Trung Quốc xoay sở 'tháo bom' các ngân hàng yếu kém

Trong một nỗ lực ngăn chặn rủi ro lan rộng trong hệ thống tài chính, chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi các chính quyền địa phương 'tháo bom' ở các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực 'có vấn đề'.

Ngân hàng Baoshang bị chính phủ Trung Quốc tiếp quản hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Mới đây, tờ Thông tin Kinh tế thuộc Tân Hoa xã cho biết chính phủ Trung Quốc đang soạn thảo một quy trình “tháo bom” ở các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực có vấn đề sau khi ba cuộc vụ giải cứu ngân hàng làm chấn động hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bốn tháng qua.

Theo quy trình này, nếu một ngân hàng khu vực gặp khó khăn, chẳng hạn thiếu thanh khoản hoặc phá sản về mặt kỹ thuật thì chính quyền địa phương nơi ngân hàng này đặt trụ sở và các cơ quan quản lý tài chính trung ương phải làm việc với ngân hàng này để tìm phương án giải cứu. Cụ thể, chính quyền địa phương phải đảm nhận trách nhiệm chính trong nỗ lực tái cơ cấu một ngân hàng gặp vấn đề và cung cấp cho ngân hàng này sự hỗ trợ về thuế và tài chính.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang nghiên cứu ban bố các hướng dẫn về quy trình này. PBoC muốn chọn giải pháp sáp nhập hoặc tái cấu trúc các ngân hàng có vấn đề hơn là để chúng phá sản. PBoC sẽ sử dụng nhiều chính sách khác nhau để tháo bom” trong từng trường hợp cụ thể, tờ Thông tin Kinh tế cho biết.

Trong một số trường hợp, các ngân hàng nhỏ và khu vực của Trung Quốc đóng vai trò như là công cụ huy động tài chính của các chính quyền địa phương, do vậy, những ngân hàng này đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ hiện nay sau khi cho vay quá mức đối với các dự án được các quan chức địa phương ưu ái.

Một số ngân hàng như vậy đang thực sự trở thành “những quả bom nổ chậm” trong hệ thống tài chính Trung Quốc.
Hồi tháng 5, chính phủ Trung Quốc buộc phải tiếp quản Ngân hàng Baoshang ở khu tự trị Nội Mông vì các rủi ro tín dụng của ngân hàng này quá lớn. Đây là vụ tiếp quản ngân hàng lần đầu tiên trong 18 năm qua ở Trung Quốc. Vài tuần sau đó, Ngân hàng Jinzhou ở tỉnh Liêu Ninh cũng được Ngân hàng Công Thương Trung Quốc giải cứu.

Hôm 30-8, Ngân hàng Jinzhou cho biết thua lỗ 4,59 tỉ nhân dân tệ (640 triệu đô la) trong năm 2018 do nợ xấu tăng và các thay đổi chuẩn mực kế toán nghiêm ngặt hơn.

Hồi đầu tháng 8, Ngân hàng Hengfeng ở tỉnh Sơn Đông được Công ty Đầu tư Ngoại hối trung ương (CHI), một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đầu tư nhà nước Trung Quốc, ra tay giải cứu. CHI sẽ đầu tư vào Ngân hàng Hengfeng để nắm giữ 20% cổ phần của ngân hàng này. Bên cạnh đó, một công ty của chính quyền tỉnh Sơn Đông cũng sẽ rót khoản đầu tư 30 tỉ nhân dân tệ (4,3 tỉ đô la) vào Hengfeng.

Các vấn đề của Ngân hàng Hengfeng đã được biết đến từ lâu. Hai cựu lãnh đạo của ngân hàng này đang bị điều tra về tội tham ô. Hengfeng cũng không công bố báo cáo tài chính trong hai năm gần nhất.

Như vậy, Hengfeng trở thành ngân hàng thương mại thứ ba nhận được sự giải cứu của nhà nước trong vòng 4 tháng qua.

Ngân hàng Jinzhou cho biết thua lỗ 4,59 tỉ nhân dân tệ (640 triệu đô la) trong năm 2018 do nợ xấu tăng. Ảnh: IC

Iris Pang, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng ở Ngân hàng ING (Hà Lan), cho biết ở các nước khác, sẽ rất bình thường nếu một ngân hàng bán nợ cho các ngân hàng khác để giảm các yêu cầu về vốn hoặc để thu hút thêm đầu tư nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn vốn tối thiểu.

“Rủi ro của các ngân hàng nhỏ Trung Quốc không phải là vấn đề gây ngạc nhiên. Vì nhà chức trách Trung Quốc đã dự báo được các rủi ro này và chuẩn bị nhiều công cụ quản lý để ứng phó nên sẽ không xảy ra hiệu ứng domino. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giải quyết từng vụ việc riêng lẻ để nhanh chóng ngăn chặn hiệu ứng lan tràn sang các tổ chức tài chính khác”, Iris Pang nói.

Các khó khăn của 3 ngân hàng Baoshang, Jinzhou, Hengfen, vốn được đây được xem là các ngân hàng vận hành tốt, làm dấy lên các câu hỏi về việc có bao nhiêu trong số 1.427 ngân hàng thương mại ở vùng nông thôn, 134 ngân hàng thương mại cấp thành phố vá 1.616 tổ chức tín dụng cấp làng xã đang ở trong hình huống khó khăn tài chính tương tự và đang cần tái cấu trúc hoặc giải cứu.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) hôm 30-8 phát hiện thấy một loạt vấn đề ở các ngân hàng Trung Quốc chẳng hạn cấp vốn vay cho các dự án phát triển bất động sản trái phép, biển thủ công quỹ, xếp loại và chuyền nhượng nợ xấu sai trái cũng như thực hiện các hoạt động ngoài bảng cân đối trái phép.

Báo cáo của CBIRC không nêu tên bất cứ ngân hàng cụ thể nào nhưng kêu gọi “tất cả các tổ chức ngân hành vừa và trung bình phải chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro của họ”.

Trong cả ba vụ giải cứu ngân hàng trong năm nay, các nguồn vốn giải cứu chủ yếu đến từ trung ương. Chẳng hạn, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã góp vốn để giải quyết vụ vỡ nợ của Ngân hàng Baoshang, trong khi đó, Ngân hàng Công thương Trung Quốc dẫn đầu nỗ lực tái cấp vốn cho Ngân hàng Jinzhou.

Yulia Wan, nhà phân tích ngành ngân hàng ở hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s, cho biết ngành ngân hàng của Trung Quốc vẫn ổn định nhờ PBoC chủ động can thiệp để cung cấp thanh khoản.

“Nhiều ngân hàng nhỏ của Trung Quốc vẫn là mối liên kết yếu trong hệ thống tài chính Trung Quốc, các hành động giải cứu gần đây cho thấy ổn định hệ thống tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc”, Yulia Wan nói.

Theo South China Morning Post

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293499/trung-quoc-xoay-so-thao-bom-cac-ngan-hang-yeu-kem.html