọc biên giới Thái Lan – Lào đã chuyển sang màu xanh thay vì màu nâu bùn thường thấy. Đây là dấu hiệu cho thấy mực nước ở sông Mê Kông đã xuống thấp và có rất ít phù sa”.

Một nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông dự đoán lượng phù sa chảy xuống hạ lưu sống sẽ giảm 97% do các dự án đập ở thượng nguồn, cản trở sự phát triển của nông nghiệp ở nhiều quốc gia.

Hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sản lượng lúa gạo của các quốc gia ở hạ nguồn sông Mê Kông theo đó có thể bị ảnh hưởng không nhỏ. Tình hình này lại càng làm tăng thêm những nỗi lo về bất ổn an ninh lương thực khi thị trường gạo toàn cầu đang có nhiều biến động trong thời gian qua.

Ông Brian Eyler chia sẻ: “Nước là nền tảng không thể thiếu của an ninh lương thực tại các quốc gia ở hạ nguồn sông Mê Kông. Nếu khủng hoảng an ninh lương thực xảy ra, ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Nhật Huy

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-xay-dap-tren-thuong-nguon-quoc-gia-ha-nguon-nguon-me-kong-bi-de-doa-20180504224287529.htm