Trung tá Lâm Thị Nhung - người đi đầu trong 'Chuyển đổi số' ở vùng cao

Hôm tôi đến Võ Nhai (Thái Nguyên) để tìm gặp một nữ cán bộ CAND đã mạnh dạn thực hiện 'chuyển đổi số', đề xuất ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn công tác, là chủ công xây dựng kênh 'Toàn dân Podcast', tạo 'đột phá' trong tuyên truyền ở địa bàn vùng cao đất Võ. Đó là nữ Trung tá Lâm Thị Nhung, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh tổ quốc, công an huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Cái “khôn” ló từ cái “khó”

Đã hẹn từ trước nên đồng chí Nhung niềm nở đón rồi dẫn tôi đến “đại bản doanh” của mình. Trước mắt tôi, la liệt bày trên bàn đá, dưới gốc cây cổ thụ nào là máy tính, giấy bút, điện thoại mà tôi nhủ chắc là những phương tiện hỗ trợ cho một buổi ghi âm Podcast vừa xong.

Thấy tôi, đồng chí Trung tá Triệu Hữu Thắng, Phó Đội trưởng - cán bộ người Dao - đặt ngay tập giấy đang cầm trên tay xuống bàn phân trần: “Anh thông cảm cho sự bừa bộn này nhé, đồng chí Đội trưởng vừa hướng dẫn anh em thu xong một số phát thanh tiếng Mông”. Đồng chí Nhung tiếp lời: “Vậy là nay anh lại có dịp “mục sở thị phòng thu ngoài trời” của bọn em nhé. Anh thấy không, chúng em vừa làm, vừa mày mò, xin ý kiến, trên nhất trí là chúng em triển khai ngay. Kịch bản nội dung thì anh em cùng xây dựng, phát thanh viên tiếng Kinh là em, còn phát thanh bằng tiếng dân tộc là anh Thắng đây và các đồng chí cán bộ công an người Mông trong công an huyện”.

Trung Tá Lâm Thị nhung (bìa trái) hái chè giúp dân (ảnh do Công an huyện cung cấp).

Trung Tá Lâm Thị nhung (bìa trái) hái chè giúp dân (ảnh do Công an huyện cung cấp).

Nói rồi đồng chí Đội trưởng nhanh tay pha trà mời tôi ngồi. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ, đúng là “phòng thu ngoài trời” mà nữ Trung tá nhiều lần nói với tôi qua điện thoại. Thấy ánh mắt tôi dừng lại trước một góc tủ đứng cũ, cánh cửa mở toang, bên trong xới lộn biết bao là quần áo, giấy báo cũ, đồng chí Nhung giải thích ngay: “Chắc anh ngạc nhiên lắm hả, khi em được điều động bổ nhiệm về Đội Xây dựng phong trào này, cũng đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, việc lặn lội đến các bản làng, biết nói tiếng dân tộc để vận động đồng đồng bào đã khó, giờ lại khó khăn hơn nhiều vì không thể tập trung đông người do nguy cơ dịch bệnh. Đúng lúc đó, Giám đốc Công an tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện “Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Em mừng quá! Đúng là mở lối tư duy cho em đổi mới trong cách tuyên truyền vận động. Bởi cơ sở hạ tầng thông tin trên địa bàn huyện khá thuận lợi cho việc “chuyển đổi số”. Nếu xây dựng kênh tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để đồng bào nghe, hiểu được nội dung thông tin sự thật và được thuyết phục mà làm theo thì vô cùng hiệu quả”.

Tư duy mới về tuyên truyền của Đội Xây dựng phong trào được các anh lãnh đạo huyện hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành hiện thực, còn bao vấn đề đặt ra. Đầu tiên là về nhân lực, thời đại 4.0 rồi, mà anh em lúc đó nói vui là trình độ khoa học công nghệ của Đội đúng là như... 0.4. Do vậy, anh em phải tự học tập tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền. Bản thân đồng chí nữ Đội trưởng đã tự học các khóa về chuyển đổi số, về sản xuất kênh tuyên truyền trên mạng xã hội. Đến đây thì một khó khăn nữa lại đến, để xây dựng kênh “Toàn dân Podcast”, cần kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng “phòng thu”.

“Cái khó ló cái khôn”, đồng chí nữ Đội trưởng và cộng sự đã dùng điện thoại di động cá nhân thu âm các bài phát trên kênh “Toàn dân Podcast”. Qua học hỏi, đồng chí Nhung có kinh nghiệm thu âm bằng điện thoại là khi đọc bài thu, ngồi quay mặt vào tủ chứa nhiều quần áo được xới lộn tung tóe lên, giúp lọc bớt tạp âm để bản thu được trong, rõ. Thực tế đúng như vậy, đến mức nhiều người nghe bản phát thanh trên kênh Podcast của công an huyện cứ nghĩ là anh em Đội Xây dựng phong trào thực hiện ở phòng thu chuyên dụng, chứ không nghĩ nó đã được thực hiện ở “phòng thu ngoài trời”.

Hiệu quả bất ngờ

Trong một mớ hỗn độn những thông tin vàng thau trên mạng xã hội ngày nay, mỗi ngày người dân tiếp cận bao thông tin thật giả dẫn đến hiểu sai, làm sai, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Kênh “Toàn dân Podcast” của Công an huyện Võ Nhai do đồng chí Trung tá Lâm Thị Nhung cùng cộng sự sản xuất dần trở thành địa chỉ tin cậy của đồng bào. Đều đặn mỗi tuần, “Toàn dân Podcast” phát đi bản tin, có số phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số phổ biến, giáo dục chính trị, pháp luật và nâng cao cảnh giác với âm mưu, hoạt động của các các thế lực thù địch, các loại tội phạm.

Thượng Tá Lương Văn Hùng, Phó trưởng Công an huyện Võ Nhai chỉ đạo nội dung cho nữ Đội trưởng và cộng sự trong một buổi thu âm Podcast ngoài trời (ảnh do Công an huyện cung cấp).

Qua hơn một năm thực hiện, đến nay kênh “Toàn dân Podcast” đã xuất bản 34 bản tin, thu hút hàng vạn lượt nghe, tải về với nội dung như: “Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội”; “Phòng chống ma túy học đường”; “Phòng chống xâm hại trẻ em”; “Luật an ninh mạng”; “Luật an toàn giao thông đường bộ”; “Đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”...

Có thể nói, với bà con đất Võ bây giờ, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin chân thực về kinh tế xã hội, an ninh trật tự đúng nghĩa với câu nói “đã đi vào cuộc sống”. Chân thực hơn, ấy là đã đi đến tận giường ngủ của mỗi người. Chỉ cần 1 chiếc smart phone, có mạng internet, mỗi người dân dễ dàng tiếp cận và trở thành một tuyên truyền viên chỉ bằng việc nhấp vào nút chia sẻ đường link của mỗi số phát sóng trên kênh. Cũng bởi vậy và cùng với bộ máy, mạng lưới công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã hoạt động hiệu quả mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Võ Nhai bây giờ được nâng lên rõ rệt.

Có câu chuyện thú vị của các đồng chí công an xã rằng, khi vào vùng đồng bào, do không biết tiếng Mông nên không trực tiếp tuyên truyền được. Đồng chí mới vẫy, hỏi một người Mông biết tiếng Kinh rằng: “Tại sao đồng bào lại theo Dương Văn Mình?”. Người Mông này trả lời: “Vì những người trong nhóm Dương Văn Mình hướng dẫn nghe tiếng người Mông ta nói trên điện thoại di động”. Đồng chí công an xã bảo: “Vậy tôi cũng hướng dẫn đồng bào nghe tiếng người Mông ta nói trên điện thoại di động nhé”. Nói rồi, đồng chí cầm điện thoại hướng dẫn đồng bào nghe các số phát thanh bằng tiếng Mông trên kênh “Toàn dân Podcast” của Công an huyện Võ Nhai. Bây giờ đồng bào mới vỡ lẽ, vẫn là “tiếng người Mông ta” nói đấy, nhưng thông tin hoàn toàn trái ngược với nhóm Dương Văn Mình cho nghe.

Trước đây, thực hiện chủ trương “4 cùng” với đồng bào, chủ yếu đội ngũ cán bộ ở Võ Nhai mới thực hiện được “3 cùng” đầu tiên là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, còn cái cùng thứ tư “cùng nói tiếng dân tộc” thì hạn chế vì ít cán bộ biết tiếng Mông. Từ khi nữ Trung tá Lâm Thị Nhung đề xuất xây dựng thành công kênh tuyên tuyền “Toàn dân Podcast” đã giúp cho cán bộ nào cũng thực hiện được “4 cùng” với tất cả đồng bào. Giờ chỉ cần sử dụng smart phone, mọi người Mông trên địa bàn đều có thể nghe, hiểu, “tiếng người Mông ta” nói trên kênh, kết hợp với những việc làm cụ thể của cán bộ chính quyền giúp cho bà con tin theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và kết quả đến cuối năm 2022, có 69 hộ, 381 khẩu (=100%) ký cam kết từ bỏ, không tin, không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, giao nộp 44 phông, dỡ 4 nhà đòn.

Đam mê với công tác xây dựng phong trào, nữ Trung tá Lâm Thị Nhung đã sáng tạo, đổi mới, vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đảm đương vai trò một người vợ, một người mẹ hai con trong mái ấm gia đình nhỏ ở gần công an huyện.

Thấy tôi thắc mắc về nghị lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, công tác của một cán bộ nữ trên địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn, đồng chí nữ Trung tá cười rạng rỡ: “Cũng rất may cho em là có một người đồng hành lý tưởng. Ông xã em vốn là thầy giáo nên hiểu, thương và đồng hành với vợ mọi việc trong nhà, sắp xếp thời gian cho em yên tâm công tác”.

Ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của nữ Trung tá Lâm Thị Nhung, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và chính quyền địa phương đã tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu như: Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên tặng 2 bằng khen: Có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ 2018; Có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/TW về “Quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, giai đoạn 2017-2020; Giải ba Hội thi Báo cáo viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Trung ương khóa XII (năm 2018); Giải khuyến khích Hội thi Báo cáo viên giỏi huyện Võ Nhai (năm 2021); Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng trong Phong trào thi đua “Phụ nữ CAND học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...” giai đoạn 2017- 2021; Có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; Có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế số 02-QC/DUCA-VP ngày 9/3/2012 của Đảng ủy Công an Trung ương về công tác dân vận của lực lượng CAND, giai đoạn 2012-2020; Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” năm 2020; Đã có thành tích tiêu biểu trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự cụm an ninh khu vực huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên); huyện Chợ Mới, Na Rì (tỉnh Bắc Kạn), (Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới khen), nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2019, 2020, 2021, 2022). Sáng kiến chuyển đổi số trong xây dựng kênh tuyên truyền “Toàn dân Podcast” của Công an huyện Võ Nhai, trong đó có đóng góp chủ công thực hiện của đồng chí Lâm Thị Nhung đã được Giám đốc Công an tỉnh công nhận sáng kiến cấp cơ sở.

Lan tỏa

Trước là nghe và giờ là chứng kiến thực tế công tác hằng ngày của nữ Trung tá Lâm Thị Nhung và cộng sự, tôi mới thấy, có lẽ điều làm cho Đội Xây dựng phong trào trở thành không chỉ là “điểm sáng” mà còn là ngọn lửa bùng lên trong không gian lành lạnh của đá núi, sương rừng vùng cao đất Võ trong những buổi chiều tà, đêm lạnh ấy là bởi vì Đội Xây dựng phong trào có một con chim đầu đàn, nữ Đội trưởng tâm huyết, dám nghĩ, dám làm và đa số các đồng chí trong Đội là cán bộ trẻ, năng nổ hoạt bát, tạo thành một tập thể như một ngọn lửa hừng hực cháy, đầy cống hiến, đam mê. Tôi mới nghiệm rằng, con người ta nếu làm với tinh thần nghĩa vụ thì chỉ tròn vai, chỉ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng làm bằng cả lòng nhiệt huyết, đam mê thì công việc đó không chỉ hoàn thành mà tiếng vang còn lan tỏa...

Đoàn Đức Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/trung-ta-lam-thi-nhung-nguoi-di-dau-trong-chuyen-doi-so-o-vung-cao-i692243/