Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM xin tăng thu nhập cho bác sĩ, nhân viên

Ngày 10.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115, Ban Chỉ đạo cấp cứu ngoại viện.

Nhân viên cấp cứu Trung tâm cấp cứu 115 cấp cứu bệnh nhân ngoài hiện trường - Ảnh: Duy Tính

Tại đây, bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (gọi tắt là Trung tâm) đã nêu lên những khó khăn cần TP giải quyết.

Kiến nghị có cơ chế thu nhập

Theo BS Nguyễn Duy Long, mạng lưới cấp cứu ngoại viện của TP hiện nay gồm Trung tâm cấp cứu 115 (thành lập từ năm 2014 tách ra từ Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương) và 24 trạm vệ tinh với trên 40 xe cấp cứu. Từ 68 nhân sự ban đầu đến nay Trung tâm đã có 139 người (16 BS)

Số ca cấp cứu tăng nhiều về số lượng (năm 2017 là 12.176 ca, tăng gần 4.000 ca so với năm 2016) nhưng cách thức điều hành, điều phối còn thủ công.

“Khó khăn lớn nhất, cho đến thời điểm này đã có 24 trạm cấp cứu 115 vệ tinh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cứu của TP. Theo thống kê, 30% trường hợp khi xe cấp cứu đến thì người đã tự đi do sốt ruột mà xe cấp cứu chưa tới do không có trung tâm điều hành thông minh. Việc này gây tốn xăng, tốn ê kíp cấp cứu”, BS Long nói.

Khó khăn thứ 2 là về kinh tế của Trung tâm. Theo BS Long, thu nhập của cán bộ, nhân viên chính là lương. Khi tách ra thành đơn vị độc lập thì Trung tâm chỉ làm nhiệm vụ thôi chứ chưa có tổ chức được dịch vụ nên thu nhập chủ yếu là lương, không có thu nhập tăng thêm. Chính vì do khó khăn kinh tế dẫn đến 23 người nghỉ việc (6 bác sĩ, 6 điều dưỡng…), làm ảnh hưởng đến chuyên môn, phát triển trung tâm ngắn hạn cũng như hạ tầng. Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm không có chức năng ký xác nhận quá trình thực hành cho nhân viên để họ hành nghề ngoài giờ làm để tăng thu nhập...

Bên cạnh đó, một số giải pháp phát triển Trung tâm còn chậm. Phải ra đời Trung tâm điều hành thông minh nhưng nguồn lực thì còn yếu, cần hỗ trợ từ các chuyên gia và chuyên gia công nghệ thông tin

Công tác quản lý, điều phối mạng lưới cấp cứu vệ tinh còn khó khăn. Như xe cấp cứu và ê kíp cứu ở trạm vệ tinh 115 ngoài việc chờ gọi đi hiện trường, còn phải làm hội chẩn chuyên môn ở BV. Bởi có trường hợp bệnh nhân gọi cấp cứu thì Trung tâm chuyển xuống trạm vệ tinh nhưng BS trạm vệ tinh thì mắc đi hội chẩn, sau thời gian đó mới phản hồi được. Lúc này Trung tâm lại phải gọi đơn vị vệ tinh khác, khiến thời gian cấp cứu người bệnh kéo dài.

Sau khi trình bày khó khăn, BS Long kiến nghị chính quyền TP 3 vấn đề. Thứ nhất, lãnh đạo TP quan tâm, hỗ trợ Trung tâm về cơ chế chính sách về thu nhập và trình trong kỳ họp HĐND sắp tới. Thứ 2, UBND TP hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm xây dựng và triển khai đề án trung tâm điều hành thông minh giai đoạn 1. Thứ 3, UBND TP đồng ý chủ trương tăng số xe cấp cứu từ 2 chiếc lên 3 chiếc đối với các trạm vệ tinh vì lúc xảy ta cấp cứu xe cấp cứu trạm vệ tinh đi bận thì đáng tiếc.

Ngoài ra, BS Long cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép xây dựng thì điểm mô hình chuyên viên cấp cứu ngoại viện - Paramedic.

Lương bác sĩ làm 9 năm chưa đến 7 triệu đồng

Tại cuộc làm việc này, bà Thu yêu cầu Sở Y tế TP và Trung tâm làm rõ thêm 3 vấn đề. Thứ nhất, hiện nay nhân viên Trung tâm có tổng thu nhập bao nhiêu, từ nguồn nào? Vậy kiến nghị cơ chế thu nhập mức bao nhiêu? Tăng khoản nào?

Theo Phòng Kế hoạch - tài chính Sở Y tế TP, thu nhập trung bình hiện tại ở Trung tâm là 6,5 triệu đồng. Ngoài lương còn có phụ cấp ưu đãi nghề: vị trí trực tiếp hiện trường cấu cứu với bác sĩ, trung cấp, lái xe hưởng 60% lương, các vị trí khác 20% lương.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu (giữa) tại buổi làm việc với Trung tâm - Ảnh: Duy Tính

“Tổng thu nhập trung bình của BS là 7,4 triệu đồng/tháng; ban giám đốc 9,5 triệu đồng/tháng; khối đại học cao đẳng là 5,8 triệu đồng; trung cấp: y sĩ, điều dưỡng trung cấp làm trực tiếp là 6,5 triệu đồng/tháng, khối gián tiếp là 4,3 triệu đồng/tháng. Lao động không có có bằng cấp: lái xe 7,2 triệu đồng/tháng; vị trí gián tiếp gồm bảo vệ, hộ lý là 3,7 triệu đồng/tháng.

Sở đề xuất hỗ trợ Trung tâm như hỗ trợ cho nhân viên Bệnh viện (BV) Phong - Bến Sắn và BV Nhân Ái. Theo đó, BS được hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng; ban giám đốc 5,4 triệu đồng; đại học, cao đẳng 3,6 triệu đồng; trung cấp: vị trí trực tiếp 3,6 triệu đồng, gián tiếp là 3 triệu đồng; lao động không bằng cấp gián tiếp là 2,4 triệu.

Đại diện Sở Tài chính ủng hộ phương án này vì cán bộ Trung tâm làm việc trong môi trường độc hại, khó thu hút nhân lực nên áp dụng cơ chế thu nhập tăng thêm là để nhân viên an tầm làm việc.

Tuy nhiên, phản biện lại ý kiến của Phòng Kế hoạch - tài chính Sở Y tế, bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ cho biết ông là BS CKII, từ năm 2009 đến nay nhưng chưa tháng nào nhận được 7 triệu đồng chứ không phải là 7,4 triệu đồng.

“Cán bộ ra hiện trường rất nguy hiểm vì đối tượng cấp cứu khi họ ngã chảy máu nhưng không biết có bị nhiễm HIV hay viêm gan B không để trang bị bảo hổ và điều trị phơi nhiễm. Có trường hợp cấp cứu một bệnh nhân, khi ông vừa đặt nội khí quản thì người này “khò” máu văng đầy mình và không biết bệnh nhân có mắc bệnh nhiễm nào không? Nguy cơ lây nhiễm bệnh nhân lao rất cao, đó là chưa kể bị bạo hành ngoài hiện trường do áp lực”, BS Tuệ chia sẻ và nói thêm rằng: Chúng tôi, vừa làm việc, vừa cầu nguyện cho bệnh nhân không bệnh gì hết!

Còn theo Long cho rằng, Trung tâm hoạt động không giống các đơn vị khác, nhiều người chưa có điều kiện làm công việc khác để kiếm thê thu nhập; không có chứng chỉ hành nghề làm thêm. Môi trường làm việc nhân viên Trung tâm trường căng thẳng, nguy hiểm, môi trường độc hại nhưng chưa có định mức chỉ tiêu độc hại quy định bằng văn bản. Mấy năm vừa qua Trung tâm khó tuyển người được người, kể cả vị trí làm hành chính nhưng lại không có cơ chế giữ chân nhân viên.

Đại diện Văn phòng UBND TP cho rằng về đề nghị cơ chế chính sách thì phải chuẩn bị trình cho HĐND vào tháng 7 này là khó kịp nhưng sẽ cố gắng đốc thúc cho nhanh nhưng chỉ còn chưa tới 6 tuần. Nếu không kịp thì sẽ trình vào kỳ họp cuối năm

Bác sĩ CKII Nguyễn Thắng Nhật Tuệ (trái) nói 10 năm làm việc tại Trung tâm chưa tháng nào ông nhận được 7 triệu đồng - Ảnh: Duy Tính

Đề xuất mua thêm 17 xe cấp cứu

“Về đề xuất, kiến nghị tăng xe cứu thương từ 2 chiếc lên 3 chiếc cho một BV công tham gia cấp cứu vệ tinh thì gồm những đơn vị nào? Bao nhiêu chiếc? Số tiền bao nhiêu để Sở Tài chính tính toán nguồn nếu HĐND TP thông qua”, Phó Chủ tịch UBND TP hỏi.

“Về xe cấp cứu, khi thành lập đề án dự kiến Trung tâm đầu tư 100 xe thì mới đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, nhưng hiện Trung tâm chỉ có 11 xe. Nếu chờ đến Trung tâm hoàn chỉnh thì không ổn nên gắn với các BV quận huyện thành lập của 24 trạm tổng cộng là khoảng 45 xe”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng Phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế trình bày.

Theo bác sĩ Duy, dự kiến đến 2020 TP phải có có 30 trạm vệ tinh, nhưng việc xuất xe tiếp cận hiện trường vẫn còn khó khăn do việc thiếu xe. Do vậy, cần cho 17 BV quận huyện tham gia vệ tinh là 17 xe. Mỗi xe lắp ráp “độ lại (không phải xe chuyên dụng), trang bị tại VN là 2,2 tỉ đồng (xe chuyên dụng là 15 tỉ đồng).

Về vấn đề này, Sở Tài chính nêu quan điềm là cần rà soát lại các xe cấp cứu ở trạm vệ tinh đã sử dụng, tận dụng để làm hết công xuất chưa?

Phó chủ tịch UBND TP tiếp tục chấn vấn việc Trung tâm đề nghị hỗ trợ kinh phí để xây dựng triển khai đề án Trung tâm điều hành thông minh phải làm rõ khi hình thành nó mang lại lợi ích gì cho TP? Hiệu quả gì, có khả thi không? Nó hoạt động ra sao?

Theo bác sĩ Duy, để làm đề án Trung tâm điều hành thông minh, 2 năm qua Sở và Trung tâm đã đi học tập mô hình tại Úc. Trung tâm điều hành này có nhiệm vụ tiếp nhận tất cả mọi thông tin cấp cứu, mã hóa và chuyển đến xe, xuất xe, giám sát xe, tất cả thông tin về bệnh nhân lên xe cấp cứu. Trên xe cấp cứu, nhân viên hiện trường gởi dữ liệu mà hóa về cho trung tâm. Khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện nào thì tất cả thông tin bệnh bên được Trung tâm điều hành thông minh chuyển đến cho BV.

Trung tâm điều hành thông minh có thể giám sát tất cả xe đang ở đâu, đường đi nào, có rảnh hay bận; giám sát hoạt động nhân viên cấp cứu trên xe cấp cứu…

Đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đồng tình với việc thành lập Trung tâm điều hành thông minh ở TP càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó là mở mã ngành đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện. Trong khi chờ cho phép thì Trường đã đào tạo điều dưỡng cấp cứu, xin UBND TP cho phép liên kết với Phần Lan để phục vụ cho nhu cầu TP.

Đầu tư cho cấp cứu là không từ chối được

Người nước ngoài cấp cứu nhiều nhất do viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa…

Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh đa khoa Sài Gòn cho biết, Bệnh viện cấp cứu người nước ngoài, khách du lịch nước ngoài chiếm 18-20% ca cấp cứu. Mỗi tháng là 140 người trên khắp thế giới, 2 nước nhiều nhất là Mỹ và Hàn Quốc chiếm 10%.

Các bệnh họ thường gặp là viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa; các trường hợp do tai nạn, ẩu đả… nên ngoài chuyên môn thì BV đầu tư cho giao tiếp ứng xử, ngoại ngữ. BV đã có kế hoạch chú trọng cấp cứu khách du lịch và người nước ngoài sinh sống làm việc tại TP.

Phó chủ tịch UBND TP đã đánh giá cao tinh thần của các y bác sĩ tại Trung tâm vì làm việc trong điều kiện và môi trường khác so với đồng nghiệp, làm ngoài hiện trường thiếu đủ thứ nhưng buộc phải làm để cấp cứu bệnh nhân đưa về nơi điều trị.

“Với năng lực của mình họ có thể xin việc nơi khác thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. TP biểu dương và ghi nhận”, Phó chủ tịch nói và cho biết thêm rằng việc làm của các y bác sĩ Trung tâm là rất quan trong, nếu cấp cứu không tốt thì bệnh nhân chưa hẳn được cứu sống.

“Cháu tôi 3 giờ khuya hôm nay đang ngủ bỗng tím tái không thở được, gia đình sơ cứu nhưng đưa đi không kịp không kịp. Có người nhà rơi vào hoàn cảnh này thì dễ chia sẻ hơn”, Phó chủ tịch tâm sự.

Theo bà Phó chủ tịch, 3 đề xuất của Trung tâm là không quá lớn với TP. “Cơ bản tôi đồng thuận 3 đề xuất, tuy nhiên, tôi đề nghị Trung tâm, Sở Y tế cần chuẩn bị trước để khi các Sở ngành phản biện thì phải giải thích, trả lời hợp lý”, Phó chủ tịch UBND TP nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu chỉ đạo: Về chính sách thu nhập: phải nghiên cứu kỹ, căn cứ trên cơ sở nào để đề nghị hỗ trợ tăng thêm. Nếu nói khó khăn thì ngành nào cũng khó khăn. Chọn phương án nào: xin một cục (như đề xuất) hay phương án tăng theo hệ số nhân với hệ số lương.

Thứ 2, kinh phí thành lập Trung điều hành thông minh (18 tỉ đồng) phải tiếp thu ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư, tức phải nghiên cứu cái tên vì trong Trung tâm cấp cứu 11 5 lại có thêm Trung tâm điều hành thông minh là người ngoài ngộ nhận thêm một trung tâm trực thuộc Sở Y tế. Nhưng từ đây đến cuối năm chưa chắc có tiền, có thể là sang năm hay sang năm nữa. “TP tinh thần là ủng hộ, nhưng để đề án này hoàn thành sau khi xây dựng xong xem thuộc thầm quyền của ai? Của TP hay HĐND”, Phó chủ tịch cho hay và nói thêm: Đầu tư cho cứu người là không từ chối được, không có gì đau xót bằng khi mất đi người thân!

“Thứ 3, tăng xe cứu thương, tôi muốn nói là không đầu tư tràn lan, không phải nơi nào tham gia trạm vệ tinh cũng đầu tư xe. Đầu tư của TP là để kịp thời cứu người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn TP. Nơi nào phát huy được hết công năng 3 chiếc thì đầu tư, nơi nào có 2 chiếc nhưng chưa sử dụng hết công năng thì không đầu tư. Nơi nào có xe cứu thương xuống cấp thì đầu tư. Tìm xem mô hình không có xe cứu thương vào được thì còn xe nào khác, xe chuyên dụng trong điều kiện kẹt xe. Đầu tư không đúng sẽ không ủng hộ”, Phó chủ tịch TP nói.

Phó chủ tịch TP chỉ đạo thời gian tới, Trung tâm chú ý quan tâm môi trường, điều kiện làm việc và sức khỏe của cán bộ nhân viên phải đặt lên hành đầu, trang bị công cụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe cho cán bộ nhân viên định kỳ để hát hiện lây nhiễm, điều trị. Kể cả nơi ăn nghỉ tại chỗ, có lương thực, thực phẩm ăn nhẹ tại chỗ. Đề nghị Sở Y tế có khoản chi phí đó.

Duy Tính

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/trung-tam-cap-cuu-115-tphcm-xin-tang-thu-nhap-cho-bac-si-nhan-vien-961373.html