Trung tâm ngoại ngữ ngoài nhà trường: Buông lỏng quản lý

Ngay sau khi vụ việc cô giáo chửi mắng học viên tại trung tâm ngoại ngữ 'chui' MST English (Hà Nội) vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ra công văn yêu cầu rà soát, đánh giá hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên cả nước.

Sớm siết lại hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ (Ảnh minh họa).

Kiên quyết xử lý vi phạm

Theo đó, công văn do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký, đề nghị các Sở GD&ĐT, đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các trung tâm đang hoạt động trên địa bàn hoặc thuộc phạm vi quản lý.

Các đơn vị phối hợp ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm và có biện pháp xử lý kiên quyết những hiện tượng vi phạm quy định hiện hành.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin về danh sách trung tâm ngoại ngữ, tin học cả công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn được cấp phép hoạt động.

Trong đó, phải ghi rõ thông tin như điều kiện đảm bảo chất lượng, thời gian thành lập, thời gian, địa điểm được cấp phép, công khai thông tin về danh sách học viên được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Bộ GD&ĐT yêu cầu thông tin phải được cập nhật thường xuyên. Sở GD&ĐT, các trường chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc những vấn đề trên và báo cáo Bộ trước ngày 25/5.

Liên quan đến trung tâm ngoại ngữ “chui” MST English, cách đây ít ngày Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Giám đốc Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), báo cáo Thành ủy, UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 15/5.

Cùng với đó, Thanh tra Sở GD&ĐT đã ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty MST và bà Nguyễn Thị Kim Tuyến.

Cụ thể, xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với Công ty MST do đã tự ý thành lập cơ sở giáo dục để tổ chức dạy ngoại ngữ; xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Kim Tuyến do đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học qua các đoạn phim đã được đăng tải trên mạng xã hội.

Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra thông báo về việc dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại MST; giải thể đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục của Công ty MST và dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy đối với bà Nguyễn Thị Kim Tuyến.

Lỏng lẻo quản lý

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến ngày 5/1, trên địa bàn thành phố hiện có đến 513 trung tâm ngoại ngữ, tin học đăng ký hoạt động. Trong đó có 264 trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, 202 trung tâm ngoại ngữ-tin học không có yếu tố nước ngoài và 47 trung tâm ngoại ngữ-tin học và nghiệp vụ chuyên ngành ngắn hạn.

Danh sách các trung tâm được cấp phép hoạt động được Sở GD&ĐT Hà Nội đã được công bố công khai trên cổng thông tin của Sở tại địa chỉ Hanoi.edu.vn, bao gồm các thông tin về đơn vị chủ quản, địa chỉ, tên và số điện thoại của giám đốc trung tâm, số giấy phép, thời hạn đăng ký…

“Việc công bố công khai nhằm giúp người dân có cơ sở thông tin chính xác về các trung tâm để tìm hiểu kỹ trước kỹ lựa chọn nơi theo học”- ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.

Chỉ cần search cụm từ “Trung tâm tiếng Anh” trên trang tìm kiếm Google sẽ cho thấy hàng trăm kết quả với những lời quảng cáo có cánh, cam kết về chất lượng học tâp đạt đến 100%.

Những lớp học này được mở ra khá dễ dàng và chủ yếu dựa trên uy tín của một số cá nhân và thông báo tuyển sinh công khai trên các trang mạng xã hội.

TS Hoàng Ngọc Vinh- Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, hiện vẫn thiếu công cụ để kiểm soát những hình thức dạy học trực tuyến, các khóa học online, chiêu sinh qua mạng xã hội...

Trong khi đó, dạy học trực tuyến phát triển quá mạnh với nhiều hình thức, phương tiện và tư liệu khác nhau. Nếu không kiểm soát thì sẽ có đối tượng lợi dụng các khóa học trực tuyến để tuyên truyền những thông tin sai lệch về chính trị, xã hội.

GS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng nhận định, qua nhiều sự việc cho thấy công tác quản lý đang rất lỏng lẻo. Trên thực tế rất nhiều cơ sở giáo dục ngoại ngữ không phép hoạt động, thậm chí công khai tuyển sinh rộng rãi.

Cũng theo ông Dong, một khi phát hiện các tổ chức hoạt động chui, cần đình chỉ ngay, nếu không làm nghiêm thì các trung tâm khác sẽ vẫn đua nhau làm trái quy định.

Băn khoăn chất lượng

Lại một kỳ nghỉ hè đang đến rất gần, hiện nhiều gia đình đã và đang lựa chọn, tìm kiếm cho con em mình các trung tâm ngoại ngữ để các con học tập dịp hè.

Dẫu thế, lâu nay mối quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh vẫn là “chuẩn” chất lượng dạy và học tại các cơ sở ngoại ngữ ngoài nhà trường.

Trên thực tế, không hiếm các trung tâm cam kết “học với giáo viên bản ngữ”, nhưng giáo viên “bản ngữ” mà họ thuê dạy có khi lại là Tây ba lô; giáo trình do các trung tâm tự thiết kế…

Những năm trở lại đây, nhiều trung tâm ngoại ngữ- cho dù có uy tín cũng tìm cách tiếp thị, quảng bá qua điện thoại bằng hình thức nhắn tin, gọi điện khiến phụ huynh thấy phiền hà.

Ấy là chưa kể, không ít trung tâm còn nhập nhằng lôi kéo học viên, chào hàng bằng hình thức “khuyến mại” 20-30% học phí nếu đóng cả khóa học (từ 12-18 tháng).

Nhưng sau khi học viên có nhu cầu thôi học, muốn rút lại tiền đã đóng thì trường đoạn này vô cùng là khó khăn…

Nhằm quản lý hoạt động của câc trung tâm ngoại ngữ - tin học, Bộ GD&ĐT cũng đã có Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ tin học năm 2011 (Số: 03/2011/TT-BGDĐT).

Trong đó, Chương III quy định rõ hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ tin học ở Điều 12- Điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng. Nhưng cho đến nay, chất lượng chương trình học tập và tiêu chuẩn của giáo viên dạy tại các trung tâm ngoại ngữ vẫn chưa được đánh giá và thống kê đầy đủ.

Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT cũng vừa công bố dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Theo đó, các Trung tâm ngoại ngữ, tin học sử dụng các chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành hoặc lựa chọn chương trình của các trường đại học trong nước và quốc tế hoặc biên soạn chương trình theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo quy định hiện hành phù hợp với điều kiện của học viên và khả năng đáp ứng của trung tâm.

Ngoài các chương trình trên, trung tâm ngoại ngữ, tin học xây dựng chương trình đáp ứng nhu cầu người học, thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong dự thảo cũng nói rõ về quy định việc dạy học và tiêu chuẩn của giáo viên dạy ở trung tâm ngoại ngữ, tin học,…

Quy chế này sẽ lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ nay đến hết ngày 26/6/2018 trước khi ban hành chính thức.

Minh Thúy- Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/trung-tam-ngoai-ngu-ngoai-nha-truong-buong-long-quan-ly-tintuc403518