Trung Quốc yêu cầu cầu thủ nhập tịch phải biết văn hóa, tiếng Trung Quốc

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) muốn các cầu thủ bóng đá ngoại nhập quốc tịch nước này không chỉ về mặt giấy tờ...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đá bóng trong lần tới thăm Dublin (Thủ đô Ireland) năm 2012

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) muốn các cầu thủ bóng đá ngoại nhập quốc tịch nước này không chỉ về mặt giấy tờ, mà cần phải có “cả chất” tức là tình yêu đất nước và hiểu biết cơ bản về Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ước mơ World Cup của Trung Quốc

Niềm đam mê rất lớn đối với bóng đá của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng được đề cập tới trên truyền thông và chính phủ nước này đã tìm cách thúc đẩy môn thể thao này.

Trước khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã chia sẻ tình yêu của ông với môn thể thao vua. Giải thích về tham vọng của mình đối với bóng đá Trung Quốc hồi năm 2011, ông Tập khi đó đã liệt kê 3 mục tiêu: Đủ điều kiện tham dự World Cup, đăng cai tổ chức sự kiện bóng đá hàng đầu thế giới, và cuối cùng là giành chức vô địch World Cup.

Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã thành lập một ủy ban để cố gắng giải quyết các hết tất cả vấn đề còn tồn tại nhằm gặt hái mục tiêu mà ông Tập mong đợi. Các quan chức chỉ thị rằng, bóng đá phải trở thành một phần bắt buộc trong chương trình giảng dạy quốc gia. Khoảng 20.000 học viện bóng đá đã được mở ra với mục tiêu đào tạo hơn 100.000 cầu thủ. Các chương trình đưa cầu thủ đi huấn luyện tại nước ngoài cũng được triển khai.

Sau nhiều lần chưa đạt được kỳ vọng trong các giải đấu quốc tế, CFA đã cố gắng thu hút các cầu thủ trẻ nước ngoài có nguồn gốc Trung Quốc trở thành một phần của giải đấu đỉnh cao Giải bóng đá ngoại hạng Trung Quốc (Chinese Super League-CSL) và đội tuyển quốc gia.

Hiện tại, quyền công dân chỉ dành cho những cầu thủ bóng đá nước ngoài có cha mẹ hoặc ông bà là người Trung Quốc, trong một số câu lạc bộ bóng đá hàng đầu. Tuy nhiên, vì Trung Quốc không công nhận quốc tịch kép, họ phải sẵn sàng từ bỏ quốc tịch và nộp đơn xin nhập quốc tịch với tư cách là công dân Trung Quốc.

Cầu thủ người Na Uy John Hou Saeter, 21 tuổi, trở thành cầu thủ bóng đá ngoại nhập tịch tại Trung Quốc đầu tiên vào tháng 2 vừa qua. Hou có mẹ là người Lạc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) di cư đến đất nước Scandinavi từ khi còn nhỏ. Anh được biết đến với cái tên Hou Yongyong ở Trung Quốc và chơi tại giải CSL trong đội hình của câu lạc bộ Guoan Bắc Kinh (Beijing Sinobo Guoan).

Những cầu thủ khác cũng đã có quốc tịch Trung Quốc kể từ động thái mang tính bước ngoặt của CFA bao gồm, đồng đội của Hou, một cựu cầu thủ của Arsenal. Cầu thủ Nico Yennaris đến từ Anh đã đủ điều kiện nhập tịch vì có mẹ là người Trung Quốc. Hiện nay, Nico Yennaris đang chơi trong đội bóng dưới cái tên Li Ke.

Một cầu thủ người Anh khác, Tyias Browning, đã thi đấu giải CSL cho câu lạc bộ Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo (Guangzhou Evergrande Taobao) và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Trung Quốc. Ông ngoại của Browning là người Trung Quốc.

Ngoài ra, 3 cầu thủ ngoại khác cũng đang lên kế hoạch nộp đơn xin quyền công dân theo chương trình thí điểm của CFA đối với 4 câu lạc bộ bóng đá hàng đầu của đất nước.

John Hou Saeter, cầu thủ ngoại đầu tiên nhận quốc tịch Trung Quốc

John Hou Saeter, cầu thủ ngoại đầu tiên nhận quốc tịch Trung Quốc

Cầu thủ ngoại cần thêm yếu tố gì?

Ở nhiều nước, các cầu thủ ngoại chỉ cần đá bóng giỏi, kỹ thuật tốt là có thể dễ dàng nhận được nhiều chế độ ưu đãi nếu muốn nhập tịch. Bởi việc nhập tịch sẽ là minh chứng cho thấy cầu thủ này gắn bó lâu dài với quốc gia đó.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, điều đó là không đủ đối với các cầu thủ bóng đá nước ngoài xin nhập tịch, bất kể việc họ chấp nhận từ bỏ quốc tịch trước đây do quốc gia châu Á không công nhận quốc tịch kép.

Các cầu thủ này sẽ cần phải học tiếng Trung Quốc, văn hóa, lịch sử cũng như tình hình hiện tại của đất nước. Không những vậy, họ cũng phải biết nhận diện quốc kỳ, quốc huy và hát được quốc ca Trung Quốc.

Những yêu cầu này nằm trong chỉ thị do CFA ban hành ngày 29/3 về cách quản lý những cầu thủ bóng đá nước ngoài nhập tịch tại Trung Quốc. Bằng cách này, CFA tin rằng tình yêu đối với đất nước sẽ được nuôi dưỡng trong con người của những cầu thủ ngoại.

Ngoài việc sắp xếp các lớp học như vậy cho các cầu thủ ngoại, các câu lạc bộ chủ quản sẽ phải kết hợp với các tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm bồi dưỡng cho những cầu thủ bóng đá này về lịch sử, tư tưởng của đảng.

Theo chỉ thị mới, các câu lạc bộ chủ quản phải cử nhân viên đặc trách để theo dõi suy nghĩ của những cầu thủ bóng đá ngoại và hiệu suất của họ trong huấn luyện và trong các trận thi đấu. Báo cáo bằng văn bản về những vấn đề này sẽ phải được nộp lên CFA hàng tháng.

Ngọc Linh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/trung-quoc-yeu-cau-cau-thu-nhap-tich-phai-biet-van-hoa-tieng-trung-quoc-d416032.html