Trung Quốc xoay sở giải mã ẩn số Trump

Trước các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện nay, Trung Quốc một mặt tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước các đe dọa áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng mặt khác nước này lo lắng tìm cách giải mã ý đồ đằng sau những lời đe dọa này cũng như cách phản ứng với chính sách thương mại đối đầu của Trump, theo New York Times.

Các container tập kết tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải. Ảnh: AP

Trong khuôn khổ Hội nghị Internet thế giới lần thứ 4 diễn ra ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, ông Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gặp gỡ các lãnh đạo các công ty công nghệ Mỹ để xin các ý kiến tư vấn. Ông hỏi họ rằng Tổng thống Trump liệu có thực sự muốn tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và liệu họ có thể làm kênh liên lạc với Nhà Trắng.

Không chỉ ông Vương Hộ Ninh, trong những tháng vừa qua, một số quan chức cấp cao ở Trung Quốc bao gồm những người thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình và có những mối quan hệ lâu đời cũng như vốn kinh nghiệm sâu sắc với Mỹ đã tìm cách hiểu hơn về Trump và cách phản ứng trước chính sách thương mại gây hấn của ông.

Trong những tuần gần đây, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã tiếp xúc hàng loạt các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các cựu quan chức nội các Mỹ để hỏi họ về các lời đe dọa thương mại của Trump. Phó Thủ tướng Trung Quốc kiêm Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính trung ương Lưu Hạc cũng có động thái tương tự. Một học giả nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ cho biết có năm quan chức Trung Quốc đã gặp ông trong những tuần gần đây để xin các lời khuyên.

Trong các cuộc gặp này, những người Mỹ cảnh báo rằng cần phải xem xét các phàn nàn của Trump một cách nghiêm túc vì Washington đang bực bội trước các chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là chương trình 300 tỉ đô la Mỹ nhằm đưa Trung Quốc thống lĩnh các ngành công nghệ cao hay còn biết với tên gọi “Made in China 2025”, khiến bộ máy an ninh quốc gia Mỹ lo lắng.

Vẫn không biết liệu thông điệp từ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các cựu quan chức Mỹ có được truyền đạt lại cho ông Tập Cận Bình hay không hoặc liệu ông có phớt lờ thông điệp đó hay không vì cho rằng Trump có thể giả vờ làm ầm ĩ lên và rằng Mỹ sẽ thoái lui như những lần trước đây.

Bối rối trước các đe dọa thương mại của Trump

Chủ tịch Tập đã đề bạt một nhóm cố vấn, những người thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp nhờ khả năng đánh giá và xử lý các chính sách của Mỹ, với số lượng đông hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông. Song họ dường như bất ngờ và bối rối trước các đe dọa thương mại dồn dập của Trump, chẳng hạn động thái đe dọa áp thuế nhập khẩu thêm cho 100 tỉ đô gia Mỹ giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ sau khi đã công bố kế hoạch áp thuế đối với 50 tỉ đô la Mỹ giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc.

Những cố vấn này của ông Tập bao gồm ông Vương Hộ Ninh, người đã viết một cuốn sách về các chuyến thăm của ông tới Mỹ khi ông còn là một học giả trẻ; ông Vương Kỳ Sơn, cấp phó quyền lực nhất của ông Tập, người đã xây dựng được nhiều mối quan hệ với giới tài chính Mỹ trong các thập kỷ qua và ông Lưu Hạc, người có bằng thạc sĩ ngành quản lý hành chính công ở Đại học Harvard.

Ông Tập cũng đã đề bạt ông Dương Khiết Trì, cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, vào Bộ Chính trị Trung Quốc
Mặc dù với dàn cố vấn có bề dày kinh nghiệm về nước Mỹ, bộ máy lãnh đạo Trung Quốc dường như đang lúng túng và phải tìm người để tham vấn trong bối cảnh chính trị Mỹ đang xáo trộn mạnh kể từ lúc Trump lên cầm quyền.

Trong hơn hai thập kỷ, Bắc Kinh đã nghiên cứu kỹ càng từng tổng thống Mỹ có chương trình nghị sự thương mại gây hấn với Trung Quốc, song Trump khác hoàn toàn với những tổng thống Mỹ tiền nhiệm.

“Các chuyên gia Trung Quốc không hiểu hiện trạng của nước Mỹ. Họ không hiểu Trump và không hiểu đội ngũ của ông ấy cũng như không hiểu nguồn gốc các chính sách của ông ấy”, Jie Zhao, giáo sự ở Học viện cán bộ Phố Đông Trung ương ở Thượng Hải, nói.

Một phần của vấn đề là các đầu mối liên lạc thường xuyên của bộ máy lãnh đạo Trung Quốc tại Mỹ, thường là những nhân vật quyền lực có bề dày về tài chính quốc tế và ngoại giao, phần lớn đã bị Trump gạt ra rìa.
“Những người mà các quan chức Trung Quốc quen biết ở Washington chủ yếu là kẻ thù của Trump”, Shi Yinhong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói.

Bắc Kinh cũng bối rối khi các đồng minh tiềm năng của họ tại Mỹ bị thất sủng, bao gồm Gary D. Cohn, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ kiêm cố vấn trưởng kinh tế của Trump, người phản đối các kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhưng đã từ chức vào tháng trước.

Nội bộ Trung Quốc bất đồng về cách phản ứng

Để tìm các câu trả lời về chính sách thương mại của Trump, trong những tuần gần đây, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã gặp gỡ ba cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, Henry M. Paulson Jr. và Lawrence H. Summers, cũng như cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert B. Zoellick và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William S. Cohen.

Ngoài ra, trong cùng thời gian, nhiều lãnh đạo Trung Quốc đã có các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bao gồm Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, Jamie Dimon, Chủ tịch Ngân hàng JPMorgan Chase, Chuck Robbins, Giám đốc điều hành hãng công nghệ Cisco Systems, Stephen A. Schwarzman, Chủ tịch tập đoàn Blackstone và David M. Solomon, đồng Chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs.

David M. Lampton, Giáo sư ở Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins, người gặp năm quan chức Trung Quốc trong thời gian gần đây, nói: “Họ hỏi: Chúng tôi có thể nói chuyện với ai? Họ không nhìn thấy một bộ khung ổn định trong chính quyền của Trump”.

Có một vài dấu hiệu chưa rõ ràng cho thấy có bất đồng ở Bắc Kinh về cách phản ứng trước các đe dọa thương mại của Trump. Một số quan chức cấp cao Trung Quốc lo ngại tác động tiêu cực của một cuộc chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc và hối thúc đàm phán nhưng một số quan chức khác cho rằng cuộc gây hấn thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc, do đó, Bắc Kinh cần phải đáp trả với mức độ tương ứng.

“Về vấn đề chiến tranh thương mại, tâm lý hiếu chiến đang khá mạnh mẽ ở Trung Quốc”, Chen Jieren, nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh, cho biết.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271706/trung-quoc-xoay-so-giai-ma-an-so-trump.html